Tết con trâu

.

Sáng sớm, trời còn sương lạnh. Ông Sửu dậy ăn tạm bát cơm rang rồi sang nhà hàng xóm mượn trâu.

Nhẽ ra phải nửa tháng nữa mới bắt đầu cày bừa để gieo mạ vụ đông xuân. Nhưng nhà không có trâu bò, lại không có tiền thuê máy móc thì phải chủ động túc tắc làm dần. Nhà ông cả gần mẫu ruộng chứ ít ỏi gì, mà miệng ăn thì nhiều chứ người làm lại ít. Mấy nhà hàng xóm bảo ông “cứ sang mà lấy trâu, đừng ngại”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Giờ mấy ai cày bừa bằng trâu, thuê máy cho nhanh. Làm ruộng mà cái gì cũng thuê, tính ra thấy lỗ thì thôi nghỉ cấy. Già thì có lương hưu hoặc tiền tích cóp cả đời. Trẻ thì đi làm công nhân trong mấy khu công nghiệp. Vợ chồng ông Sửu không có lựa chọn nào khác ngoài bám lấy ruộng đồng. Năm hết Tết đến, người người mong lương thưởng. Những người nông dân như ông quanh năm chỉ mong mưa thuận gió hòa. Năm dịch bệnh, thời tiết lại khắc nghiệt quá. Cứ nghĩ lũ lụt ở tận đẩu đâu, ấy thế mà quê ông cũng ngập. Nước dâng lên ngập cả chuồng trại, chết mất mấy sào ngô ở vườn. Nước còn chưa kịp rút thì bão tới, quật đổ hết cây cối, lúa sắp thu hoạch nằm rạp, chìm nghỉm dưới nước. Thế là đi tong mất vụ hè thu.

Ấy thế nhưng ông không buồn lâu. Vụ này mất mùa thì vụ sau bù lại. Ông luôn bảo với bà: “Mình nghèo vật chất thì tinh thần phải phấn chấn lên”. Bà nằm ru cháu đung đưa võng: “Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.

Ông tuổi Sửu, cả đời cực như thân trâu là thật. Sinh ra trong gia đình làm nông, ông chẳng hiểu sao mình chăm chỉ làm lụng cả đời mà vẫn nghèo. Lúc còn trẻ, rời quân ngũ, ông trở về quê hương làm ăn kinh tế phụ bố mẹ lo cho các em. Ngày ấy sức dài vai rộng, một mình ông khai hoang cả quả đồi trồng sắn, lạc. Đất chó ăn đá gà ăn sỏi, vai ông chai sần vì gánh nước tưới cây. Hết trồng hoa màu lại chuyển sang trồng rừng, làm chuồng trại chăn nuôi. Bàn tay ông chẳng mấy khi nghỉ ngơi nhưng tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Ông lo công việc, dựng vợ gả chồng cho các em xong xuôi mới nghĩ tới hạnh phúc của mình. Thành ra ông muộn màng hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Vợ ông hiền lành, chịu khó, cả đời chiu chắt vì chồng vì con. Người làng bảo “nhà ấy được cả đôi, mấy mà no ấm”. Ấy thế mà…

Vợ chồng ông hiếm muộn chạy chữa khắp nơi. Mãi mới có tin vui, ai ngờ con trai đầu của ông khi sinh ra bị liệt tứ chi. Cả đời ngồi trên chiếc xe lăn, ngờ nghệch. Hai đứa con gái lần lượt ra đời, rồi cha già mẹ héo. Từng đứa con lớn lên mang năm tháng đi theo. Cuộc đời ông vẫn chưa lúc nào được thảnh thơi.

Đến lúc ngoảnh lại, ông thấy mình cũng đã bước qua cái dốc bên kia của đời người. Xòe hai bàn tay ra vẫn không thấy gì ngoài những vết chai. Vợ ông ngày càng hay đau yếu, thuốc thang. Dư dả đồng nào rồi cũng đổ vào hiệu thuốc. Hai đứa con gái lấy chồng đều không yên ấm. Đứa ly hôn, đứa làm ăn thua lỗ.

Chúng mang con về gửi ông bà ngoại để đi làm ăn xa. Thương con thì đùm bọc cháu. Vất vả mấy cũng được, miễn sao được quây quần bên nhau. Những lúc mệt mỏi nhất, ông vịn vào nụ cười ngây thơ, ngờ nghệch của đứa con trai mà cố gắng. Con trai ông đã ngoài ba mươi tuổi nhưng được mọi người gọi là “cậu cả”, vì cậu vẫn mang tâm hồn một đứa trẻ mãi không chịu lớn. Thấy con bướm thì vui, thấy chim ca háo hức. Mỗi lần đưa cậu ra tắm nắng sớm ngoài sân, ông Sửu chỉ ước ao trời cho mình sống lâu khỏe mạnh để chăm sóc đứa con thiệt thòi này. Nắng nhảy múa trên đôi tay teo tóp của cậu. Nắng vỗ về mái tóc bạc của ông. Nắng xuân tràn qua những kẽ tay của bà đang thu hoạch gừng chuẩn bị cho một mùa mứt Tết.

Loa xã sáng nào cũng có bản tin mùa vụ. Phổ biến giống lúa mới, lịch gieo mạ, bản tin thời tiết. Ông ngồi xúc cháo bón cho cậu cả, dỏng tai nghe tiếng được tiếng mất. Kể mà nhà có trâu chỉ sẵn cày bừa thì cũng không lo. Đằng này trâu đi mượn, nửa ngày làm thì nửa ngày đi thả để tối đến trâu no còn mang trả.

Muốn làm cố cho kịp vụ cũng không dám vì chỉ sợ hao trâu. Cũng có khi cần mượn trâu nhưng nhà người ta bận chở hàng thì cũng đành chịu vậy. Nhiều đêm ông nằm nghĩ, mình tuổi trâu mà cả đời không cóp tiền mua nổi con trâu. Thật ra, ông cũng từng có “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Nhưng năm ấy, bà đi mổ u màng não, trong nhà không có tiền, vay mượn cũng khó, thành ra phải bán rẻ con trâu cái. Ông tiếc, nhiều đêm không ngủ được. Ngẩn ngơ nhìn gốc xoài, chỗ vẫn thường buộc trâu những trưa hè. Có hôm đang ngủ trưa, ông nghe thấy tiếng trâu gọi mình. Tỉnh dậy, nhìn đôi sọt và cái liềm cắt cỏ treo ở đầu nhà, ông mới nhớ ra mình không còn trâu nữa. Dưới nền nhà những con trâu lá mít của mấy đứa cháu ngoại vứt lăn lóc.

Trưa hai mươi tháng Chạp, bỗng thấy tiếng lẹt đẹt của sóng loa làng. Thường thì sau bản tin dự báo thời tiết, loa làng sẽ tắt. Ngày xưa còn hay bật bài hát để mọi người làm đồng nghe cho đỡ buồn. Nhưng bây giờ ai chẳng có điện thoại thông minh, vừa cấy vừa nghe hài. Xong bộ phim hài thì cũng cấy xong thửa ruộng. Thành ra chẳng ai còn tha thiết nghe tiếng được tiếng mất của loa. Ngoài bản tin mùa vụ, loa làng chỉ vang lên lúc nhà ai đó bị mất trâu, trẻ em đi lạc, trong làng vừa có ai đó nhắm mắt xuôi tay. Cũng có khi loa vang lên kêu gọi bà con đến chung tay dập một đám cháy nhà nào đó. Buổi trưa lại là lúc bà con tranh thủ nghỉ ngơi để chiều ra đồng nên tiếng loa bất chợt vang lên khiến ai cũng giật mình. Trời bỗng nhiên gió quá. Tiếng loa lúc to lúc nhỏ, lúc rõ lúc không. Ông chỉ nghe bập bõm thấy mấy chữ “tặng trâu”. Bỗng từ ngoài cổng thấy bà hàng xóm hớt hải chạy vào.

- Ông nghe thấy gì không? Năm nay, gia đình chính sách và hộ nghèo xã mình được tặng trâu sinh sản đấy.

- Thật không bà?

- Thật chứ. Nghe nói các mạnh thường quân sẽ trao trước Tết để bà con có niềm vui đón Tết đấy.

Cuộc trò chuyện chưa dứt thì ông nhận được cuộc gọi từ bác trưởng thôn. Bằng cái giọng hào sảng dễ mến, bác trưởng thôn thông báo “nhà chú đợt này được tặng trâu đấy nhé. Tết năm nay cứ gọi là tưng bừng, phấn khởi”. Ông Sửu vui quá, cứ đi ra đi vào. Nông dân được tặng trâu còn mừng hơn ai đó dúi cho cục tiền. Nếu có trâu, ông sẽ trồng một ruộng cỏ to để vỗ béo nó. Sẽ sửa lại nhà kho phía sau thành cái chuồng trâu. Sẽ mua lại cái xe kéo cũ nhà ông Sáu để thỉnh thoảng ai thuê gì thì chở. Mấy năm trở lại đây, người làng bỏ ruộng nhiều lắm. Trẻ đi làm công nhân, già xin được chân làm lao công, bảo vệ, nấu bếp. Lương một tháng đủ đong gần tấn lúa, tội gì. Loanh quanh ở nhà toàn người già, trẻ nhỏ, sức đâu mà làm ruộng nữa. Ông Sửu nhìn đám ruộng cỏ mọc đầy thì tiếc lắm. Nếu có trâu bò, nhất định ông sẽ mượn ruộng cấy thêm, lấy công làm lãi. Ruộng cạn thì trồng ngô, lạc. Mấy năm nay lạc cũng tăng giá. Cả đêm ông trằn trọc không ngủ được, đầu óc cứ tính toán vẩn vơ.

Buổi sáng hôm ấy, trời hửng nắng xuân. Cây đào nở sớm bừng cả một góc vườn. Ông Sửu dậy sớm, mặc bộ quần áo đẹp nhất vui vẻ đi nhận trâu. Chưa đến giờ làm việc nhưng mọi người đã tập trung rất đông ngoài sân nhà văn hóa. Bà con ai cũng phấn khởi cười nói rôm rả. Họ hỏi nhau ai là người tặng trâu? Ông ấy gốc là người làng mình thế giờ sống ở đâu? Con cháu dòng họ nào mà sao giàu thế, tốt thế? Trong số họ có cả những người không thuộc hộ nghèo cũng kéo đến mừng cho những gia đình được nhận trâu. Ông Sửu nhận được những cái vỗ vai động viên, nắm tay ấm áp. Tình người bao bọc nhau như những lũy tre bao bọc lấy làng trên xóm dưới.

Đúng 8 giờ sáng, Chủ tịch xã và đại diện phía nhà tài trợ có mặt để trao trâu, bò cho bà con. Mọi người được đưa ra khu rừng phía sau nhà văn hóa. Mấy chục con trâu, bò được buộc sẵn ở đó. Con nào cũng béo đẹp đang ngoan ngoãn gặm cỏ. Giọng đồng chí Chủ tịch xã vang lên:

- Thưa bà con. Với mục đích chung tay thực hiện an sinh xã hội và cải thiện kinh tế cho các hộ nghèo và cận nghèo, ông Hiệp đây là doanh nhân thành đạt, từng được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Ông chính là mạnh thường quân sẽ tặng trâu bò cho bà con. Hộ nghèo và gia đình chính sách thì được tặng trâu, hộ cận nghèo thì được tặng bò, với mong muốn bà con tự phát triển kinh tế gia đình ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo.

Khi những tràng pháo tay ngớt dần ông Hiệp cúi chào bà con. Ân cần hỏi han chuyện đồng áng, Tết nhất.

Ông bảo:

- Tôi vốn gắn bó với ruộng đồng gần một phần ba đời người. Khổ cực đã từng nên thấm thía cảnh đói nghèo, thiếu thốn. Cũng từng có lúc nhìn mẹ loay hoay lo làm sao Tết có thịt cho các con ăn, lo xoay xở trả nợ cho người này, người kia trước Tết, nên khi có điều kiện, tôi chỉ mong giúp được bà con quê mình bớt đi phần nào cái nghèo cái khổ.

- Ông Hiệp đây không chỉ hỗ trợ trâu bò giống, mà còn hỗ trợ các hộ nghèo một phần kinh phí xây chuồng trại. Ông cũng cử người có kinh nghiệm đến hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc vật nuôi. Để phát triển dự án, sau khi trâu, bò giống đẻ lứa đầu thì các hộ sẽ tiếp tục chăm sóc bê con một năm. Sau đó chuyển giao lại cho xã bê con để tiếp tục hỗ trợ các hộ nghèo khác. Bà con thấy thế nào?

Những tràng pháo tay lại vang lên. Bà con đến vuốt ve từng con trâu. Trầm trồ khen con này trông khỏe mạnh, các bộ phận trên cơ thể cân đối. Khen con kia cao chân, dài thân, rộng mình. Khen ai khéo chọn trâu, nhìn con nào ngực cũng nở nang, mông vú đều phát triển. Ông Sửu dắt con trâu của mình ra về. Đi dọc đường thỉnh thoảng có người dừng lại hỏi thăm. Ông vui mãi đến trưa mới về đến nhà. Cột con trâu vào gốc cây đào trong vườn, ông trút sọt cỏ cắt sẵn từ chiều hôm trước xuống rồi vỗ vỗ vào lưng trâu bảo: “Ăn đi nhé. Từ giờ đây sẽ là nhà của mày”. Ông cúi xuống gỡ những vết bùn khô dưới chân trâu.

Bầy cháu từ trong nhà ùa ra reo hò thích thú vì “nhà mình đã có trâu rồi”. Ông ngồi xuống chiếc chõng tre đặt ngoài hiên uống cốc nước vối còn nóng hổi, bình yên nhìn các cháu vui đùa. Vợ ông chui từ bếp ra, bế đứa cháu trên tay ru hời: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày giữ nghiệp nông gia/ Trâu đây, ta đấy ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.

Lời ru mang theo cả gió xuân vào giấc ngủ trẻ thơ bé bỏng. Đám cúc vạn thọ nở vàng rực rung rinh trong gió, chúng nhắc người ta nhớ ra sắp đến Tết. Ông Sửu quay sang nựng con: “Bảo mẹ gói thêm bánh chưng, làm thêm dưa, mứt. Năm nay nhà mình ăn Tết vui hơn hẳn mọi năm con nhỉ?”. Cậu cả gật đầu, nụ cười ấm ran như nắng…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích
Công ty quà tặng tết Grand Cru - Wine & Gift