Thêm hy vọng từ vắc-xin ngừa Covid-19

.

Những ngày qua, người dân toàn thế giới như được tiếp thêm hy vọng mới sau khi các kết quả nghiên cứu khoa học chứng minh rằng một số loại vắc-xin ngừa Covid-19 cho hiệu quả rõ rệt ngay sau mũi tiêm đầu tiên và có thể bảo quản trong tủ đông thông thường tới 2 tuần.

Các cảnh sát Hong Kong (Trung Quốc) chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 do hãng Sinovac của Trung Quốc phát triển tại một trung tâm tiêm chủng cộng đồng ở Hong Kong ngày 23-2-2021. Ảnh: Reuters
Các cảnh sát Hong Kong (Trung Quốc) chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 do hãng Sinovac của Trung Quốc phát triển tại một trung tâm tiêm chủng cộng đồng ở Hong Kong ngày 23-2-2021. Ảnh: Reuters

Khoảng cách giữa hai liều tiêm bắt buộc của các vắc-xin được cấp phép lưu hành hiện nay được khuyến nghị trong khoảng từ 4-12 tuần. Bởi vậy, điều mà dư luận cũng như giới chuyên môn quan tâm nhất là có nhất thiết phải chờ tiêm đủ hai liều bắt buộc mới có tác dụng phòng bệnh hay không. Câu trả lời đã được giải đáp trong một nghiên cứu khoa học tại Israel đăng trên tạp chí y khoa uy tín The Lancet.

Hiệu quả từ liều đầu tiên

Trong nghiên cứu công bố ngày 19-2 trên tạp chí The Lancet, các nhà khoa học Israel chứng minh rằng, từ 15-28 ngày sau liều tiêm đầu tiên trong số hai liều bắt buộc, vắc-xin của Pfizer/BioNTech giúp phòng ngừa hiệu quả ở mức 85%. Đây là nghiên cứu do Trung tâm Y khoa Sheba của Israel thực hiện với khoảng 9.000 người.

Một kết quả nghiên cứu khác cũng rất đáng chú ý khi chứng minh vắc-xin do hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford đồng phát triển đạt hiệu quả phòng ngừa Covid-19 không thay đổi ngay cả khi hai liều tiêm cách nhau tới 3 tháng. Ngay từ đầu, nhà sản xuất đã khuyến nghị khoảng thời gian giãn cách giữa hai liều tiêm vắc-xin của AstraZeneca/Oxford là từ 4-12 tuần, song nghiên cứu mới nhất là căn cứ khoa học cho thấy hiệu quả phòng bệnh không thay đổi trong khoảng thời gian dài nhất giữa hai liều tiêm.

Nước Anh đã quyết định lùi thêm khoảng cách giữa hai liều tiêm vắc-xin của AstraZeneca/Oxford lên 12 tuần để tiêm cho nhiều người và trong thời gian nhanh nhất có thể với lượng vắc-xin còn hạn chế hiện nay. Tuy nhiên, nghiên cứu mới chưa giải quyết được những băn khoăn liên quan tới việc thiếu những dữ liệu đánh giá tính hiệu quả của vắc-xin với những người lớn tuổi nhất. Những kết quả nghiên cứu mới này có thể sẽ tác động đáng kể tới chính sách và quy trình phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 toàn cầu, đơn giản bớt những đòi hỏi khắt khe trong các thủ tục xử lý kho vận (logistics) của vắc-xin. Dù vậy, các tác giả nghiên cứu vẫn khuyến cáo các chính quyền không nên lấy kết quả nghiên cứu này làm cơ sở để thay đổi lộ trình tiêm vắc-xin liều thứ hai cho người dân. Cần có thêm những nghiên cứu đánh giá khác về hiệu quả lâu dài của liều tiêm đầu tiên trước khi quyết định có nên trì hoãn thời gian tiêm liều thứ hai không.

Dễ bảo quản hơn

Pfizer/BioNTech cho biết, các hãng này đã đề nghị cơ quan quản lý Mỹ cho phép thay đổi thông tin trên nhãn mác, khẳng định vắc-xin của họ có thể được lưu trữ và bảo quản ở nhiệt độ phù hợp với các tủ đông tiêu chuẩn (khoảng -20 độ C) sau khi kết quả thử nghiệm chứng minh hiệu quả ổn định của vắc-xin trong thời gian lên tới 2 tuần với điều kiện lưu trữ đó. Đề nghị này cũng đang được Pfizer/BioNTech gửi tới Cơ quan Quản lý dược phẩm của châu Âu (EMA) và nhiều nước khác.

Giới chuyên gia rất phấn khởi trước thông tin nói trên. GS. Ivan Dikic, Giám đốc Viện Hóa sinh II tại Bệnh viện Đại học Frankfurt (Đức) cho rằng, đây thực sự là tin tức tuyệt vời vì sẽ “cải thiện rất đáng kể việc triển khai tiêm vắc-xin”. “Cách thức triển khai tiêm vắc-xin sẽ dễ dàng thực hiện hơn với cả các nước giàu lẫn những nước đang phát triển trên toàn thế giới’, ông Ivan Dikic nhận định.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, nếu đề nghị của Pfizer/BioNTech được phê chuẩn ở mọi nước, vắc-xin ngừa Covid-19 của họ sẽ rộng đường tiếp cận mọi khu vực trên thế giới, ngay cả những vùng nông thôn hay vùng xa xôi, hẻo lánh. Bởi lẽ, với điều kiện chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ -20 độ C của tủ đông thông thường, vắc-xin của Pfizer/BioNTech sẽ dễ dàng đến được với các nước thu nhập thấp và trung bình vốn không sẵn có hệ thống tủ đông siêu lạnh để bảo quản hay phân phối.

Yêu cầu phải bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh từng là trở ngại lớn nhất với các nhà cung cấp cũng như cơ quan quản lý y tế một số nước khi cân nhắc lựa chọn dùng vắc-xin Pfizer/BioNTech. Nhiều nước phải trang bị thêm thiết bị chuyên dụng gây tốn kém ngân sách cũng như làm chậm thêm tiến trình triển khai vắc-xin. Thậm chí, tại bang Bavaria (Đức), khoảng 2.000 liều vắc-xin đã phải bỏ đi sau khi bị để trong điều kiện nhiệt độ cao hơn tiêu chuẩn cho phép.

Tuy nhiên, ngoài vắc-xin của Pfizer/BioNTech, các vắc-xin khác hiện có vẫn đang được lưu trữ dễ dàng hơn. Vắc-xin của Moderna có thể giữ ở nhiệt độ tủ đông tiêu chuẩn tới 6 tháng và ở tủ lạnh lên tới 30 ngày. Vắc xin của Johnson & Johnson có thể bảo quản trong tủ đông thông thường tới 2 năm và ít nhất 3 tháng trong tủ lạnh.

TRẦN ĐẮC LUÂN (theo Wall Street Journal)

;
;
.
.
.
.
.