Trần Công Quỳnh là chủ nhân của hơn ngàn poster (áp-phích) ở nhiều lĩnh vực: phim điện ảnh, web drama (phim chiếu mạng), kịch, MV, sự kiện nghệ thuật… Anh cũng được xem là người đầu tiên tổ chức triển lãm poster cá nhân tại Việt Nam.
9X Trần Công Quỳnh đã có triển lãm poster cá nhân đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: HIEU NGO |
Quỳnh chưa từng học qua bất kỳ lớp thiết kế chuyên nghiệp nào. Tất cả bắt đầu từ niềm say mê nghệ thuật đậm sâu nhưng cũng có phần ngô nghê của cậu học trò lớp 7 ở tỉnh Quảng Nam. “Lúc đó, tôi rất thích các bìa đĩa nên lên mạng tự học. Thần tượng ai thì vào mạng tìm ảnh người đó, cắt ghép các hình ảnh, tự đặt tựa phim/kịch… “Tôi bày binh bố trận mọi thứ trong một khung hình mà không biết những điều mình làm có tên gọi là thiết kế poster”, Quỳnh kể.
“Tất cả chắc do chữ duyên”
Không người hướng dẫn, Quỳnh làm quen với thiết kế poster bằng Word. Mãi về sau, trong một lần vào Thành phố Hồ Chí Minh chơi, Quỳnh mới được người chú làm nghề thiết kế đồ họa giới thiệu phần mềm Photoshop sau khi chứng kiến đứa cháu “phá” máy tính của mình. Quỳnh cười: “Chú thấy tôi phá nhưng không la hay giận mà chỉ hỏi: “Con thích hả?”. Rồi chú chỉ dẫn tôi những điều cơ bản nhất của thiết kế trong khoảng một tiếng đồng hồ. Tôi luôn nhớ kỷ niệm này với lòng biết ơn sâu sắc”.
Sản phẩm poster do Trần Công Quỳnh thiết kế. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Suốt 5 năm, tranh thủ lúc không đi học, Quỳnh đến tiệm internet hoặc mượn máy tính của người quen để mò mẫm, “nghịch” hình ảnh, đó là quãng thời gian tự học khó quên nhất để có được ngày hôm nay, cũng là giai đoạn trau dồi kỹ năng, định hình phong cách sáng tác của Quỳnh. Thế nhưng, thời điểm đó, Quỳnh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ gắn bó với nghề thiết kế poster. “Lúc đó, tôi chỉ thấy thích, vui nên làm. Tất cả chắc do chữ duyên”, Quỳnh chia sẻ.
Cứ làm được poster nào ưng ý, Quỳnh đăng lên Facebook rồi gắn thẻ người này người kia, vô tình được chính đạo diễn hay nhà sản xuất phim đó biết đến rồi liên hệ. Năm 2013, khi học THPT, Quỳnh nhận được đơn hàng đầu tiên từ nghệ sĩ Cát Phượng.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, tốt nghiệp THPT, Quỳnh quyết định vào Thành phố Hồ Chí Minh vừa làm, vừa tìm kiếm cơ hội. “Tôi yêu nghệ thuật nên làm tất cả công việc để nuôi dưỡng đam mê. Tôi tìm đến các nhóm làm phim ngắn, làm phục trang… Sau đó, tôi tham gia nhóm kịch Chuồn Chuồn Giấy, nhận một đầu lương nhưng khâu nào cũng làm, từ phục trang, đạo cụ, đến kịch bản, đạo diễn các MV…”, Quỳnh bày tỏ.
Triển lãm “Poster đâu Quỳnh?”
Ban ngày, Quỳnh say sưa với nhóm kịch. Đêm về, Quỳnh miệt mài thiết kế poster. Dần dần công việc thiết kế của Quỳnh bắt đầu khởi sắc, từ 1 poster/năm, lên vài chục poster/năm... Năm 2017, số lượng poster Quỳnh thiết kế chỉ dừng lại ở con số 200. Nhưng trong vòng 3 năm sau đó, con số này lên đến gần 1.000. Thế nhưng, Quỳnh cho rằng, tất cả là nhờ tình yêu thương của mọi người. Vì vậy, năm 2020, anh đã tổ chức triển lãm “Poster đâu Quỳnh?” để nhìn lại hành trình 7 năm qua, để biết bản thân đang có gì, được yêu thương ra sao và cần nỗ lực nhiều hơn nữa.
Với gần 1.000 chiếc poster được trưng bày, có thể nhận thấy khách hàng quen thuộc của Quỳnh là những nghệ sĩ như: Đại Nghĩa, Hồng Vân, Việt Hương, Lâm Vỹ Dạ, Tấn Phát, Huỳnh Lập, Duy Khánh... Để có được niềm tin của họ, Quỳnh không chỉ tạo dấu ấn riêng về mặt thẩm mỹ mà còn luôn chú trọng nội dung của poster. “Poster tiếp cận ban đầu với khán giả để giới thiệu linh hồn, dấu ấn của một bộ phim, vở kịch hay một câu chuyện… Do đó, bản thân người thiết kế phải am hiểu tường tận thì mới thể hiện được ý đồ riêng của poster, làm sao tạo ấn tượng, cảm xúc cho khán giả xem.Và sau khi thưởng thức tác phẩm, họ sẽ thốt lên: À, đúng như poster giới thiệu rồi. Khi đó, poster của mình mới thành công”, Quỳnh bày tỏ. Với quan điểm như thế, Quỳnh luôn dành thời gian đọc hết tác phẩm rồi mới bắt đầu thiết kế để có thể truyền thông điệp mà tác phẩm muốn gửi gắm, dù là phim hay kịch, MV… Từ đó, Quỳnh định hình cho riêng mình một phong cách poster cũng như tạo dựng tên tuổi.
Hiện Quỳnh tiếp tục tự trau dồi kiến thức mỗi ngày trong quá trình làm nghề, tham khảo các xu hướng mới nhất về phong cách, màu sắc… Khát vọng của chàng trai 9X là 10 năm, 20 năm nữa sẽ có một giải thưởng cho người thiết kế poster . Quỳnh và các cộng sự đang thực hiện dự án tranh vẽ “Sài Gòn phố chợ” với mong muốn quảng bá hình ảnh đẹp về văn hóa, con người Việt Nam. Có thể nói, Quỳnh là minh chứng rõ nét cho câu nói của Gustave Flaubert, một trong những tiểu thuyết gia lớn nhất của phương Tây: “Kiên nhẫn đến tạo nên sự xuất sắc. Tài năng đến từ một quá trình kiên nhẫn lâu dài”.
NAM BÌNH