Người dân Đà Nẵng và không ít du khách trong, ngoài nước biết bán đảo Sơn Trà là khu rừng tuyệt đẹp, một “lá phổi” xanh điều tiết rất tốt khí hậu, một bức bình phong khổng lồ che chắn gió to, bão lớn không chỉ cho riêng thành phố Đà Nẵng mà còn cả phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới. Núi Sơn Trà có chu vi 60km, là nơi tập hợp một kho tàng sinh thái phong phú, đa dạng, đầy sống động, có sức hấp dẫn du khách bởi trong các cánh rừng nhiệt đới này còn rất nhiều điều bí ẩn của tự nhiên chưa được con người khám phá hết.
Theo các nhà nghiên cứu sinh thái, hiện nay rừng núi Sơn Trà có 287 loài thú, 106 loài chim, trong đó có 15 loài động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo tồn, trong đó có voọc chà vá chân nâu, một loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm trên thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng. Voọc chà vá chân nâu của Việt Nam chiếm tới 83% toàn thế giới, chủ yếu sinh sống tại núi Sơn Trà.
Mới đây, Liên hiệp các Hội khoa học - Kỹ thuật Đà Nẵng và Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) đã công bố bán đảo Sơn Trà đang có 1.335 cá thể voọc chà vá chân nâu, chia thành 237 đàn trên diện tích 30km2. Voọc chà vá chân nâu thực sự là báu vật, là linh hồn của bán đảo Sơn Trà. Thành phố Đà Nẵng cũng đã chọn voọc chà vá chân nâu làm hình ảnh đại diện cho thành phố nhân dịp Đà Nẵng diễn ra sự kiện Hội nghị Cấp cao APEC 2017. Việc chọn voọc làm hình ảnh đại diện bởi Đà Nẵng hướng đến xây dựng thành phố môi trường, là thông điệp kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ rừng Sơn Trà.
Nhiều năm qua, lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế ở bán đảo Sơn Trà bằng hình thức chủ yếu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái kết hợp với kiến trúc hạ tầng như xây dựng các biệt thự, khách sạn… ven chân núi, sát biển và một số dịch vụ khác ít tác động, ảnh hưởng đến môi trường để tài nguyên rừng không bị xâm hại. Voọc chà vá chân nâu ở núi Sơn Trà được coi là loài linh vật biểu tượng của Đà Nẵng, các nhiếp ảnh gia, nhà báo cũng đã bỏ không ít công sức để cho ra đời những tác phẩm về voọc của Sơn Trà.
Nhưng điều đáng lo ngại, thời gian gần đây, đàn khỉ vàng trên núi thường xuyên tràn xuống hai bên tuyến đường Hoàng Sa, chủ yếu đoạn từ chân núi trở lên, để chờ đợi từng miếng ăn từ con người. Dần dà, những con khỉ không còn tự vào rừng kiếm ăn theo bản năng nữa mà quen chờ thức ăn từ con người. Thành ra, tình trạng khách tham quan thường xuyên cho khỉ ăn đã “tập hư” cho loài vật này. Thực trạng đáng lo này mới chỉ gây ảnh hưởng tới môi trường sống của đàn khỉ, còn đối với voọc chà vá chân nâu gần như chưa bị tác động gì lớn, song cũng cần rút kinh nghiệm từ đàn khỉ để có những biện pháp tích cực bảo tồn thật hiệu quả đàn voọc quý hiếm này.
Theo các nhà khoa học, voọc ở bán đảo Sơn Trà thường kiếm ăn dưới độ cao 200 mét; thức ăn chủ yếu là quả sung, lá đa cùng nhiều loại lá cây khác, song chúng thích nhất vẫn là quả sung. Với đặc tính này, nên chăng chúng ta cần tổ chức trồng nhiều cây sung ở các khu, tiểu khu, các cánh rừng, tạo nguồn thức ăn dồi dào hơn cho đàn voọc tự nhiên. Tin chắc rằng việc nuôi trồng để cung cấp thêm cây quả mà chúng ưa thích nhất ở những địa điểm hợp lý không những góp phần bảo vệ nghiêm ngặt số lượng hiện có của loài linh trưởng này mà còn phòng tránh được dịch bệnh để đàn voọc ngày càng phát triển.
THÁI MỸ