Chương trình Quán Thanh Xuân chủ đề “Người quê ra tỉnh” phát sóng trên kênh VTV1 tối 7-3 mang đến cho người xem rất nhiều cảm xúc về việc thế hệ 6X, 7X từ miền quê lên thành phố học tập, sinh sống, làm việc. Mỗi người có một lý do khác nhau, mỗi người mang tâm trạng ngổn ngang khác nhau khi rời làng quê lên thành phố và rồi mỗi người cũng chất chứa nỗi nhớ quê da diết.
Chương trình Quán Thanh Xuân chủ đề “Người quê ra tỉnh” phát sóng trên kênh VTV1 tối 7-3. Ảnh: VTV |
Tôi lắng nghe câu chuyện của các khách mời như NSND Trọng Trinh, MC Thảo Vân, ca sĩ Phương Thanh... chia sẻ trong chương trình, thấy có bóng dáng mình và rất nhiều người cùng thế hệ cũng bỏ quê ra phố. NSND Trọng Trinh nói về mùi quê, về sức mạnh cội nguồn bí ẩn của quê hương; MC Thảo Vân bày tỏ đến giờ chị vẫn thích mùi bếp củi, than hoa mẹ dự trữ mùa đông... Rồi những giai điệu Quê hương tuổi thơ tôi, Chân quê… vang lên, đưa tôi trở về với một trời ký ức.
Có lẽ có nhiều “trẻ trâu” như tôi trong những năm đầu thập niên 1980 đã ước mơ được trở thành “người phố” vì cuộc sống đô thị và nông thôn lúc đó rất khác nhau. Tôi nhớ những đêm hè, cả lũ choai choai trai gái ngồi tán phét ở bờ ao đầu làng, nhìn qua ao là cánh đồng, lướt qua cánh đồng rất xa kia là vầng sáng từ thị xã Bắc Ninh hắt lên nền trời. Ngày ấy, lũ trẻ chúng tôi chỉ hình dung về phố thị qua lời kể của người lớn. Có khi trong giấc mơ thấy mình là đứa trẻ ở thị xã mặc quần áo mới, khoác cặp sách rất đẹp, đi đôi dép Tiền Phong trắng muốt và quay lại “khè” mấy đứa “nhà quê”.
Năm tôi học lớp 9, lớp 10 gì đó, sáng mùng 2 Tết, lũ bạn cùng xóm hò nhau đạp xe đi Bắc Ninh chơi. Cả đám nhoài người đạp xe 15 cây số rồi cũng đến nơi. Từ ngoại ô đi vào, qua cái Cổng Hậu là đến thị xã, ai cũng choáng ngợp vì phố phường có nhiều xe máy và xe đạp. Thanh niên nam nữ ai cũng đẹp. Đi qua Nhà thờ lớn, đám bạn tôi xuống dắt xe đi bộ để vừa đi vừa ngắm. Đi qua một nhà kia, có cây quất rất to đặt ngay cửa nhà, bên cạnh là cành đào quấn đèn nhấp nháy. Một cô gái trạc tuổi tôi mặc một bộ quần áo rất mốt, mái tóc dài cài băng đô, đứng tựa cửa nhìn ra phố. Thấy nguyên một đám “nhà quê” đứng lại chăm chăm nhìn vào nhà mình, cô ấy cười tủm rồi bỏ vào trong, cả lũ ngơ ngác nhìn nhau rồi lại đi tiếp. Đấy là chuyến đi ra phố đầu tiên đầy ngơ ngác, lạ lẫm của tôi.
Trong những năm tháng tuổi trẻ ấy, lúc nào tôi cũng nung nấu suy nghĩ rằng, mình phải thoát ly, mình phải là người thành phố, đơn giản chỉ để không phải lội bùn vào những chiều đông rét căm căm, không phải gánh lúa nặng trĩu trong những trưa hè bỏng rát, được mặc quần áo đẹp, được ăn một bát cơm trắng, được ung dung gặm một cái đùi gà mà cả tuổi thơ đến tận lúc 18 tuổi tôi chưa một lần được cảm giác “sở hữu”.
Sau này, khi đã thoát ly khỏi lũy tre làng, tôi vẫn luôn mang trong mình suy nghĩ “thoát nghèo”. Thế nên, tôi từ một gã nhà quê ra đến thị trấn Móng Cái, rồi về thị xã Uông Bí, rồi về thành phố Hạ Long, đến giờ về Thủ đô Hà Nội, là một quá trình rất dài với nhiều ngã rẽ, nhiều cột mốc, nhiều rào cản mà tôi phải vượt qua.
Sống ở thành phố, khi đã đủ đầy những khao khát thời thơ bé, đó là ăn ngon, mặc đẹp, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu..., thì nỗi nhớ quê ngày càng lớn lên trong lòng. Thèm bát canh rau khoai lang nấu tương của U, thèm nồi cá tép kho dưa của Thầy, thèm cái cảm giác khói bếp cay xè mắt mỗi khi đun rơm mà mưa phùn làm ẩm ướt, thèm cái cảm giác nằm ngửa trên lưng trâu nhìn lên bầu trời hoàng hôn rồi đủng đỉnh về làng, thèm nhai những hạt ngô nếp tươi rang lên trong những đêm đông ấm áp. Những thứ hồi bé mình dùng hằng ngày, thậm chí đến... phát sợ, thì bây giờ hầu như không mấy khi được ăn, được chơi, được thưởng thức, được gặp lại. Chao ôi là nhớ!
Người quê ở phố, chắc ai cũng nhớ quê cả, thậm chí có những người vẫn giữ nhiều tính cách, thói quen, nói năng, cách sống của người quê. Có lẽ đó là bản chất rồi, không thay đổi được.
Người quê ra phố đa phần là để kiếm sống. Nhưng tôi tin rằng, ai cũng yêu quê hương, và chẳng ai muốn rời xa quê cả.
NGÔ BÁ LỤC