CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG MA TÚY

Giúp tìm lại lối đi

.

Tính đến ngày 26-2-2021, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 3.317 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy đang còn thời hạn quản lý theo quy định, phần lớn tập trung từ 18-30 tuổi. Thành phố đang có những cách quản lý, giám sát người nghiện sát với thực tiễn, phù hợp với các ý kiến mà dự án Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi hướng đến trong quy định về cai nghiện bắt buộc hay tự giác.

Sau khoảng 20 năm hình thành các CLB sau cai dành cho người hoàn thành thời hạn cai nghiện ma túy tập trung trở về địa phương, hiện chỉ còn các phường trên địa bàn quận Hải Châu duy trì mô hình này. Tùy tình hình thực tế địa phương mà các CLB có khoảng 15-35 hội viên, sinh hoạt mỗi quý 1 lần, có khi tổ chức sinh hoạt nhóm, tham gia các chủ đề phòng, chống ma túy, mại dâm, hoặc đơn giản là gặp nhau tại quán cà phê để hỏi thăm sức khỏe hay chuyện làm ăn. Các CLB nhận được sự góp sức của các tổ chức, cá nhân giúp đỡ người sau cai hòa nhập cộng đồng bằng tạo việc làm, dạy nghề.

Ông Vũ Thế Hân, chuyên viên Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) quận Hải Châu nhấn mạnh: Các CLB sau cai tạo được môi trường lành mạnh giúp những đối tượng sau thời gian tập trung cai nghiện tự tin, quyết tâm từ bỏ ma túy. Mô hình này còn vận động, tập hợp tất cả các đối tượng nghiện và mời họ cùng quản lý trật tự xã hội tại địa phương nên kịp thời phát hiện các đối tượng nghiện mới; đây cũng là mái nhà chung cho những người lầm lỡ cùng chia sẻ tâm tư, tình cảm, giúp nhau chống tái nghiện.

Học viên tham gia trồng rau củ tại Cơ sở xã hội Bàu Bàng. Ảnh: H.N
Học viên tham gia trồng rau củ tại Cơ sở xã hội Bàu Bàng. Ảnh: H.N

Ông Nguyễn Đức Phú Sỹ, cán bộ phụ trách tệ nạn xã hội phường Bình Hiên (quận Hải Châu), người đã có 7 năm theo sát CLB sau cai của phường cho biết, những buổi họp mặt này dù không nhiều nhưng là điều kiện để mỗi thành viên chia sẻ khó khăn của bản thân khi trở về với gia đình, cộng đồng. Đây cũng chính là cơ sở để lãnh đạo phường có giải pháp cụ thể giúp đỡ thành viên vượt qua khó khăn, ổn định đời sống. “Hiện CLB sau cai phường Bình Hiên có 16 thành viên từ Cơ sở xã hội Bàu Bàng trở về. Càng ngày chính sách hỗ trợ của Nhà nước càng quan tâm đến những người này, cái chính là bản thân các em cần quyết tâm vươn lên, làm lại cuộc đời. Năm 2020, có 5 trường hợp được hỗ trợ vốn (bằng công cụ làm việc trị giá 10 triệu đồng/người) thông qua dự án Dự phòng nghiện và tái nghiện”, ông Sỹ cho hay.

Tổng số lượt đối tượng nghiện ma túy được cai nghiện (thời gian 12-24 tháng) qua các năm. (Nguồn: Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng. Đồ họa: MAI ANH)
Tổng số lượt đối tượng nghiện ma túy được cai nghiện (thời gian 12-24 tháng) qua các năm. (Nguồn: Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng. Đồ họa: MAI ANH)

5 năm qua, các CLB trên địa bàn quận Hải Châu tổ chức khoảng 200 buổi gặp mặt giữa các đối tượng sau cai và lãnh đạo CLB với gần 420 người tham gia, qua đó hỗ trợ giúp đỡ khó khăn đột xuất, vay vốn, sửa chữa nhà cho hàng trăm lượt đối tượng, tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Cơ sở xã hội Bàu Bàng, thuộc Sở LĐ,TB&XH thành phố Đà Nẵng, đang cai nghiện cho 552 đối tượng (tính đến ngày 26-2), trong đó lứa tuổi từ 18-35 chiếm 70%; số cai nghiện lần đầu là 220; số tái nghiện 330, đặc biệt số tái nghiện đến lần thứ 3, 4 chiếm khoảng 10%; 153 đối tượng có tiền án, 447 đối tượng có tiền sự. Những đối tượng tự nguyện cai nghiện phải chấp hành thời gian 6 tháng, và 12-24 tháng dành cho những đối tượng bắt buộc cai nghiện.

Ông Phan Công Hải, Phó Giám đốc Cơ sở xã hội Bàu Bàng cho biết, thời gian cắt cơn là 15-20 ngày, sau đó các học viên được dạy nghề điện, sửa chữa xe máy, thợ xây dựng, bán hàng. Trước khi học viên hoàn thành cai nghiện được chính quyền địa phương, lãnh đạo cơ sở tư vấn giới thiệu việc làm. Nhiều doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng nhận học viên vào dạy nghề (thực hành) và bố trí việc làm trong các nhà hàng, gara ô-tô. Xã hội luôn giang tay đón nhận người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng, song chuyện mỗi học viên làm lại cuộc đời đến đâu tùy thuộc vào ý chí và nghị lực của mỗi người.  

Đối tượng nghiện ma túy đang trẻ hóa

Trong 3 tháng (từ ngày 15-11-2020 đến 15-2-2021) lực lượng Cảnh sát Phòng, chống ma túy, Công an thành phố triển khai đợt cao điểm tấn công tội phạm ma túy, bảo vệ Tết. Qua đó cho thấy, loại ma túy được sử dụng phổ biến vẫn là ma túy tổng hợp dạng tinh thể (Methamphetamine), dạng bột (Ketamine) và thuốc lắc (MDMA) chiếm đến 98% tổng số phát hiện xử lý. Đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy tập trung độ tuổi 18-30 (chiếm 83,53%), dưới 18 tuổi có 86 trường hợp, ít hơn 48 trường hợp so với cùng kỳ năm trước.

Câu “Thành phần phạm tội về ma túy trẻ hóa” xuất hiện trong nhiều báo cáo của ngành công an, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội cũng như của UBND thành phố gửi các đơn vị liên quan, cho thấy tình trạng này đáng báo động. Và không chỉ riêng Đà Nẵng, nhiều địa phương trên cả nước cũng rơi vào cảnh tương tự.

Ông Lương Vĩnh Thái, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ, TB&XH thành phố cho rằng, những năm gần đây, số lượng người nghiện tăng, trong đó người sử dụng ma túy tổng hợp chiếm trên 95%, chủ yếu là người trẻ. “Giải quyết tệ nạn xã hội về ma túy rất khó khăn, cần nhiều yếu tố như gia đình, bản thân người nghiện, nên phải tập trung phòng ngừa sớm từ độ tuổi thanh, thiếu niên, Trong đó chủ yếu là cách truyền thông, thông tin giáo dục để phòng bị từ nhỏ- không thử ma túy dù chỉ một lần”, ông Thái nhấn mạnh.

Số người cai nghiện, người hoàn thành cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bàu Bàng qua các năm. Đồ họa: MAI ANH
Số người cai nghiện, người hoàn thành cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bàu Bàng qua các năm. Đồ họa: MAI ANH

Hiện nay, cách tiếp cận tuyên truyền của các lực lượng phòng, chống ma túy khác với trước đây rất nhiều, qua phương tiện công nghệ, truyền thông, mạng xã hội, tiếp cận ở trường học... Bằng cách đưa thông tin lên mạng xã hội, lập Fanpage, clip tuyên truyền, sự vào cuộc của lực lượng công an, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể có thể “phủ sóng” các đối tượng, trong đó tập trung hướng dẫn kỹ năng phòng tránh và nhận diện nguy cơ có thể mắc và nghiện ma túy.

Quản lý người nghiện ngay từ đầu

Con số 3.317 người nghiện (1.965 người nghiện, 1.352 người sử dụng trái phép chất ma túy) đang trong thời hạn quản lý tại Đà Nẵng tính đến ngày 26-2 có lẽ chưa phải là con số cuối cùng về tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy, vẫn có những đối tượng nghiện chưa bị lực lượng chức năng “sờ gáy”. Thỉnh thoảng vẫn có một vài vụ công an hoặc chính quyền địa phương kiểm tra hành chính ở nhà riêng, quán karaoke, vũ trường... phát hiện nhiều đối tượng dương tính với ma túy.

Ông Nguyễn Đức Phú Sỹ cho biết, ở địa phương, ngoài số đối tượng trở về từ Cơ sở xã hội Bàu Bàng sinh hoạt trong CLB sau cai, còn có đối tượng nghiện tại cộng đồng là những người sử dụng ma túy lần đầu bị phạt vi phạm hành chính và số đối tượng nghiện bị phát hiện dưới 2 lần đã được cai nghiện cắt cơn tại trung tâm y tế quận, huyện hoặc bệnh viện tâm thần (trên tinh thần tự nguyện cắt cơn, đủ quy trình 3 ngày 3 đêm và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện tại cộng đồng) theo Nghị định số 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Đà Nẵng không gặp nhiều khó khăn khi đưa đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc. Quyết định số 46/2019/QĐ-UBND ngày 21-10-2019 của UBND thành phố ban hành quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn. Theo đó, thời gian cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng gồm: cai nghiện ma túy tự nguyện 6 tháng, cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng 12 tháng.

Thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 6-12 tháng, thời gian cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 12-24 tháng. Quyết định này đã rút ngắn thời gian lập hồ sơ để UBND quận, huyện chuyển hồ sơ đối tượng nghiện cần cai nghiện bắt buộc sang tòa án còn 10 ngày, so với khoảng 70 ngày trước đây. Ông Lương Vĩnh Thái cho rằng, sự vào cuộc của các cấp, ngành qua việc thẩm định hồ sơ, đưa ra xét xử, cộng với Luật Xử lý vi phạm hành chính ra đời năm 2014 giúp thành phố triển khai tốt việc đưa người đi cai nghiện.

Tuy nhiên, ông Lương Vĩnh Thái nhấn mạnh, để phòng ngừa nghiện ma túy triệt để, đối tượng mới sử dụng cần phải được quản lý ngay “đối tượng này phải được đưa vào Luật phòng, chống ma túy (đang lấy ý kiến, chờ sửa đổi - PV), cần được quản lý ngay từ đầu. Cần phải kìm, giữ để bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn”.

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.