Chuyện bình thường

.

Bỏ cái cặp ở bàn, anh định vào nhà tắm rửa mặt mũi tay chân rồi sẽ hỏi vợ tối nay muốn ăn gì. Thường trên đường về anh rẽ qua chợ mua gì đó theo lời vợ dặn rồi về lo cơm nước. Nhưng nay anh để quên ví và điện thoại ở nhà, đành chạy về trước, sẵn tiện rủ vợ ra ngoài ăn. Anh đoán thế nào vợ cũng nói trong tủ lạnh có trứng, có cà chua, anh chịu khó ăn tạm. Hoặc là anh chịu khó ù ra chợ mua con cá, về nhà em nấu tí là xong, đi ăn ngoài vừa đắt, vừa không bảo đảm, với lại con mình còn bé quá.

Vừa nghĩ anh vừa cười, hình như bà vợ nào cũng thế. Chuyện đầu tiên là nghĩ đến đắt rẻ rồi đắn đo, chứ không nghĩ đi ăn ngoài để thay đổi không khí, nhất là khi chồng cả ngày ngoài công trường nắng bụi, vợ quần quật cả ngày với nhà cửa, tã bỉm, cháo sữa với đứa trẻ mấy tháng tuổi. Vợ không nghĩ hôm nay thử giải phóng mình, đi ăn xong sẽ có thời gian nghỉ ngơi mà không phải lách cách rửa chén bát rồi lau chùi bếp núc. Anh đâu phải là người tính toán gì.

Con gái nay cũng gần sáu tháng rồi, trườn nhanh thoăn thoắt nhưng hẳn bị tức bụng nên thích nằm ngửa ôm chân đưa lên miệng hơn. Nói chuyện thì biết trả lời lại và hay cười híp mắt. Nhưng vợ vẫn cứ sợ bóng sợ gió, mỗi khi ra ngoài cứ phải trùm trùm che che kín mít, rồi sợ con khóc quấy ảnh hưởng người khác. Thấy vợ lo lắng, anh chỉ cười nhưng đôi khi cũng thấy buồn. Vợ luôn thế, luôn sợ mình làm phiền hay ảnh hưởng đến ai đó. Ăn cơm xong là phải rửa bát ngay, chuyện ngâm bát đến sáng mai tưởng như chuyện gì đó nghiêm trọng và khủng khiếp lắm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bước qua cửa phòng ngủ, anh ghé mắt nhìn, thấy con gái anh đang nằm trên giường quơ chân quơ tay, miệng phun bọt vẻ khoái chí lắm. Mấy hôm nay cô nàng học được trò đánh đàn môi nên cứ phun phì phì cả ngày làm nước bọt văng tung tóe, ướt cả áo và cười khanh khách. Tối qua vợ lườm, nói anh làm hư con. Anh bảo trẻ con mà, cứ kệ, dơ dáy một chút cho khỏe người. Bảo bọc con quá lại khiến con thiếu sức đề kháng. Người lớn ra nắng không mũ nón có thể nhức đầu, chứ trẻ con chạy nhảy bêu nắng cả ngày có sao. Và anh kể vợ nghe, suốt tuổi thơ, anh có cái nón cái mũ nào đâu, cứ phơi nắng nhảy sông trèo cây vật lộn với bạn bè, cũng chẳng tốn viên thuốc nào.

Bên cạnh con gái nhỏ của anh là Ti, con bé chừng năm tuổi đang quỳ dưới đất, chồm người lên giường, một tay nó bám giường, một tay nó cầm quả bóng bay màu đỏ huơ huơ. Dù nhìn nghiêng nhưng anh dám chắc con bé đang cười.

Con bé nhỏ sáu tháng nhìn theo quả bóng và cười.

Vợ anh thấy có người trông con nên tranh thủ lau dọn phơi phóng gì đó. Đàn bà, cứ thấy nhà cửa hơi bề bộn chút là dọn, cái bếp hơi dơ xíu là lau lau chùi chùi. Bao lần anh nói để đó mai dọn, dơ tí có chết ai, vợ cứ dạ dạ rồi cứ rình rình buông được con là móc máy quét dọn.

Đàn ông như anh, dù siêng năng, thương vợ mấy thì cũng chỉ biết cơm nước, lau cái nhà, bấm máy giặt, có chăm chút mấy thì vẫn cẩu thả, đi làm về nấu xong bữa cơm là thấy mệt rồi. Ăn cơm xong, chơi với con xíu là mắt díu lại. Từ ngày có con bé con, dù vợ đã cố vun vén nhưng anh cũng không còn thời gian tivi hay đọc sách. Niềm vui của anh gói gọn ở hai nụ cười.

- Anh về rồi à?

Vợ ngoái đầu nhìn. Vợ rửa tay rồi lau vào cái tạp dề, nhìn về phía phòng ngủ, đúng lúc có tiếng cười giòn tan của con bé Ti vang lên.

- Chiều nay mẹ lên khám bệnh, mẹ mang con Ti theo...

- Mẹ đưa con bé vào bệnh viện luôn hả? - anh nhíu mày.

- Không, mẹ sợ bệnh viện đông đúc phức tạp nên ghé qua gửi con bé lại nhà mình, nói khám xong sẽ đón ngay. Nhưng lên bệnh viện thì khám chưa xong, mẹ ghé về nhà cô Tư ở tạm tối nay, mai ra lấy số sớm.

Vợ nhìn anh có chút bối rối. Hẳn vợ đang lo lắng không biết anh nghĩ gì. Nhìn vợ, anh có chút bực tức và thấy giận. Có nỗi gì đó dâng lên đè ngực anh nặng trĩu.

Mười chín tuổi, Thy sinh con Ti. Cha nó không nhận nó từ ngày con bé chỉ là một chấm nhỏ trên tấm hình đen trắng được bấm ghim dính vào tờ phiếu siêu âm. Bác sĩ phải lấy bút khoanh tròn đánh dấu cho Thy biết.​ Mười chín tuổi, đang đi học, đã năm lần Thy đến bệnh viện nhưng rồi lại không đủ can đảm.
Thy về thú nhận với mẹ. Bà mẹ vừa khóc, vừa đánh con gái nát cái chổi đót. Bà thuyết phục Thy đi “xóa”, nhưng một nét chì trên tờ giấy, dùng gôm xóa cũng để lại dấu vết, nói gì một sinh mạng đã tìm đến với đời.

Lay lắt cũng qua chín tháng, lúc chuyển dạ, Thy ôm bụng một mình đến bệnh viện.

Con nhỏ Ti ngoan thấy thương, trừ lúc mới sinh, bị tét mông nên nó e e khóc, còn từ đó cho ăn là ăn, đặt xuống là ngủ. Con khỏe nhưng Thy yếu nên nằm ở bệnh viện thêm mấy ngày theo dõi. Mấy ngày đó người ra người vào, ai cũng nói con bé dễ chịu. Chỉ mấy ngày ở cùng nhau, người ta đã biết hoàn cảnh của Thy. Người dúi cho bịch tã, người cho bịch khăn sữa, người đưa đôi áo, chục tã vải... nhưng đổi lại, người ta xin cái muỗng, xin bình sữa, xin cái áo, cái tã vải con bé Ti đã dùng qua để về “lấy hơi” cho con cháu họ.

Con bé Ti được ba tháng, Thy gửi cho người ta để đi làm.

Bà ngoại giận thì vẫn giận nhưng đòi đón cháu về. Thy không thân thiện với con bé nên kệ bà ngoại nuôi. Hồi Thy sinh, cha con bé cũng tìm tới, anh ta vẫn chưa kết hôn, có ý định muốn quay lại. Gia đình anh ta biết chuyện cũng tìm đến tận nơi xin lỗi nhưng trước sau Thy khăng khăng từ chối. Càng lớn, con bé Ti càng giống hệt cha.

Anh nghe giọng Thy hậm hực oán hờn khẽ cười. Hồi quen nhau, Thy không giấu quá khứ. Thy bình thản kể chuyện mình như thể chuyện vừa đọc được đâu đó. Anh đôi lần đề nghị Thy đón con bé Ti lên ở cùng. Thy nói bà ngoại không cho. Thy đi làm cả ngày thì thời gian đâu chăm con. Thành phố thứ gì cũng đắt đỏ, chưa kể khi con bé đau bệnh, một mình Thy xoay sao được. Sau này, nhìn con mình nghĩ đến con người, anh nhắc lại và bảo đảm sẽ lo chu đáo cho con bé, con anh một thì con bé Ti cũng phải được một hoặc hơn. Anh thương Thy nên thương con bé con của Thy là chuyện rất bình thường.

Vợ vẫn chần chừ nói để con gái lớn hơn một chút, giờ mình vợ chăm con đã cực, thêm một đứa trẻ nữa thì không kham nổi.

Thêm một lý do nữa là con bé không “bén” Thy.
Từ ngày được bà ngoại chăm, con bé bám bà hơn mẹ. Thy làm trên thành phố, mấy tháng mới về một lần nên con bé xa hơi quên tiếng. Bà ngoại nói vậy cũng được, mai kia lớn nó sẽ hiểu. Nó không quấn quýt cũng tiện cho mẹ nó tìm một ai đó mà nương tựa.

Lúc có con, anh nghĩ có khi nào vợ nhìn con gái nhỏ mà nghĩ đến đứa lớn để tội nghiệp cho nó không? Cũng là con gái, cũng chín tháng nôn nghén, phù chân mất ngủ, cũng chịu đau đớn giày vò mấy ngày trong bệnh viện. Ngày ngày chăm chút cho con bé này, vợ có nghĩ ngày trước và con bé Ti không?

Hồi con gái anh ba tháng tuổi, con bé bị viêm họng gần hai tuần, cứ bú được chút là ho rồi ói, ngày thay không biết bao nhiêu khăn áo. Cả nhà sực mùi chua loét của sữa ói. Vợ phờ phạc mất ngủ, đến nỗi anh nói để anh thức đêm ẵm con cho, vợ tranh thủ ngủ. Thế mà cứ mười lăm, hai mươi phút vợ lại choàng thức một lần, hỏi con sao anh. Khi con bé khỏi bệnh, cả hai mẹ con xanh rướt mệt mỏi.

Ngày ấy, Thy có một mình thì lo lắng thế nào. Chưa kể trong người không có tiền nên mới phải gửi con bé Ti để đi làm. Ba tháng, đứa nào nhanh thì biết lật, đứa nào chậm hay ốm yếu thì vẫn nằm ngửa chân tay huơ huơ. Không có Ti, hẳn Thy vẫn vui vẻ sống nốt quãng đời sinh viên, sau đó cầm tấm bằng, tìm một công việc bàn giấy mát mẻ với váy áo công sở, sáng sáng trang điểm, chọn đôi giày cao gót và ra khỏi nhà. Sẽ không phải là cô công nhân sáng chỉ tròng vào người cái áo thun đồng phục bằng thứ vải có 65% nylon, sáng nào cũng đi vội vàng vì công ty bấm thẻ chấm công, tháng đi trễ ba lần là bị trừ hết tiền chuyên cần. Trên đường đi sẽ mua gói xôi mấy nghìn đồng hay ổ bánh mì, vừa đi vừa ăn, đến cổng công ty là ăn xong. Hoặc có khi sáng ra chỉ uống hai ly nước đầy đánh lừa dạ dày, đợi trưa ăn một thể.

Anh càng nghĩ càng xót, dù con bé Ti với anh chẳng máu mủ ruột rà gì. Từ khi có con, đi đâu anh cũng nhìn những đứa trẻ con của người khác và thầm so sánh. Cô bé kia có lúm đồng tiền ghét quá, con gái anh không có, nhưng đổi lại con gái anh có mái tóc xoăn gợn sóng tự nhiên với những sợi tóc rất mềm rất tơ. Bé gái kia có đôi dép biết kêu tít tít còn phát sáng làm con bé thích thú, vừa đi vừa nhìn. Mai kia con gái lớn, anh cũng sẽ mua cho con một đôi. Rồi anh lại ngẩn người, ai sẽ là người đưa ra lời hứa với con bé Ti, ai sẽ là người trông ngóng con bé lớn lên để mua này nọ cho nó, dắt nó đi chỗ này chỗ kia vui chơi tìm hiểu?

Là bà ngoại gần sáu mươi, cả đời không đi đâu khỏi làng, hôm nay là lần đi xa đầu tiên vì bị bệnh, cũng có thể sợ mình đi sớm không ai chăm cho đứa cháu ngoại nên bà mới đưa cháu cùng đi.

- Sao mẹ không đến nhà mình?

- Mẹ nói muốn ghé thăm cô Tư, với lại nhà cô Tư gần bệnh viện hơn, mai mẹ đi sớm xếp hàng lấy số.

- Nhưng mẹ lại gửi con bé Ti ở nhà mình mà không đón nó đến cô Tư luôn, em có nghĩ nguyên do vì sao không?

Vợ ngẩn người, đáng lẽ vợ phải nghĩ ra chuyện nhà cô Tư xập xệ trong con hẻm nhỏ, phải nghĩ vì sao mẹ đành lòng xa con bé Ti. Anh quăng lại ánh nhìn rồi vào phòng. Con bé Ti tay cầm quả bóng, tay kia cầm khăn lau nước bọt cho em gái. Con bé làm rất dịu dàng với nét mặt như đang cười.

Anh ngồi xuống giường, nhìn hai đứa trẻ nãy giờ chơi với nhau.

- Ti đói bụng chưa, con thích ăn gì nhất, nói ba nghe. Đợi mẹ thay đồ cho em, cả nhà mình cùng đi ăn.
Vợ anh cũng vào đến cửa, anh thấy vợ có chút sững sờ. Anh ẵm con gái lên, phét nhẹ vào mông con bé:

- Con làm chị lau mặt cho con muốn mỏi tay luôn rồi. Mẹ vào thay đồ cho em đi, tối nay cả nhà mình ra ngoài ăn và sẽ mua thật nhiều đồ chơi cho hai chị em. Nhân tiện sẽ mua váy đẹp, dép dẹp cho chị Ti để mai cả nhà mình đi đón bà ngoại. Con chịu không, Ti?

NGUYỄN THỊ THANH BÌNH

;
;
.
.
.
.
.