ĐẠO DIỄN LAN NGUYÊN:

Hạnh phúc khi được là chính mình

.

Màu cỏ úa là một trong những cái tên truyền cảm hứng của điện ảnh Việt năm 2020. Phim tài liệu âm nhạc dài 80 phút không chỉ khắc họa chân dung nhạc sĩ Trần Tiến qua dấu ấn âm nhạc, từ chiến tranh đến thời bình, mà còn gợi mở hình ảnh về người kể chuyện - đạo diễn Lan Nguyên - đầy bản lĩnh, dám dấn thân và kiên trì chinh phục đam mê…

Đạo diễn Lan Nguyên và nhạc sĩ Trần Tiến (từ trái qua) và ekip làm phim. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đạo diễn Lan Nguyên và nhạc sĩ Trần Tiến (từ trái qua) và ekip làm phim. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

* Chào đạo diễn Lan Nguyên, tại sao lại là phim tài liệu, và tại sao lại là nhạc sĩ Trần Tiến cho tác phẩm đầu tay của chị?

"Tôi muốn làm phim về người nhạc sĩ không còn xuất hiện nhiều nhưng tôi biết chắc nhiều khán giả vẫn nhớ đến ông. Càng làm, càng tìm hiểu thì tôi càng thích phim tài liệu, bởi tài liệu là thực tế cuộc sống, và nhạc Trần Tiến cũng chính là cuộc sống. Tôi yêu những điều nhỏ nhất của cuộc sống".

Đạo diễn Lan Nguyên

- Tôi cho rằng mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó. Tôi không dự định làm phim tài liệu, càng không định hình sẽ làm phim về nhạc sĩ Trần Tiến. Nhưng một ngày chữ duyên đến, tôi được gặp người nhạc sĩ mà tôi yêu mến, ngày hôm đó dấy lên trong tôi sự thôi thúc rất lớn. Đó là năm 2015, tôi gặp ông để làm phóng sự truyền hình. Sau cuộc gặp, tôi thấy không thể chỉ làm phóng sự 20 phút mà phải làm hẳn một bộ phim. Tôi muốn làm phim về người nhạc sĩ không còn xuất hiện nhiều nhưng tôi biết chắc nhiều khán giả vẫn nhớ đến ông.

Càng làm, càng tìm hiểu thì tôi càng thích phim tài liệu, bởi tài liệu là thực tế cuộc sống, và nhạc Trần Tiến cũng chính là cuộc sống. Tôi yêu những điều nhỏ nhất của cuộc sống. Vậy nói cách khác, phim tài liệu đã tìm đến tôi.

* Trong quá trình Màu cỏ úa nên hình thành dáng, chị đã gặp khó khăn nào?

- Khó khăn thì rất nhiều, lớn nhất là việc tôi không ở trong ngành phim, chưa từng học qua trường lớp về phim ảnh nên việc liên hệ tìm kiếm nhân sự, máy móc thiết bị đều khó. Cũng chính vì thế mà bộ phim kéo dài đến 5 năm. Trong 5 năm đó, chẳng ai biết tôi là ai, tôi chạy khắp nơi để tìm kiếm sự giúp đỡ.

Chưa có bất cứ sản phẩm gì để chứng minh năng lực nhưng tôi cứ tìm kiếm. Cái gì đến sẽ đến, người cùng quan điểm, cùng chung lý tưởng cũng xuất hiện. Tôi đã có những người bạn, người đồng hành vô cùng tài giỏi và tôi hoàn toàn tin tưởng họ. May mắn, những ngày đầu tiên bắt đầu dự án, tôi gặp được một người quay phim đam mê tài liệu. Cũng nhờ anh ấy, tôi gặp gỡ những người bạn khác, họ giúp đỡ tôi rất nhiều mà không lấy một đồng… Tất cả đều vì tình yêu âm nhạc Trần Tiến. Những người đồng hành, bạn bè của tôi, ước mơ của tôi chính là nguồn động lực mạnh mẽ nhất.

* Chị đã có những kỷ niệm nào trong hành trình 5 năm ấy?

- Có rất nhiều kỷ niệm bởi chúng tôi có nhiều đợt quay. Đáng nhớ nhất hẳn là chuyến đi đầu tiên cùng nhạc sĩ Trần Tiến đến Quảng Bình, chúng tôi bị choáng ngợp khi cả sân bay đông đúc vì sự xuất hiện của nhạc sĩ Trần Tiến. Chúng tôi cùng nhau ngồi trong phòng hút thuốc của sân bay, cùng mọi người hát tếu táo Cho tôi xin một đứa con trai. Một kỷ niệm tôi luôn nhớ nữa là chuyến đi du ca đến Đa Mi - xã thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Ngày hôm đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng lần đầu tiên tôi gặp, như ca sĩ Đoan Trang, ca sĩ Hà Trần… Tôi những tưởng họ vô cùng xa vợi, nhưng họ đã cháy hết mình ở một vùng bình nguyên xa xôi, nơi không có ánh đèn, không sân khấu, không khán giả mộ điệu.

* Khi bộ phim ra mắt, hẳn có nhiều ý kiến khen chê trái chiều, chị đón nhận những điều ấy ra sao?

- Khen chê là điều hiển nhiên. Tôi đón nhận tất cả các luồng ý kiến, bởi chính tôi cũng nhìn nhận được những điều hạn chế của phim. Tôi biết điểm yếu của phim ở đâu, điều gì được và điều gì chưa được, từ đó còn phải cố gắng để làm bộ phim thứ hai hoàn chỉnh hơn. Tôi nghĩ khen chê là cần thiết, một bộ phim nếu nhận được toàn lời khen hoặc nhận lại toàn lời chê đều là vấn đề lớn.

Hình ảnh nhạc sĩ Trần Tiến  trên poster của phim.
Hình ảnh nhạc sĩ Trần Tiến trên poster của phim.

* Sau khi làm phim Màu cỏ úa, điều gì đọng lại trong chị?

- Điều đọng lại là hình ảnh những người bạn trong ekip cũng như những đôi mắt rưng rưng của khán giả trong ngày công chiếu. Tôi vô cùng trân trọng. Tôi được giới làm phim biết đến. Điều này khiến con đường về sau của tôi sẽ đỡ vất vả hơn. Ngoài ra, tôi còn có được sự can đảm, lòng tự tin vào con đường của mình, và lớn nhất là có thêm đồng đội - những người đã xem phim và đã cảm. Tôi không còn lo sợ sự đơn độc trên hành trình sắp tới.

* Tốt nghiệp Á khoa Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh nhưng lại rẽ ngang truyền hình và hiện tại là phim ảnh, chị có thể chia sẻ thêm về những cái duyên hạnh ngộ của mình ở các lĩnh vực ấy?

- Lúc thi đại học, tôi đã phải lựa chọn giữa kiến trúc và báo chí bởi từ nhỏ tôi đã mơ ước được làm truyền hình, còn kiến trúc là ước mơ của ba tôi. Ngày xưa, ông mơ ước được trở thành kiến trúc sư nhưng không thể vì đó là thời chiến tranh, gia đình còn khó khăn. Là con lớn trong gia đình, tôi thấy mình phải có nhiệm vụ viết tiếp giấc mơ của ba nên đã lựa chọn thi kiến trúc. Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tôi được sống hết tuổi trẻ của mình, gặp được những đàn anh, đàn chị giúp tôi hiểu rõ mình là ai. Nhưng càng học, tôi càng thấy mình không phù hợp.

Tôi tham gia chiến dịch Mùa hè xanh, Đội văn nghệ, cùng bạn bè cắt ghép những video nhỏ. Từ đó, tôi nhớ lại đam mê thế giới hình ảnh và âm thanh tưởng đã ngủ quên. Sau khi tốt nghiệp, đi làm thiết kế, càng nhận thấy mình không phù hợp, tôi chuyển sang truyền hình, chấp nhận học việc trong một công ty truyền thông. Tôi hạnh phúc vì thấy mình được sống. Rồi thế giới truyền hình thay đổi, gameshow phát triển nhanh đến mức tôi không thể thích ứng. Đó là lúc dự án Màu cỏ úa đến với tôi.

* Gia đình phản ứng như thế nào với những quyết định này của chị?

- Ba tôi đương nhiên không đồng ý. Cho đến khi xem một phóng sự dài 20 phút do tôi làm và chiếu vào mùng 2 Tết nhiều năm về trước, ba mới hiểu những năm qua tôi làm gì. Và khi tôi bảo rằng muốn làm phim, ba tôi cũng đã phản ứng rất mạnh. Trong suốt những năm qua, tôi nhiều lần xin sự trợ giúp của gia đình về vấn đề tiền bạc, ba tôi hỗ trợ nhưng miễn cưỡng. Ông luôn mong tôi có cuộc sống ổn định. Cho đến khi ông xem phim Màu cỏ úa, tôi nghĩ ba đã hiểu tôi ước mơ điều gì, hiểu rõ con người tôi như thế nào. Vô hình trung, chính bộ phim này cũng đã giúp tôi thu hẹp khoảng cách với gia đình của mình.

* Trên con đường làm phim, chị nhận thấy điều gì về bản thân? Có những thay đổi gì trong cách chị nhìn nhận bản thân và nhân sinh quan hay không?

- Tôi nhận thấy mình can đảm hơn, tự tin hơn, không còn là một cô gái suốt ngày sợ hãi, suốt ngày suy nghĩ viển vông bởi giờ đây tôi hiểu rằng tôi có thể làm được những gì. Tôi không còn e sợ người khác đánh giá mình thế nào nữa. Tôi có thể nhìn thấy hạnh phúc ở khắp mọi nơi, ở những con người bình dị . Hành trình thực hiện bộ phim này, hạnh phúc nhất không phải là hoàn thành bộ phim mà là nhìn thấy bản thân mình đã thay đổi, đã trưởng thành.

Tôi có nhiều dự định, đương nhiên đều dành cho phim ảnh. Tôi đang dành thời gian để phát triển một kịch bản điện ảnh, cũng là một câu chuyện mà tôi đã ấp ủ từ lâu. Tôi nghĩ hành trình làm phim của mình còn dài phía trước, cứ từ từ, từng bước mà đi thôi.

Màu cỏ úa là phim tài liệu về cuộc đời của nhạc sĩ Trần Tiến - người du ca đi qua hai thế kỷ với hình ảnh của chính nhạc sĩ, gia đình, bạn bè gắn bó với ông như: NSND Trần Hiếu, nhạc sĩ Dương Thụ, nghệ sĩ Hồng Ánh, ca sĩ Trần Thu Hà, ca sĩ - nhạc sĩ Vũ Đinh Trọng Thắng (ban nhạc Ngọt)... Ngoài du ca, 3 chủ đề bao trùm của phim là chiến tranh, Hà Nội và biển - những yếu tố sâu đậm trong con người và âm nhạc Trần Tiến. Phim có tông màu đen trắng hoài cổ, được thực hiện trong 5 năm (từ 2015-2020) với 15 đợt quay.

Đạo diễn Lan Nguyên (SN 1990, tên thật Nguyễn Thúy Lan) hiện là phóng viên, biên tập viên truyền hình. Ban đầu, nhạc sĩ Trần Tiến từ chối lời đề nghị làm phim với lý do “chú không thích lên sóng, đừng quay!”. Sau này, ông nghe một giọng ca hát Tạm biệt chim én và thích thú vì đây là giọng ca “ngây thơ nhất” hát ca khúc này. Biết người hát là Lan Nguyên, ông đồng ý để cô làm phim.

NAM BÌNH thực hiện

;
;
.
.
.
.
.