Người đầu tiên đến khai phá vùng đất Hòa An (nay thuộc phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) là ông Nguyễn Hữu Hồ, quê Hòa An (địa danh làng Hòa An, huyện Chơn Phước, phủ Thừa Tuyên, tỉnh Nghệ An). Việc khai phá vùng đất mới gặp nhiều gian nan, nên phải gần 100 năm sau làng Hòa An mới được hình thành.
Sau khi hoàn thành xong việc khẩn hoang, khai ấp, lập nên làng xóm, cuộc sống đi vào ổn định, nhân dân địa phương đã góp công sức, góp của xây dựng ngôi đình để thờ phụng các chư vị thần thánh cai quản bổn xứ, tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân có công khai thiên lập địa.
Đình làng Hòa An hiện nay tọa lạc tại tổ 64, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ. Theo cuốn Di tích và danh nhân Cẩm Lệ (NXB Đà Nẵng), ban đầu, đình làng được dựng bằng các vật liệu có sức bền thấp, kiến trúc đơn giản. Phải đến năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), làng mới xây dựng được một ngôi đình ba gian hai chái bề thế, khung nhà hoàn toàn bằng các loại gỗ quý. Gần 100 năm sau, năm 1937, cùng với việc tu sửa toàn chính điện, dân làng còn xây thêm phần hậu tẩm nối liền phía sau và các công trình như nhà hội, nhà kho và cổng ngõ.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đình bị quân Pháp đánh sập gần như hoàn toàn, ngoại trừ phần hậu tẩm. Năm 1958, dân làng mới dựng lại được phần chính diện. Năm 2010, đình Hòa An được trùng tu tôn tạo và giữ nguyên cho đến ngày nay.
Đình làng Hòa An được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố. Ảnh: NGUYỄN MINH HẢI |
Đình Hòa An có mặt chính quay về hướng tây, tọa lạc trong khuôn viên rộng chừng 5.000m2. Từ bên ngoài vào lần lượt là cổng đình, hai trụ biểu, bình phong, sân đình và đình cùng nằm trên trục thần đạo. Cổng đình có dạng tam quan ba lối đi, bên trên xây giả lâu, trên mái được trang trí bằng các đồ án hình lưỡng long triều nguyệt, phụng hoàng, giao long… Tiếp đến là hai trụ biểu đối xứng hai bên qua trục thần đạo, mỗi trụ biểu cao 3,2m bên trên giật cấp và trang trí hình thạch liên. Bình phong cao 1,7m, rộng 3,7m, trên hai cột đình bình phong đặt hình hai con lân bằng sứ.
Trước đình là khoảng sân rộng được lót gạch, bên trái là nhà soạn lễ. Đình có hai phần kiến trúc chính là hậu tẩm và chính điện nối liền nhau. Mái đình lợp ngói âm dương. Trên nóc mái và các bờ góc, đầu đao đều được gắn trang trí các biểu tượng trong tứ linh theo các mô típ khác nhau. Tất cả được dùng kỹ thuật nề và ghép khảm sành sứ.
Chính điện được làm bằng gỗ, theo kiểu hình thức hai gian ba chái, cửa kiểu thượng song hạ bản. Bên trong có các ban thờ tiền hiền, hậu hiền - những người có công khai phá, xây dựng và phát triển làng Hòa An.
Chính điện có các biển ghi: “Hòa vi quý” (Hòa là quý); “An nhi lành” (Yên ổn mới làm việc), “Vô bất kính” (Không được bất kính); “Khai tất niên” (Việc mở mang tất là nhờ người đi trước); “Cách vu thành” (Cảm kích ở lòng thành); tại các ban thờ chính diện có các câu đối:
Ban thờ hữu:
Mạc hiển liệt thừa tiên hữu khải/ Dấu an vật phụ hậu kì xương
Dịch nghĩa:
Mưu sáng để lại đời sau ấy là công lao của tiền nhân/ Dân yên ổn, vạn vật no đủ, đó là điều tốt đẹp hậu thế
Ban thờ tả:
Căn cơ vĩnh ngưỡng tiền nhân tạo/ Điền địa trường lưu hậu thế tuệ
Dịch nghĩa:
Cơ nghiệp vững bền mãi ngưỡng trông công ơn sáng tạo của bậc tiền nhân/ Đất đai rộng lớn, mãi lưu dấu trí tuệ của hậu thế.
Hậu tẩm được xây dựng bằng gạch theo kiểu vòm cuốn, tạo lâu giả vươn cao. Đây là hình thức thờ thần Thành hoàng và các vị thần khác phổ biến trong tín ngưỡng của người xứ Quảng, hai bên án thờ có câu đối:
Thần linh bảo hộ cho nhân dân thịnh/ Thánh hiền phù trì bách tính hưng
Dịch nghĩa:
Thần linh thiên, giúp đỡ cho nhân dân thịnh đạt/ Thánh hiển hóa, phù trì trăm họ được hưng phát.
Hiện nay, đình Hòa An còn lưu giữ 6 sắc phong của các nhà vua Nguyễn, cụ thể: 1 sắc phong năm Minh Mạng thứ 7 (1926), 1 sắc phong năm Tự Đức (1852), 1 sắc phong năm Tự Đức thứ 33 (1880), 2 sắc phong năm Đồng Khánh năm thứ hai (1886), 1 sắc phong năm Khải Định (bị hư không rõ chữ).
Hằng năm, nhân dân Hòa An tổ chức lễ hội tại đình làng vào ngày 9 và 10-3 âm lịch. Dịp này, nhiều hoạt động diễn xướng, các trò chơi dân gian như: hát bội, bài chòi, kéo co và biểu diễn văn nghệ… diễn ra rất sôi nổi. Đặt biệt, làng còn tổ chức vinh danh những người có tài năng, học sinh hiếu học, học giỏi.
Ngày nay, đình làng Hòa An được các thành viên trong Ban khánh tiết quản lý. Bên cạnh đó, còn có sự kết hợp quản lý của cán bộ văn hóa phường Hòa An nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích ngày càng tốt hơn.
Đình làng Hòa An được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố theo Quyết định số 7945/QĐ-UBND ngày 29-9-2008 của UBND thành phố Đà Nẵng. |
NGUYỄN MINH HẢI