Ký ức chiến tranh

.

Ngày hòa bình đầu tiên sau chiến tranh, có nhiều người nói lên cảm xúc thật lòng: Chỉ mong có được ngày này, sống trong tự do, không bom đạn, thì dù ăn chén cơm rau chấm mắm cũng là hạnh phúc. Năm 1973, sau khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, tôi đến địa đạo Vĩnh Mốc ở Vĩnh Linh, bà con kể lại: Mấy năm toàn nằm hầm tránh bom, đêm đầu tiên ngủ trên mặt đất, thấy trăng sáng sân vườn, giật mình tưởng giặc pháo kích.

Cảm giác như vậy cũng có thể có với nhiều người Việt Nam từng trải qua chiến tranh. Chiến tranh hiện diện trong cuộc sống thường ngày sâu đậm đến mức cậu bé làm thơ Trần Đăng Khoa năm lên 8 tuổi đã biết so sánh gié lúa chín trên cánh đồng làng với băng đạn của người lính bắn máy bay Mỹ: “những năm bom Mỹ trút trên mái nhà/ những năm cây súng theo người đi xa/ những năm băng đạn vàng như lúa đồng”; và nữa, hình ảnh “bát cơm mùa gặt thơm hào giao thông”. Nếu đem câu này giảng văn cho học sinh tiểu học, THCS bây giờ, chắc phải giảng giải kỹ lắm, các cháu mới hiểu vì sao bát cơm lại “thơm hào giao thông”, bởi những năm ấy, các cô gái hậu phương phải vừa gặt lúa, vừa mang súng trên lưng, bữa cơm trên đồng phải xuống hào giao thông còn nồng mùi đất chiến hào để tránh máy bay Mỹ có thể ném bom bất cứ lúc nào.

Một lần tình cờ trên giá sách, tôi bắt gặp đoạn văn này của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, một sự so sánh táo bạo và đầy sức ám ảnh, trong một bài ký viết về xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) ngày còn chiến tranh: “Hồi tôi qua đây, ruộng không trồng lúa mà chỉ trồng chông, ruộng chông cũng bát ngát như bây giờ, nhưng tưới bằng máu. Nếu sức cống hiến của những cánh đồng chông có thể đem cân được, tôi nghĩ rằng chúng cũng sẽ đạt được cái năng suất mười bốn tấn của toàn xã Điện Thọ bây giờ” (Hoàng Phủ Ngọc Tường, Rượu hồng đào chưa nhắm đã say, NXB Đà Nẵng, 2001, tr.26).

Ký ức chiến tranh được ghi lại qua lăng kính của từng cá nhân, như hai đoạn trích dẫn thơ của cậu bé Trần Đăng Khoa năm 1968 và đoạn bút ký của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Còn biết bao nhiêu khoảnh khắc được ghi lại trên những dòng nhật ký, những trang bản thảo dở dang chưa kịp công bố của nhiều người viết khác nhau!

Suốt hơn nửa thế kỷ qua, chiến đấu chống ngoại xâm luôn là một trong những đề tài chủ yếu, xuyên suốt của văn học Việt Nam. Rất nhiều nhà văn nổi tiếng, bằng tài năng và vốn sống, đã sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị phản ánh chân thực cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta. Những tác phẩm ấy đã trở thành hành trang tinh thần các thế hệ người Việt Nam, kể cả những người thuộc thế hệ ra đời sau chiến tranh. Ký ức chiến tranh, với tất cả những sắc thái đa chiều của nó, từ những chiến công oai hùng lẫn những tổn thất đớn đau, đều được lưu giữ trong những tác phẩm văn học.

Tuy nhiên, dù các nhà văn nỗ lực đến đâu thì những tác phẩm của họ vẫn chưa thể đem đến cho thế hệ hôm nay cái nhìn toàn cảnh, vừa khái quát, vừa cụ thể về cuộc sống, chiến đấu ở chiến trường và nơi hậu phương của cả dân tộc ta ở hai miền Nam - Bắc trong những năm tháng hào hùng và khốc liệt ấy. Ký ức chiến tranh trong mỗi tác phẩm vẫn không tách rời những trải nghiệm cá nhân cụ thể, ở một khung cảnh chiến trường cụ thể, đồng thời gắn với dấu ấn hư cấu và tưởng tượng vốn là đặc trưng của tác phẩm văn chương nghệ thuật ngôn từ.

Vì thế, rất cần sự hỗ trợ của các hình thức thể hiện khác dưới dạng phi hư cấu, đặc biệt là những trang hồi ký, hồi ức, nhật ký của những nhân chứng sống. Chưa đề cập những tác phẩm nhật ký, hồi ký có quy mô như tác phẩm văn học có giá trị như Nhật ký Chu Cẩm Phong, Nhật ký Ðặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi, và rất nhiều tác phẩm hồi ức chiến trường được các nhà xuất bản in ấn và phát hành; chỉ cần nói tới hàng trăm hàng nghìn mẩu hồi ức đăng trên các báo hằng ngày, hoặc tuần báo, nguyệt san nhân các ngày kỷ niệm truyền thống cũng cho thấy ký ức chiến tranh có sức mạnh như thế nào trong những ngày hòa bình với nhịp sống bình thường hôm nay.

Một xu hướng rất đáng chú ý và đáng trân trọng là một số cây bút không chuyên, thậm chí là cựu quân nhân, người lính bình thường, đã mạnh dạn cầm bút với những ghi chép tinh ròng sự sống chiến tranh, gây xúc động lòng người. Gần đây, một bài báo của bà Nguyễn Thị Vân Lan, một cán bộ phụ nữ từng trải trong chiến tranh, đăng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần, có sức lan tỏa rộng lớn. Mãi đến sau hơn 50 năm bà Vân Lan mới viết lại để kể về cuộc chiến đấu hết sức anh dũng, kiên cường, bất khuất của Tiểu đoàn 3 (D3) - Mặt trận 4 Quảng Đà đối đầu 10.000 quân Mỹ diễn ra tại vùng B Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) từ ngày 20-11 đến 10-12-1968. Bài viết ấy đã chạm vào ký ức sâu thẳm của những người lính trực tiếp tham gia trận đánh cực kỳ ác liệt ấy và cả những người đọc hôm nay.

Sẽ là một kho tư liệu đồ sộ mà một người có thể không làm được, nhưng tất cả những người đã kinh qua chiến tranh còn sống trở về, chỉ cần viết vài ba trang giấy cũng đủ cho ta hình dung gương mặt đất nước và một thể hệ đã đi qua chiến tranh như thế nào. Gương mặt đất nước và gương mặt từng con người đã làm nên lịch sử. Rất nhiều sự thật lịch sử sẽ bị chôn vùi theo những con người đã từng sống, chiến đấu trong thời điểm đầy bi tráng của dân tộc nếu không kịp thời ghi lại dù dưới hình thức nào để làm tư liệu cho những tác phẩm văn học - nghệ thuật có tầm vóc trong tương lai. Không chỉ thế, mỗi dòng ký ức chiến tranh sẽ giúp con người sống tốt hơn trong hiện tại, khi mà sự hối hả của cuộc mưu sinh trong cơ chế thị trường phần nào làm nhạt phai ký ức đầy tự hào của dân tộc.

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.