Khi nghiên cứu trở thành niềm đam mê

.

“Thích giảng dạy và đam mê nghiên cứu khoa học là con đường mình chọn và sẽ tiếp tục theo đuổi”. Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Sử Ngọc Diệp (37 tuổi), giảng viên khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).

Đối với Tiến sĩ Sử Ngọc Diệp, nghiên cứu khoa học như phép nhiệm màu thú vị để cô tìm tòi, khám phá mảng kiến thức mới. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đối với Tiến sĩ Sử Ngọc Diệp, nghiên cứu khoa học như phép nhiệm màu thú vị để cô tìm tòi, khám phá mảng kiến thức mới. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế từ năm 2010, Tiến sĩ Sử Ngọc Diệp hiểu rõ mình phải đầu tư nghiên cứu, bởi nghiên cứu khoa học giúp giảng viên nâng cao, mở rộng chất lượng bài giảng. “Một trong những lý do khiến mình thích làm nghiên cứu khoa học là được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc khiến cuộc sống ý nghĩa hơn. Đó là cảm xúc lâng lâng khi nghĩ ra được ý tưởng có khả năng xuất bản, rồi bắt tay nghiên cứu. Đây là cả một chặng đường rất dài, từ thu thập số liệu, điều tra, phỏng vấn, đọc tài liệu phân tích... Trong đó, giai đoạn miệt mài đọc viết có thể kéo dài đến cả năm”.

Tính đến nay, Tiến sĩ Diệp đã có 15 bài báo (vừa là tác giả chính và vừa đồng tác giả), tất cả đều được xuất bản trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI, Q1 (viết tắt của Institute for Scientific Information, Viện Thông tin Khoa học. Tạp chí thuộc ISI có uy tín hàng đầu trên thế giới, chất lượng các tạp chí thuộc ISI được đánh giá dựa trên hệ số ảnh hưởng chia làm bốn nhóm từ Q1 đến Q4. Tạp chí thuộc nhóm Q1 chất lượng và khó đăng hơn Q4). Với Tiến sĩ Diệp, mỗi bài nghiên cứu đều mang lại cho bản thân nhiều trải nghiệm và rút ra nhiều kinh nghiệm hơn.

Có 2 công trình mà giảng viên khoa Du lịch tâm đắc nhất. Đó là bài báo về “Mối quan hệ giữa động cơ và sự hài lòng của khách du lịch đối với một điểm đến du lịch di sản” đăng trên tạp chí Tourism Management Perspectives (ISI, Q1) năm 2020. Đây là bài báo nghiên cứu công phu, mất nhiều thời gian tiếp cận, thu thập dữ liệu. Không giống như các nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung vào trước hoặc sau trải nghiệm, nghiên cứu này sử dụng một cuộc khảo sát nhằm vào khách du lịch trong quá trình trải nghiệm tại chỗ của họ.

Bài báo thứ hai có tên: “Hành vi mua sắm tại các cửa hàng thực phẩm thực hành bao bì xanh”, được Tiến sĩ Diệp cộng tác nghiên cứu với hai bạn đồng nghiệp ở khoa Kinh doanh quốc tế, được xuất bản trên tạp chí Journal of Cleaner Production (ISI, Q1). Đây là bài báo khiến cô hạnh phúc không chỉ vì được một tạp chí uy tín công nhận, mà quan trọng hơn là tạo được động lực nghiên cứu cho hai bạn đồng nghiệp trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm. Niềm vui và sự tự tin của hai bạn ấy khiến cô yêu thích hơn việc nghiên cứu khoa học.

Tiến sĩ Sử Ngọc Diệp cũng là giáo viên hướng dẫn đề tài “Thực hiện viết bài báo nghiên cứu khoa học cùng các bạn sinh viên khoa Du lịch”. “Mình thấy các bạn trẻ thật sự rất giỏi. Chỉ cần khơi gợi đam mê, cung cấp cho các bạn kiến thức, hướng dẫn các bạn đúng phương pháp thì một bài báo ISI, Q1 vẫn có khả năng nằm trong tầm tay của các bạn ấy”, cô Diệp vui vẻ tâm sự. Với nhiều người, nghiên cứu khoa học là một cái gì đó khô khan, thậm chí là nhàm chán. Nhưng với cô giảng viên trẻ tuổi này, nghiên cứu khoa học như phép nhiệm màu thú vị để cô tìm tòi, khám phá mảng kiến thức mới.

TS Diệp khẳng định, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, với vai trò quan trọng của tri thức khoa học, việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học của giảng viên càng có ý nghĩa thiết thực, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Đây cũng là cơ sở cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, nhằm đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa.

Trong năm 2020, Tiến sĩ Sử Ngọc Diệp được UBND thành phố tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học - công nghệ. Đây là giải thưởng khích lệ những nhà nghiên cứu khoa học và được xem là thước đo đánh giá chất lượng nghiên cứu. Hiện tại, Tiến sĩ Diệp đang triển khai nghiên cứu chuỗi đề tài về “hành vi thân thiện môi trường”. Cô cho biết: “Trong xu thế phát triển theo hướng bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường toàn cầu, mình tin hướng nghiên cứu này sẽ có những đóng góp giá trị về mặt lý luận và thực tiễn”.

PHƯƠNG THANH - BÍCH PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.