Mỹ hiện có 31,4 triệu người được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, trong khi tổng số ca nhiễm ở nước này là 29 triệu.
Theo kế hoạch, nước Mỹ sẽ tiêm chủng xong vắc-xin ngừa Covid-19 cho khoảng 70-85% người dân vào cuối mùa hè hoặc đầu thu năm nay. Ảnh: AP |
Như vậy, sau nhiều cột mốc ảm đạm liên tục về số ca nhiễm và tử vong, Mỹ ghi nhận một cột mốc mang tính “xoay trục” trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 khi số người được tiêm vắc-xin nhiều hơn số ca dương tính.
Cột mốc tích cực
Theo dữ liệu cập nhật của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính tới ngày 9-3, hơn 31 triệu người Mỹ (chưa tới 10% dân số) đã được tiêm đủ 2 liều vắc-xin ngừa Covid-19. Bên cạnh những ý nghĩa tích cực về mặt dịch tễ học, cột mốc này còn mang tính bước ngoặt về tâm lý, đây là lần đầu tiên những con số thống kê lớn nhất liên quan đến đại dịch Covid-19 ở Mỹ gắn với một thực tế thành công hơn thất bại. Thành quả đó được ghi nhận ở thời điểm nước Mỹ trải qua hơn một năm sống chung với Covid-19 kể từ khi có những ca bệnh đầu tiên tại hai thành phố Seattle và New York.
Đến nay, Mỹ dẫn đầu trong công cuộc triển khai tiêm phòng vắc-xin. Kể từ mùa thu năm ngoái, quốc gia này đã chính thức cấp phép dùng khẩn cấp cho 3 loại vắc-xin ngừa Covid-19. Nếu xét về số liều đã dùng của các loại vắc-xin đã cấp phép, không quốc gia nào đạt được số lượng như Mỹ khi đã tiêm hoàn thành số liều yêu cầu cho hơn 31 triệu người. Mặc dù triển khai chương trình vắc-xin rất nhanh, nhưng do dân số ít hơn nên Israel đứng sau Mỹ với gần 4 triệu người đã tiêm đủ 2 liều.
Việc tiêm vắc-xin cho nhiều người nhất có thể là bước quan trọng để đạt tới tình trạng miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, vì Mỹ là một trong những nước đông dân nhất thế giới nên còn một chặng đường dài để đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng như vậy. Hơn nữa, Mỹ vẫn đối mặt với nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 4 dù đang chạy đua với thời gian để tiêm phòng cho người dân cũng như ngăn chặn số ca nhập viện và tử vong gia tăng.
Bao giờ đạt miễn dịch cộng đồng?
Một phân tích của các chuyên gia trên CNN cho biết, nếu chỉ tính riêng hiệu quả của chương trình tiêm chủng vắc-xin, có thể tới mùa hè, Mỹ sẽ đạt tình trạng miễn dịch cộng đồng. Với những số liệu tích cực nói trên, có thể thấy tốc độ triển khai tiêm chủng đang tiếp tục được cải thiện và mỗi ngày đưa nước Mỹ tiệm cận thêm mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Các tiêu chuẩn đạt miễn dịch cộng đồng với Covid-19 tại thời điểm này ở Mỹ vẫn chỉ là ước tính. Dù vậy, giới chuyên gia nhìn chung đều nhất trí cho rằng, khi khoảng 70%-85% dân số Mỹ có kháng thể với SARS-CoV-2 thì sẽ đạt miễn dịch cộng đồng và có thể vượt qua đại dịch.
Tổng thống Joe Biden cho biết, Mỹ sẽ có đủ vắc-xin tiêm cho mọi công dân trưởng thành vào cuối tháng 5. Căn cứ vào các dữ liệu dịch bệnh do cơ quan liên bang cung cấp, CNN cho rằng, tình trạng miễn dịch cộng đồng chắc chắn sẽ không lâu hơn thời điểm đó. Hiện tại, khoảng 2 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 được tiêm mỗi ngày ở Mỹ - số liệu trung bình trong 7 ngày qua do Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ công bố.
Ước tính thời điểm đạt miễn dịch cộng đồng trong mùa hè chỉ mới căn cứ vào tiến độ tiêm vắc-xin. Trong trường hợp có thêm những người có kháng thể tự nhiên sau khi khỏi bệnh nữa, tình trạng miễn dịch cộng đồng có thể đạt được sớm hơn nữa.
Dù vậy, vẫn còn một “nhân tố bí ẩn” nữa đe dọa làm đảo lộn kế hoạch đạt được tình trạng miễn dịch cộng đồng, đó là các biến thể SARS-CoV-2 đang lây lan, trong đó có biến thể tìm thấy ở Nam Phi có vẻ như kháng lại được đáng kể hiệu quả của các vắc-xin ngừa Covid-19 hiện có. Các chuyên gia y tế hàng đầu, trong đó có Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh nhiễm quốc gia Anthony Fauci, đã cảnh báo biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh có thể gây ra một đợt tăng nóng đại dịch khác tại Mỹ. CDC Mỹ vừa công bố hướng dẫn mới, trong đó khuyến cáo những người đã được tiêm đủ hai liều vắc-xin dù có thể tổ chức tụ tập nhóm nhỏ trong nhà nhưng vẫn phải tiếp tục đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Ông Fauci cũng nói rằng, Mỹ nên nới lỏng các biện pháp hạn chế từ từ và tuyệt đối không nên dừng đeo khẩu trang.
TRẦN ĐẮC LUÂN (theo Reuters, AP, CNN)