1. Cũng như mọi người dân Việt Nam, có thể nói người Đà Nẵng không ai không biết Truyện Kiều- còn có nhan đề Đoạn trường tân thanh/ Tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột - và do vậy không ai không biết Nguyễn Du.
Nhiều người Đà Nẵng còn thuộc lòng nhận định của nhà văn hóa Phạm Quỳnh về mối quan hệ giữa Truyện Kiều với tiếng Việt và với nước Việt: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” (trong bài diễn thuyết bằng quốc văn Phạm Quỳnh đọc tại buổi lễ kỷ niệm Nguyễn Du nhân ngày mất của đại thi hào do Ban Văn học của Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức tại Hà Nội ngày 8-9-1924); cũng thuộc lòng câu thơ của Chế Lan Viên về mối quan hệ giữa Truyện Kiều với tiếng Việt và với nước Việt: “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? Chế Lan Viên sáng tác năm 1965 cũng tại Hà Nội).
Tuyến đường Nguyễn Du nằm trên địa bàn quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.Ảnh: NGUYỄN QUANG |
Trong những ngày giãn cách xã hội bởi đại dịch Covid-19 tái bùng phát ở thành phố bên sông Hàn, người Đà Nẵng còn nhắc nhau rằng 200 năm trước nhà thơ Nguyễn Du - tác giả Truyện Kiều cũng qua đời vì bệnh dịch tả - đại dịch năm Canh Thìn 1820 đã cướp đi sinh mạng của 206.835 người Việt, trong đó có người mà gần 200 năm sau - năm 2013 - được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) chọn là nhân vật văn hóa do thế giới vinh danh nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của nhà thơ (1765-2015).
2. Trong bài thơ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?, Chế Lan Viên không chỉ đề cập về Truyện Kiều mà còn nhắc tới một bài văn tế song thất lục bát giàu chất nhân văn của Nguyễn Du - bài Văn tế thập loại chúng sinh/ Văn chiêu hồn: Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ.../ Văn chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi! Có một thời người Việt cảm thấy đau lòng khi đọc bài thơ Bên mộ cụ Nguyễn Du của nhà thơ Vương Trọng sáng tác năm 1982: Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên/ Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây (…) Một vùng cồn bãi trống trênh/ Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề/ Hút tầm chẳng cánh hoa lê/ Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non/ Xạc xào lá cỏ héo hon/ Bàn chân cát bụi lối mòn nhỏ nhoi… Bảy năm sau ngày Vương Trọng làm bài thơ rất hay và đầy tâm trạng này, mộ cụ Nguyễn Du đã được tôn tạo trùng tu nguy nga hoành tráng, ngang tầm với đóng góp lớn lao của đại thi hào người làng Tiên Điền vào nền văn hóa nước nhà.
Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi có dịp viếng mộ cụ và tất nhiên không còn cái cảm giác xót xa của Vương Trọng năm nào - Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu… Thế nhưng, lần đầu đứng trước lăng mộ hoành tráng, nguy nga của một người từng viết Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh, tôi lại cảm nhận giống hệt như Vương Trọng: Lặng yên bên nấm mộ rồi/ Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm. Tôi vẩn vơ nghĩ rằng biết đâu khi đến viếng mộ Nguyễn Du còn đương nằm lặng lẽ khiêm nhường giữa bãi tha ma làng quê chật chội mà mênh mông, bên cạnh bao nhiêu nấm mồ khuyết danh vô chủ của mười loại cô hồn kia, hậu thế mới có thể cảm nhận hết cái vĩ đại của một tài năng văn chương cực kỳ nhạy cảm với nỗi thống khổ của người đời…
3. Đầu năm 1956, người Đà Nẵng đổi tên đường Paul Bert - Toàn quyền Pháp ở Đông Dương giai đoạn từ năm 1897-1902 - thành đường Nguyễn Du và hơn 60 năm qua con đường mang tên tác giả Truyện Kiều đã trở thành con đường thân quen của nhiều thế hệ người Đà Nẵng, trong đó có không ít cựu học sinh Trường THCS chuyên Nguyễn Khuyến. Xin nói thêm, nhà thơ Nguyễn Khuyến từng vịnh Truyện Kiều của Nguyễn Du và đã sáng tạo nên chữ cũng - một nhãn tự độc đáo trong bài Kiều bán mình: Thằng bán tơ kia giở giói ra/ Làm cho bận đến cụ Viên già/ Muốn êm phải biện ba trăm lạng/ Khéo xếp nên liều một chiếc thoa/ Nổi tiếng mượn màu son phấn mụ/ Đem thân chuộc lấy tội tình cha/ Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?/ Đời trước làm quan cũng thế a! Với chữ cũng trong câu thơ thứ tám, Nguyễn Khuyến đã mượn tất cả những gì Nguyễn Du kể về chuyện nàng Thúy Kiều bán mình chuộc cha vào “năm Gia Tĩnh triều Minh” để bày tỏ thái độ chê trách đối với tình trạng tiêu cực của chốn quan trường thời Nguyễn Khuyến đương sống.
Đến nay, trên các đường phố Đà Nẵng, Nguyễn Du đã có thể đoàn viên với nhiều người thân thiết trong gia đình nhà thơ: 56 năm sau khi đặt tên đường Nguyễn Du, đến năm 2012, người Đà Nẵng tiếp tục đặt tên thân phụ ông là nhà sử học Nguyễn Nghiễm - từng giữ chức Tổng tài Quốc sử quán - cho một con đường ở quận Ngũ Hành Sơn và đặt tên nhạc phụ ông là Đoàn Nguyễn Thục - cha của Đoàn Nguyễn Thị Huệ, vợ Nguyễn Du - cùng tên anh vợ ông là nhà thơ Đoàn Nguyễn Tuấn cho hai con đường ở quận Cẩm Lệ. Trước đó hai năm - năm 2010 - người Đà Nẵng đã đặt tên nhà thơ Nguyễn Hành - cháu nội Nguyễn Nghiễm, cháu gọi Nguyễn Du là chú ruột - cho một con đường cũng ở quận Cẩm Lệ.
Đà Nẵng cũng có một ngôi trường tiểu học mang tên Nguyễn Du. Trường này được thành lập từ năm 1930 với nhiều tên gọi được đặt theo địa danh nơi trường đóng như Trường Sơ cấp huyện Hòa Vang, Trường tiểu học huyện Hòa Vang, Trường tiểu học Hòa Vang, Trường Phổ thông Cấp I Hòa Thuận 1, Trường Phổ thông Cấp I, II Hòa Thuận, Trường Phổ thông cơ sở Hòa Thuận 1; mãi đến năm 1982 mới đổi tên từ thành Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Du, từ năm 1990 là Trường Cấp I Nguyễn Du và từ năm 1997 đến nay là Trường Tiểu học Nguyễn Du. Điểm độc đáo của Trường Sơ cấp huyện Hòa Vang ngày xưa, Trường Tiểu học Nguyễn Du ngày nay là được xây dựng tại địa điểm trước đây là huyện đường Hòa Vang - từ cơ quan công quyền trở thành trường học, chứ không phải ngược lại. Chắc hẳn những học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du khi học lên các lớp trên, được tiếp xúc với Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh trong sách giáo khoa, sẽ cảm thấy tự hào đã từng được học ở ngôi trường mang tên một đại thi hào dân tộc.
BÙI VĂN TIẾNG