ỨNG XỬ TRÊN KHÔNG GIAN ẢO

Điều trị tâm lý với người nghiện game

.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, chỉ khi nào xác định được nguyên nhân dẫn đến nghiện game thì khi đó cha mẹ, thầy cô, thậm chí bác sĩ mới can thiệp và hỗ trợ điều trị cai nghiện hiệu quả.

1. Ngồi trong khuôn viên Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, anh H.V.K (trú phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) cứ thấp thỏm nhìn vào khoa Khám bệnh, nơi cậu con trai 13 tuổi đang được bác sĩ thăm khám. Anh K. đề nghị không công khai tên tuổi, trường lớp của con. Anh nói, khoảng 1 năm nay, sức học của con giảm sút, người luôn trong trạng thái lờ đờ, uể oải, nói chuyện nhát gừng, dễ nổi nóng hoặc hoàn toàn “đóng băng” khi không được sử dụng điện thoại, máy vi tính. “Chúng tôi buôn bán vật tư xây dựng, công việc khá bận rộn, ít có thời gian nói chuyện cùng con. Ngoài giờ học thì về nhà cháu đóng cửa phòng, làm bạn với máy vi tính, điện thoại có kết nối internet. Nhiều lần cô giáo nhắn tin cho gia đình phàn nàn trong giờ học con không lo chép bài mà lén lút chơi game. Đỉnh điểm khiến tôi quyết định đưa con đến bệnh viện thăm khám là cách đây 1 tuần, vợ chồng tôi có việc về quê 2 ngày, suốt 2 ngày đó, qua camera quan sát, tôi phát hiện con ở lì trong phòng chơi game”, anh K. chia sẻ.

Bác sĩ Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho biết, thỉnh thoảng bệnh viện vẫn tiếp nhận những bệnh nhân trẻ có biểu hiện nghiện game dẫn đến trầm cảm, mất ngủ, suy nhược, rối loạn thần kinh, dễ nổi giận. Những trường hợp này đa phần gia đình cảm thấy bất lực trong việc dạy dỗ. Theo bác sĩ Trung, điều trị người nghiện game phải sử dụng nhiều phương pháp. Đầu tiên là tách người bệnh khỏi các tác nhân gây nghiện (máy tính, điện thoại có kết nối internet), cắt cơn nghiện bằng thuốc an thần và chống trầm cảm, sử dụng liệu pháp tâm lý, lôi kéo người nghiện tham gia các hoạt động thể thao lành mạnh. Ngoài ra, trong thời gian điều trị, có thể đưa người bệnh đi du lịch ở nơi ít có sự tác động của internet. Hiện nay, nhiều gia đình có xu hướng để con tự do xem tivi, điện thoại. Đây là điều cần tránh bởi thế giới mạng có vô vàn thông tin, trò chơi hấp dẫn, chỉ cần người lớn lơ là, không để ý thì trẻ có thể nghiện game”, bác sĩ Lâm Tứ Trung phân tích.

Những trò chơi trên mạng luôn có sức hút đặc biệt với giới trẻ. Thay vì cấm đoán, chúng ta cần giúp trẻ thay đổi hành vi, cách ứng xử trên mạng xã hội. Ảnh: T.Y
Những trò chơi trên mạng luôn có sức hút đặc biệt với giới trẻ. Thay vì cấm đoán, chúng ta cần giúp trẻ thay đổi hành vi, cách ứng xử trên mạng xã hội. Ảnh: T.Y

2. Không ít bà mẹ chia sẻ con mình có xu hướng dành nhiều thời gian xem tivi, chơi game khi ở nhà và không biết cách ứng xử như thế nào cho hợp lý. Chỉ cần ba mẹ ngăn cản là phản ứng, thể hiện thái độ không hợp tác, lầm lì, bất cần. “Sau khi ly hôn, tôi gửi con gái 11 tuổi về cho bà ngoại chăm sóc rồi đi làm ăn xa. Chồng cũ sợ con buồn nên sắm cho con chiếc smartphone để thuận tiện liên lạc với ba mẹ. Từ ngày có smartphone, thế giới giao tiếp của con xoay quanh chiếc điện thoại này. Đôi khi dẫn con đi chơi mà con bé không thèm ra khỏi phòng khách sạn, cứ cầm điện thoại bấm bấm. Thật sự tôi không biết phải ứng xử thế nào trước thói quen này của con, la mắng thì con buồn, con giận, mà để vậy thì không yên tâm, sợ con nghiện rồi bỏ bê chuyện học hành”, chị Nguyễn Thị Diệu L. (trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) bày tỏ.

ThS.BS Nguyễn Thành Long, chuyên gia tư vấn tâm thần tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết, đối với người nghiện game, việc điều trị tâm lý là cần thiết. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại người chơi game, internet quá mức là đối tượng bệnh có vấn đề về thần kinh, với biểu hiện như hoàn toàn mất kiểm soát đối với việc chơi game, tăng tần suất, cường độ, thời gian chơi, không quan tâm tới những hoạt động thường ngày khác. Thậm chí, có trường hợp người chơi game “nhập vai” quá mức dẫn đến ảo tưởng và có xu hướng bạo lực, hung hăng hơn. “Nếu bị cấm đột ngột, người nghiện game thường có phản ứng tiêu cực, rơi vào trạng thái bồn chồn, mất kiểm soát hành vi, cảm xúc. Do đó, để tách dần người bệnh ra khỏi thế giới game, internet, người thân phải hết sức nhẹ nhàng, tâm lý, kiên trì và có lộ trình, kế hoạch bài bản, thậm chí người lớn chấp nhận nghỉ việc để theo sát con trong hành trình điều trị. Trong thời gian buộc phải rời xa máy tính, điện thoại, người nghiện thường không hợp tác, sẵn sàng trốn đi chơi. Nếu cần thiết, chính những người thân trong gia đình cũng không nên dùng tivi, điện thoại trong khoảng thời gian này”, bác sĩ Nguyễn Thành Long nói.

3. Ở fanpage “Bảo vệ tương lai” do Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam) sáng lập, nhiều ông bố, bà mẹ thắc mắc liệu nghiện game có được coi là một chứng nghiện hay không, vì sao nhiều người không thể ngừng việc chơi game trong một thời gian dài. Đồng thời, họ lo lắng bởi ở thời đại công nghệ, khi điện thoại, máy tính, tivi thường xuyên kết nối internet thì nguy cơ trẻ nghiện game ngày càng cao.

Theo bác sĩ Lâm Tứ Trung, trẻ chỉ bị gọi là nghiện game khi mất kiểm soát với việc chơi game, không thể thoát ra khỏi trò chơi hoặc bị ám thị bởi tình huống, trận chiến, vật phẩm trong game; những triệu chứng này phải kéo dài ít nhất 12 tháng. Sau nhiều năm tiếp xúc với bệnh nhân nghiện game, bác sĩ Lâm Tứ Trung đúc rút có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ nghiện game, trong đó phần lớn xuất phát từ mối quan hệ trong gia đình hoặc từ áp lực học hành, trẻ muốn tìm một trò chơi để giải tỏa căng thẳng. Nhiều bệnh nhân chia sẻ rằng, họ cảm thấy thoải mái hơn trong không gian mạng, trò chuyện qua nick - khi không biết người đối diện là ai, vui khi chinh phục những “phần thưởng”, lập những chiến công trong game. Đã có không ít trường hợp bệnh nhân chơi cả ngày lẫn đêm khi ba mẹ đi vắng, dẫn đến suy kiệt cơ thể, thần kinh bị ảnh hưởng.

"Trẻ chỉ bị gọi là nghiện game khi mất kiểm soát với việc chơi game, không thể thoát ra khỏi trò chơi hoặc bị ám thị bởi tình huống, trận chiến, vật phẩm trong game; những triệu chứng này phải kéo dài ít nhất 12 tháng"

Bác sĩ Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng

Theo bác sĩ Lâm Tứ Trung, chỉ khi tìm được lý do trẻ bị cuốn vào những trò chơi trên mạng, thì khi ấy gia đình, thầy cô và đội ngũ y tế mới có thể can thiệp và hỗ trợ hiệu quả. Một trong những phương pháp phòng ngừa chứng nghiện game là gia đình, cha mẹ cần dành thời gian trò chuyện cùng con, kiểm soát thời gian sử dụng internet, thiết bị chơi game, khuyến khích con trẻ tham gia các lớp học thể thao, năng khiếu mình yêu thích nhằm giải tỏa những căng thẳng, những điều không vui phát sinh trong cuộc sống.

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngành giáo dục Đà Nẵng luôn quan tâm, tạo môi trường lành mạnh để học sinh phát triển trí tuệ, thể chất ở trường. Ngoài công tác tuyên truyền, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoài giờ, nhà trường chủ động thông tin cho phụ huynh nếu phát hiện trẻ có biểu hiện nghiện game. Theo ông Vương, ở góc độ giáo dục, ba mẹ cần thống nhất cách nuôi dạy con, không nên quá cưng chiều và hạn chế cho tiền nếu không thật sự cần thiết. Thực tế, nhiều đứa trẻ đã lấy tiền ba mẹ cho ăn sáng để chơi game và nói dối đi học nhưng lại ra quán net. Ở lứa tuổi dậy thì, do chưa thật sự chín chắn nên cha mẹ cần theo sát con mình và có phương pháp giáo dục phù hợp, tránh đòn roi và thường xuyên quan tâm, chia sẻ những áp lực mà con mình gặp phải. Có thể nói, những trò chơi trên mạng luôn có sức hút đặc biệt với giới trẻ, thay vì cấm đoán, chúng ta cần giúp trẻ thay đổi hành vi, cách ứng xử trên mạng xã hội.

TIỂU YẾN
 

;
;
.
.
.
.
.