Hiện tượng tung tin giả mạo, sai sự thật diễn ra đã khá lâu, song phải đến khi nhiều mạng xã hội được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, thì chuyện ngăn chặn loại tin xấu và độc hại này mới được luật hóa và có các khung nguyên tắc, những quy định riêng biệt ở các ngành nghề, cơ quan khác nhau. Đặc biệt, từ khi có Luật An toàn thông tin mạng năm 2016 và Luật An ninh mạng có hiệu lực từ đầu năm 2019, cùng các văn bản dưới luật với chế tài xử phạt cụ thể, cộng với các hoạt động tuyên truyền sâu rộng trên phương tiện truyền thông, giúp người dân hiểu “tự do ngôn luận” ở mức độ đến đâu, để môi trường mạng xã hội có sự an toàn cho người sử dụng.
Trong 3 tháng đầu năm 2020, khi Covid-19 xuất hiện, báo chí đưa tin công an các địa phương trong cả nước làm việc với gần 700 trường hợp đưa tin sai sự thật, qua đó có hơn 300 đối tượng trong nước tung tin giả về đại dịch trên không gian mạng bị cơ quan chức năng xử lý. Đợt dịch lần 1, tại Đà Nẵng có hơn 30 trường hợp đăng thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng liên quan Covid-19. Nhưng đến đợt dịch lần 2, thành phố là tâm dịch, thì chỉ có vài trường hợp đăng tin sai bị cơ quan công an quận, huyện xử lý. Một nhân viên an ninh thuộc Công an thành phố nhấn mạnh rằng, đó là nhờ hiệu quả công tác tuyên truyền và những thông tin xử phạt, răn đe đã đến được với đông đảo công chúng, khiến những “anh hùng bàn phím” chùn tay, không dám manh động để bịa đặt thông tin; nhiều người cũng tỉnh táo để không ấn nút “like” hay “share” khi chưa kiểm chứng nguồn tin.
Mạng xã hội phát triển, người dùng có thể tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm trên tài khoản cá nhân của mình. Nhưng nếu quyền này bị lạm dụng, nhất là khi những người đăng tải thông tin trên không gian mạng có quan điểm sai trái, lợi dụng nói xấu chế độ, hay vì lợi ích kinh tế, chính trị của bản thân, thái độ cực đoan, thỏa mãn cái tôi cá nhân, thích thể hiện mình…, sẽ để lại những hệ lụy khó đo đếm. Nhiều cơ quan, đơn vị đề cập việc đề ra các quy định, quy tắc ứng xử trên không gian mạng, như Hội Nhà báo Việt Nam áp dụng “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam” từ đầu năm 2019 với 3 chương và 7 điều, song song với việc thực hiện 10 điều “Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”.
Như vậy có thể hiểu, trong môi trường mạng xã hội, tự do ngôn luận cũng phải nằm trong khuôn khổ pháp luật nhằm tránh bị lợi dụng, gây phương hại đến quyền, lợi ích của cá nhân khác, đến đạo đức xã hội, trật tự công cộng và an ninh quốc gia.
Ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội không chỉ đơn thuần là cân nhắc trước mỗi nút “like”, nút “share”, với mỗi bình luận, không công kích cá nhân, không xâm phạm đời tư của ngước khác, mà còn là thể hiện ở ứng xử trước mỗi thông tin sai trái, xuyên tạc. Với những lĩnh vực mình am hiểu, trước những thông tin không đúng, không chuẩn, việc im lặng, không bình luận cũng là hành động góp phần để thông tin không đúng tồn tại trên không gian mạng. Trong những trường hợp này, có thể bình luận nhằm đính chính để những người tham gia có cái nhìn đúng, chuẩn về một vấn đề, một tình huống...
Từ sau các đợt dịch Covid-19 tại Việt Nam, nguồn thông tin từ Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho thấy nổi lên nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em, như số vụ việc các em bị lợi dụng, lạm dụng thông qua mạng xã hội tăng lên. Một kết quả nghiên cứu mới đây của các chuyên gia Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho thấy, cứ 10 học sinh thì sẽ có 3 em bị bắt nạt trực tuyến. Một người có thể vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm của vấn nạn này, như bị đe dọa, xâm hại, làm nhục, làm mất mặt/ xấu hổ hoặc tra tấn bằng tinh thần qua tin nhắn, mạng Internet, các trang mạng xã hội và qua các thiết bị điện tử khác.
Tháng 11-2020, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội cho biết sẽ sớm ban hành bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng và việc lồng ghép vấn đề bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng vào bộ quy tắc này. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng đề án bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác, sáng tạo và lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025. Đề án đưa ra nhiều vấn đề, như tạo lập một đầu mối duy nhất trên không gian mạng để tiếp nhận các phản ánh về nội dung xâm hại trẻ em, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn để phát hiện sớm, chủ động chọn lọc và gỡ bỏ các nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, đồng thời trang bị bộ kỹ năng số cơ bản cho trẻ em, bao gồm giáo dục nhận thức về môi trường mạng và kỹ năng để trẻ em có thể tự bảo vệ mình, tự nhận diện các nguy cơ trên môi trường mạng và có hành động thích hợp... Hy vọng từ bộ quy tắc dành cho trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước, vấn đề đạo đức, ý thức, phông văn hóa và học vấn được điều chỉnh, để trẻ em có một nền tảng kiến thức nhằm ứng xử chuẩn mực trên không gian mạng xã hội.
HOÀNG NHUNG