ỨNG XỬ TRÊN KHÔNG GIAN ẢO

Văn hóa, văn minh trên mạng xã hội

.

Việt Nam có khoảng 64 triệu tài khoản mạng xã hội (MXH) - con số không hề nhỏ. Ứng xử trên không gian ảo này cũng phải như ở thế giới thật; nếu vượt qua những lằn ranh về đạo lý và pháp lý, người vi phạm sẽ phải lãnh hậu quả.

Hơn 10 ngày trước, một cô gái, trẻ thôi, trông có vẻ trí thức, bị Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Thừa Thiên Huế phạt hành chính 5 triệu đồng vì đăng Facebook với nội dung: “Chính thức: Chính sách một vợ được lấy nhiều chồng để giải quyết tình trạng dư thừa nam giới”. Trước đó, hồi tháng 2-2021, có ít nhất 3 Facebooker ở Hà Nội bị cơ quan chức năng phạt tiền vì đăng hoang tin về chuyện một bệnh nhân Covid-19 đi karaoke “tay vịn” hay ê-kíp thời sự đài truyền hình nọ trở thành F1 sau chuyến tác nghiệp tại sân bay Vân Đồn…

Đồ họa: MAI ANH
Đồ họa: MAI ANH

Dễ vào, dễ chơi, cũng dễ gây và lãnh hậu quả, quả là MXH không phải là chốn để ai thích gì làm nấy, muốn gì viết nấy.

Người Việt "chơi" mạng xã hội: Bất ngờ!

Internet và MXH mở ra cho loài người một không gian, nói rộng ra là một thế giới, hết sức hấp dẫn. Dù được gọi là ảo nhưng mọi phiên bản của đời thật đều có ở đó. Và, hơn cả đời thật, không gian ảo thỏa mãn gần như tối đa mọi giác quan, mọi đòi hỏi của con người, nhất là khi các nền tảng công nghệ ngày càng tối ưu và các thiết bị nghe nhìn, thiết bị di động ngày càng hiện đại. Cư dân mạng cảm thấy được tự do hơn, được “là mình” hơn ở đó.

Đến nay, độ phủ internet ở Việt Nam nằm trong nhóm nước dẫn đầu thế giới. Theo báo cáo Digital Việt Nam 2020 (của We Are Social, tính đến hết tháng 1-2020), đã có 68,17 triệu người dân sử dụng dịch vụ internet (chiếm hơn 70% dân số). Trong số này, có tới 64 triệu tài khoản MXH vào mục đích giải trí, liên hệ bạn bè, chia sẻ khoảnh khắc, mẹo vặt, quảng cáo, bán hàng. Trung bình mỗi người Việt Nam có 9 tài khoản MXH đồng thời (Facebook, Instagram, Zalo, Skype, YouTube...). Trong hơn 400 MXH hoạt động tại Việt Nam, nổi bật hơn vẫn là những kênh phổ biến nhất trên thế giới hiện nay gồm Facebook, YouTube, WhatsApp, Messenger, Wechat, Instagram, TikTok, Zalo nằm trong tốp 5 MXH được truy cập nhiều nhất ở nước ta. Tuy nhiên, người Việt mở tài khoản trên Facebook nhiều nhất, chiếm tỷ lệ 90% tổng số người có tài khoản MXH. Đáng chú ý, mỗi người Việt dành ra 6 giờ 30 phút truy cập internet mỗi ngày và thời gian sử dụng MXH chiếm đến 2 giờ 22 phút, tức hơn 1/3…!

Một số khảo sát xã hội khác đúc kết thêm: Tuổi teen, tuổi thanh niên và trung niên dành thời gian cho MXH nhiều hơn các phân khúc tuổi còn lại; phụ nữ lướt MXH nhiều và lâu hơn đàn ông.

Đó toàn là những thông số quan trọng để tái khẳng định: không gian ảo là phiên bản của đời thật; ở đó, cần phải hành xử theo những nguyên tắc như ở đời thật, không được phép vượt qua những lằn ranh đạo lý lẫn pháp lý.

Cần ứng xử chuẩn mực

Cuộc sống đã ghi lại rất nhiều câu chuyện đẹp lung linh khởi phát từ MXH mà chúng ta đã biết. Bàn về ứng xử ở không gian mạng, cần nhận diện rõ mặt trái của nó để đề xuất những ứng xử chuẩn mực.
Không gian ảo bao la, riêng ở Việt Nam hiện nay, có thể thu hẹp lại để bàn trong không gian của 3 MXH lớn nhất, phổ biến nhất và có mức độ tương tác cao nhất, là Facebook (gồm cả Messenger), Zalo và YouTube (thuộc sở hữu Google). YouTube là nền tảng chia sẻ video có thể nói mạnh nhất hiện nay. Nhiều YouTuber Việt thành danh có lượng người đăng ký xem (subscriber) cao, lượng view “khủng” và số giờ xem cực nhiều đã kiếm khá bộn từ “big tech” Google. Ví như Thơ Nguyễn, mới đây kênh YouTube của cô đăng video bày trẻ em chơi búp bê bùa ngải Kumanthong, chủ kênh gọi là Cu Ma Mập, nhằm “xin vía ma để học giỏi”, liền bị phụ huynh lên án gay gắt, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý vì bày dạy cho trẻ điều xằng bậy, mê tín, áp đặt suy nghĩ lệch lạc. Chiều 16-3, Thơ Nguyễn nhận án phạt 7,5 triệu đồng từ Sở TT&TT tỉnh Bình Dương.

Nếu phụ huynh mãi im lặng chịu đựng, nếu không có ứng xử gay gắt từ cư dân mạng để cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, thì những trò lố kiểu như thế trên YouTube biết đến bao giờ mới dứt? Hậu quả đó ai chịu? Vì vậy, thái độ của cộng đồng tiếp nhận thông tin từ MXH có ý nghĩa quyết định đến sự trong sạch của các sân chơi trên không gian ảo.

Hay như chuyện của cố ca sĩ Vân Quang Long. Trong suốt 2 tháng sau khi anh qua đời ở nước ngoài, gia đình anh tại Đồng Tháp liên tục bị một số YouTuber làm clip dựng chuyện mẹ anh và vợ trước của anh vay nợ, đánh bạc. Mẹ anh là Nhà giáo ưu tú, bị họ mỉa mai là “nhà giáo u tối”, rồi dọa người thân của anh “sẽ bị quả báo” nếu không trả nợ… Thực sự, mẹ và vợ anh không nợ ai, cũng chẳng quen biết các YouTuber đó. Không chịu nổi sự xúc phạm, cha mẹ cố ca sĩ phải làm đơn cầu cứu Công an tỉnh Đồng Tháp. Lý do ban đầu được xác định: Những YouTuber này dựng chuyện nhằm gây chú ý, làm tăng lượng theo dõi kênh, tăng like, tăng subscriber (người đăng ký), tăng view… cốt để tăng thu nhập!

Hete speech và fake news

Trường hợp vu khống và xúc phạm người nhà cố ca sĩ Vân Quang Long thuộc hành vi “tạo phát ngôn gây thù ghét” (hate speech). Mục đích của hate speech trên không gian mạng rất nhiều, song đều quy về một hậu quả: kích động bạo lực. Báo The Guardian gọi đây là nạn “bạo hành trực tuyến”. Ở cấp độ nhẹ thì gây mâu thuẫn, giận hờn. Nặng hơn, nó có thể dẫn tới loạn đả giữa các băng nhóm trong xã hội; nó có thể dẫn tới xung đột dòng họ, sắc tộc; nó có thể làm gia tăng thù hận giữa các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ; nó có thể châm ngòi biểu tình, thậm chí kích động bạo loạn, lật đổ và dẫn tới chiến tranh. Nhận hiện tác hại khôn lường của hate speech như vậy để xác quyết một điều: Mọi mầm mống phát ngôn gây thù hận phải được ngăn chặn và tẩy trừ. Phải tỉnh táo để minh định trước mọi phát ngôn, đồng thời có trách nhiệm chung tay định hướng dư luận nhằm hiểu đúng, làm đúng.

Tai hại không kém là fake news (tin giả). Chuyên gia truyền thông Nolan Higdon định nghĩa tin giả “là tin có nội dung sai sự thật hoặc gây hiểu lầm được trình bày dưới dạng tin tức và được truyền đạt ở các định dạng bao gồm giao tiếp nói, viết, in, điện tử và kỹ thuật số” (Nolan Higdon, The Anatomy of Fake News: A Critical News Education, University of California Press, 2020).

Hầu hết tin giả được tung ra đều có chủ ý. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa rồi cũng tràn ngập tin giả đầy màu sắc chính trị, chủ yếu để gây bất lợi cho đối thủ. Covid-19 làm nóng toàn cầu và cuộc đua sản xuất vắc-xin đang được cả thế giới kỳ vọng cũng xuất hiện nhiều tin giả về hiệu quả phòng ngừa, độ an toàn sau tiêm… Tại Việt Nam, tin giả trước đây xuất hiện nhiều, sau Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì có Luật An ninh mạng (tháng 6-2018), nhờ vậy tin giả đã giảm bớt vì khá nhiều trường hợp tung fake news bị cơ quan chức năng sờ gáy, sau đó công khai danh tính và hành vi để răn đe. Hai năm qua, đa phần các trường hợp bị phạt tiền là do đăng tin thất thiệt trên MXH về Covid-19.

Nhưng MXH là bờ xôi ruộng mật, trong khi tin giả là cỏ dại nên luôn dễ sinh sôi. Để chặn tin giả, cần đến 3 “mũi tiến công”: chế tài của cơ quan quản lý; thông tin chính thống từ các báo, đài chính danh; sự tỉnh táo của người dùng MXH. Chỉ nên nghe thông tin từ không gian mạng “bằng một lỗ tai”, tức là phải cần phối kiểm. Phối kiểm từ đâu? Các cơ quan báo, đài là nơi giải quyết nhu cầu đó.

Để trở thành một người dùng MXH thông minh, chỉ cảnh giác thôi thì chưa đủ, mà phải trang bị đủ kiến thức. Đa phần ứng xử sai lệch trên mạng thời nay xuất phát từ lỗ hổng kiến thức pháp luật, trong đó người ta thường nhầm lẫn hoặc vượt qua lằn ranh của tự do ngôn luận và xâm phạm đời tư. Tự do ngôn luận thì được nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật cho phép, còn xâm phạm đời tư thì rõ rồi - vi phạm luật dân sự. Xin nêu một ví dụ rất đơn giản, sáng nào đó thức dậy, lướt web và thấy ai đó đăng một tấm hình về bạn trên MXH mà chưa xin phép bạn; bất kể hình đẹp hay xấu, status kèm theo khen hay chê, bạn có quyền kiện ra tòa và nhiều khả năng nguyên đơn sẽ thắng!

Thế đấy, luật pháp đã rất rõ rồi. Nhưng bên cạnh pháp luật còn có đạo đức. Do đó, một bộ quy tắc chung về ứng xử trên không gian mạng tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm ra đời.

Thế giới chế tài ra sao?
- Liên minh châu Âu (EU): Tháng 6-2016, EU ký thỏa thuận với Facebook, Twitter, YouTube và Microsoft về quy chuẩn ứng xử trên mạng. Theo đó, những phát ngôn tiêu cực phải được 4 đại gia công nghệ này xóa bỏ khỏi mạng xã hội (MXH) trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông báo.
- Pháp: Xúc phạm người khác về chủng tộc, giới tính, đồng tính, miệt thị người khuyết tật có thể bị phạt đến 6 tháng tù và 22.500 Euro.
- Đức: MXH nào không gỡ bỏ các tin giả, phát ngôn gây thù ghét hay các thông tin vi phạm pháp luật sẽ bị phạt đến 50 triệu Euro.
- Nhật Bản: Cấm mọi phát ngôn thù hận, kể cả bôi nhọ hoặc đe dọa người khác trên không gian mạng.

DƯƠNG QUANG

;
;
.
.
.
.
.