Chọn ngành nghề là đầu tư cho tương lai

.

Đến mùa tuyển sinh, hầu như trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) nào cũng liệt kê những ngành khó tuyển sinh viên. Có ngành từng rất được chuộng 5-10 năm trước nay cũng “ế”, có nhiều ngành nhiều năm rồi luôn rơi vào tình trạng “khát” người học dù thị trường lao động rất cần. Một phần nguyên nhân do thí sinh khi làm hồ sơ thường theo số đông, quan tâm những ngành “hot”, khiến một số ngành nghề dù cung không đủ cầu nhưng vẫn không tuyển sinh được.

Thông tin tại hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì với 4 điểm cầu Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ mới đây, có 5 nhóm ngành có tỷ lệ tuyển sinh thấp, chỉ 41-60% chỉ tiêu gồm: Khoa học tự nhiên, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Dịch vụ xã hội, Khoa học sự sống, Môi trường và bảo vệ môi trường.

Đây là nhóm ngành có tính truyền thống trong nền kinh tế đất nước và nhu cầu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao rất lớn. Thế nhưng, qua phân tích số liệu tuyển sinh những năm gần đây cho thấy, ngay cả những trường ĐH top đầu vẫn có những ngành khó tuyển sinh, điểm chuẩn thấp nhưng vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu.

Tại các trường ĐH, CĐ ở Đà Nẵng, các ngành liên quan đến môi trường, công nghệ hóa học, xây dựng, cầu đường, cơ khí…, số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển đều thấp hơn rất nhiều các khối ngành như công nghệ thông tin, công nghệ ô-tô, y đa khoa, tài chính ngân hàng…

Khối ngành xây dựng, giao thông từng lấy điểm chuẩn đầu vào rất cao và thu hút đông học sinh chọn thi ĐH những năm từ 1995-2012, nhưng gần đây điểm chuẩn chỉ loanh quanh dưới 20 điểm, thậm chí ngang điểm sàn. Chỉ tiêu đầu vào khối ngành xây dựng, giao thông một vài trường ĐH ở Đà Nẵng giảm hơn 50% so với cách đây khoảng 5 năm, mỗi năm số tuyển chỉ còn chừng 30-100 sinh viên/năm.

Ngành Công nghệ hàn ở các trường CĐ luôn “đỏ mắt” ngóng sinh viên dù nghề này đã được đưa vào danh mục nghề độc hại, có các ưu đãi trong hành nghề và sinh viên được giảm 50% học phí, sau khi tốt nghiệp luôn được doanh nghiệp đón chờ.

Theo phân tích của nhiều trường, nhóm ngành kỹ thuật công nghệ phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng khó thu hút thí sinh, có thể do phụ huynh và học sinh thấy những nghề này vất vả, thu nhập không cao so với nhiều ngành khác.

Trong khi đất nước đang trên đà phát triển, cần phát triển kết cấu xây dựng hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, quy hoạch và xây dựng đô thị, xử lý môi trường... cần nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao. Hoặc những học sinh học giỏi môn Hóa học thường chỉ chú ý thi vào khối ngành Y - Dược, trong khi có thể học công nghệ kỹ thuật hóa, liên quan nhiều đến ngành công nghệ vật liệu vì hiện nay rất nhiều ngành nghề dính líu đến vật liệu polyme, gốm sứ, thủy tinh, vải...

Khi chọn ngành học, học sinh bỏ qua nhiều ngành học hữu ích, có giá trị trên thị trường nhân lực là do các em không hiểu tính ứng dụng của ngành học, và khi đọc các tên ngành đào tạo không hình dung được các vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường.

Thêm một vấn đề nữa là thí sinh và phụ huynh không được cung cấp thông tin đầy đủ về nhu cầu của thị trường lao động. Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, sắp tới sở sẽ trang bị phần mềm khảo sát, thu thập thông tin nhân lực và dự báo nhu cầu lao động các giai đoạn 5, 10 năm tới và lâu hơn nữa, dự kiến cuối năm nay có cơ sở dữ liệu cụ thể. Các trường ĐH, CĐ có thể dựa vào đó để lên kế hoạch đào tạo, chuẩn bị nguồn lực cung cấp cho thị trường; các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đưa ra nhu cầu nhân sự cụ thể để được cung cấp.

Các trường ĐH, CĐ và trường THPT đều có những chương trình tư vấn tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Nhưng để tư vấn chuyên sâu, đòi hỏi phải có sự đầu tư về thời gian chứ không thể “chớp nhoáng” như cách làm của các ngày hội tư vấn tuyển sinh đang diễn ra trước thời điểm học sinh lớp 12 làm hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ.

Tư vấn hướng nghiệp ở phổ thông là cả quá trình và phải tiến hành từ sớm. Làm sao để khi kết thúc năm học lớp 9, học sinh phải có những hiểu biết cơ bản về những nghề nghiệp phổ biến của xã hội, hình thành quan niệm và hiểu biết đúng đắn về ngành nghề, biết được sở thích của cá nhân về một số công việc nhất định. Công tác hướng nghiệp phải giúp học sinh hiểu cặn kẽ, tường tận về các ngành nghề, thấy được những giá trị, đóng góp của ngành đó trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như sự phù hợp của bản thân.

Phụ huynh cũng cần tiếp cận thông tin về nhu cầu nguồn nhân lực của các địa phương trong trung hạn. Để làm tốt điều này, đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ với hệ thống các trường phổ thông trong giới thiệu các thông tin liên quan đến ngành học.

Hiện nay, nhiều trường liên kết với doanh nghiệp bảo đảm đầu ra cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, hoặc có chính sách học bổng đặc thù bên cạnh việc gửi sinh viên tham gia học kỳ doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế công việc. Đây chính là cầu nối - một trong những giải pháp hiệu quả giải quyết nhu cầu việc làm cho tương lai.

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.
Khám phá script trong công việc mẫu cv xin việc file word miễn phí