Cuộc nổi dậy lớn nhất tại Đà thành năm 1966 có sự đóng góp quan trọng của lực lượng an ninh thành phố Đà Nẵng. Các trinh sát đã xây dựng, cài cắm cơ sở vào những đoàn biểu tình nhằm đấu tranh đúng hướng và đưa các đồng chí lãnh đạo Thành ủy vào nội ô để trực tiếp chỉ đạo phong trào.
Nhân dân xuống đường đấu tranh làm chủ thành phố Đà Nẵng trong 76 ngày đêm. (Ảnh tư liệu) |
Lợi dụng mâu thuẫn của địch
Tháng 10-1965, Nguyễn Chánh Thi được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thăng hàm trung tướng và giao giữ chức Tư lệnh vùng I chiến thuật (Quân đoàn I). Tuy nhiên, Nguyễn Chánh Thi vẫn không thỏa mãn với ban phát đó nên tuyên bố ly khai với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.
Nắm được tình hình này, Thành ủy Đà Nẵng nhận định: Việc Nguyễn Chánh Thi ly khai với Thiệu chỉ để tranh giành quyền lực, là dấu hiệu suy tàn của chế độ ngụy, nó không ngoài mục chống cộng, diệt cộng. Ta phải tranh thủ tận dụng cơ hội này làm hàng ngũ địch càng yếu thêm và đi đến tan rã, không để quân ly khai lợi dụng xương máu của đồng bào ta vì mục đích của chúng. Lực lượng an ninh thành phố Đà Nẵng phải làm nòng cốt trong việc xây dựng, cài cắm cơ sở vào hàng ngũ của địch cũng như quần chúng xuống đường đấu tranh.
Ngày 10-3-1966, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ ký quyết định cách chức Tư lệnh Quân đoàn I Nguyễn Chánh Thi với cái cớ “không ổn định được tình hình miền Trung vì để xảy ra nhiều cuộc biểu tình chống Mỹ và chế độ Việt Nam cộng hòa”. Trung tướng Nguyễn Hữu Có, Phó Thủ tướng, kiêm Tổng trưởng Quốc phòng ra lệnh bắt Nguyễn Chánh Thi tại phi trường Đà Nẵng đưa về Sài Gòn giam lỏng. Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo ngay lực lượng an ninh nhanh chóng đưa cơ sở trà trộn vào đội ngũ bênh vực, ly khai của Nguyễn Chánh Thi để kích động, khoét sâu thêm mâu thuẫn của chúng, đồng thời xúi giục quân phe phái của Thi thành lập “Ủy ban nhân dân đấu tranh vùng I chiến thuật” chống lại Thiệu, Kỳ.
Khoảng 17 giờ ngày 11-3-1966, chừng hơn 1.000 sĩ quan, binh lính thuộc hạ cấp phe thân cận Nguyễn Chánh Thi ở các khu căn cứ quân sự miền Trung kéo về Hội trường Trưng Vương cùng 3.000 quần chúng tổ chức cuộc mít-tinh nhằm tạo ra áp lực đối với chính quyền Sài Gòn, buộc Thiệu - Kỳ phải nhượng bộ và tình hình chính trị tại Đà Nẵng bắt đầu có nhiều chuyển biến phức tạp hơn.
Lợi dụng rối ren này, lực lượng an ninh hướng dẫn cơ sở mật kích động các tầng lớp học sinh, công nhân, tăng ni, phật tử, tiểu thương, bà con lao động… rầm rộ xuống đường đấu tranh đình công, bãi khóa, bãi thị. Thành ủy chỉ đạo an ninh bám chắc cơ sở đã có trong các đoàn biểu tình cũng như một số tổ chức ly khai của địch để từng bước chèo lái phong trào xuống đường từ hướng họ đấu tranh tự phát chuyển sang đấu tranh chính trị, chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Thiệu - Kỳ.
Ngày 15-3, một cuộc mít-tinh hơn 10.000 người tiếp tục được diễn ra ở công viên Diên Hồng. Tại diễn đàn này, đã có nhiều đại diện cho các tầng lớp xã hội lên sân khấu công khai tố cáo tội ác của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Tiếp theo, hơn 15.000 người tập trung tại công viên Diên Hồng để công bố lập trường và mục tiêu đấu tranh của lực lượng, tố cáo quân đội Mỹ xâm lược Việt Nam.
Các tầng lớp nhân dân xuống đường
Ngày 24-3, giao liên của lực lượng an ninh bí mật đưa đồng chí Hà Kỳ Ngộ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, phụ trách đấu tranh chính trị và đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Thành ủy viên từ bên ngoài vào nội thành Đà Nẵng để trực tiếp chỉ đạo lực lượng quần chúng nổi dậy.
Từ ngày hôm sau, lực lượng cảnh sát ngụy bắt đầu rệu rã. Lưu Ngộ, Trưởng ty; Lê Hà Dung, Phó ty Cảnh sát Đà Nẵng dẫn đầu gần 1.000 tên xuống đường biểu tình với khẩu hiệu chống Thiệu - Kỳ. Khi lực lượng cảnh sát của chúng biểu tình, coi như ta đã vô hiệu hóa cả bộ máy đàn áp nên ngày 30-3, hơn 10.000 quần chúng tuần hành, kèm theo 1.500 ô-tô, nghiệp đoàn xe lambro chợ Cồn ầm ầm xuống đường, căng biểu ngữ chống Mỹ, Thiệu. Các tầng lớp nhân dân thành phố và một số xã vùng ven của huyện Hòa Vang cùng một số binh lính ngụy kéo về trung tâm thành phố chừng 25.000 người hô vang các khẩu hiệu đuổi quân Mỹ về nước. Trong các đoàn biểu tình đó, cứ khoảng 300 người thì có 1 trật tự viên và 1 cơ sở an ninh của ta tham gia. Tất cả các ngã tư, ngã năm trong thành phố, ta đều tổ chức đội ngũ mang băng “trật tự” canh gác, một số khác được trinh sát an ninh hướng dẫn đeo găng tay trắng làm nhiệm vụ chỉ đường. Hoảng hốt trước cuộc nổi dậy bất ngờ này, một số doanh trại của Mỹ phải rời khỏi trung tâm thành phố hơn 10km.
Thiệu - Kỳ liền điều động 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, 1 tiểu đoàn cảnh sát dã chiến, lính dù từ Sài Gòn ra dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan. Những ngày tiếp theo vẫn liên tục diễn ra các cuộc biểu tình của hàng ngàn công nhân bốc vác cảng Đà Nẵng, ngư dân đánh bắt cá…, nhưng chúng vẫn chưa dám ra tay.
Từ ngày 19-4 trở đi, sự chỉ đạo phong trào lâm vào tình thế lúng túng, nhất là việc phát triển lực lượng đấu tranh bị chững lại, phong trào bắt đầu lắng xuống dần. Nhân cơ hội này, Thiệu - Kỳ gấp gáp điều tiếp 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, tăng cường máy bay, xe bọc thép M113 và các phương tiện chiến tranh hiện đại cho tướng Nguyễn Ngọc Loan. Ngày 25-5, Nguyễn Ngọc Loan xua quân tái chiếm các vị trí then chốt và Đà Nẵng lại hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của địch.
Đây là cuộc đấu tranh nổi dậy với quy mô lớn nhất, có nhiều thành phần tham gia nhất và diễn ra nhiều ngày nhất trong phong trào đấu tranh tại các thành thị ở miền Nam trong thời kỳ “chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Bí thư Thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn lúc đó đã nhận xét: “Cuộc nổi dậy của đồng bào Đà Nẵng chống Thiệu - Kỳ từ tháng 3 đến tháng 5-1966 tuy không đem lại thắng lợi nhưng đã cho ta một bài học bổ ích về lợi dụng mâu thuẫn nội bộ địch. Lúc đầu, cuộc nổi dậy đó không phải do ta chủ động mà nhân cơ hội nội bộ địch chống đối lẫn nhau, ta đã biết tập hợp, phát động quần chúng đứng lên làm chủ thành phố…”.