Phong Nhã: Nhạc sĩ của tuổi thơ

.

Gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Phong Nhã (1924-2020) không quá đồ sộ, nhưng bằng tài năng, ông đã tạo lập cho mình một vị trí riêng trong làng âm nhạc - vị trí của một nhạc sĩ cả đời sáng tác cho thiếu nhi. Hôm 23-5, lần đầu tiên những trang hồi ức, hồi ký của nhạc sĩ Phong Nhã đã được công bố.

Nhắc tới nhạc sĩ Phong Nhã, người ta có thể nhớ và hát vang nhiều ca khúc như: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Hành khúc Đội, Kim Đồng, Nhanh bước nhanh nhi đồng, Cùng nhau ta đi lên… Với những ca khúc ấy, Phong Nhã còn được ví là “người viết biên niên sử Đội TNTP Hồ Chí Minh bằng âm nhạc”.

Cuốn sách cuối đời

Tôi may mắn được nhiều lần gặp gỡ và trò chuyện với nhạc sĩ Phong Nhã khi ông còn sống, có khi xuống nhà ông trong ngõ nhỏ trên phố Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), có khi ngồi trò chuyện với ông ngay ven hồ Hoàn Kiếm. Những lần gặp gỡ và trò chuyện ấy, tôi ướm hỏi, nhưng ông đều bảo không có ý định viết hồi ký. Trong cuộc sống, tôi cảm nhận ông sống giản dị, muốn ẩn mình đi. Vì thế, khi cuốn hồi ký của nhạc sĩ Phong Nhã được chính thức phát hành hôm 23-5, tôi rất bất ngờ. Nhà văn Nguyễn Thúy Loan - người biên tập cuốn sách này ở Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng cho biết, chính nhạc sĩ Phong Nhã đã gửi bản thảo cuốn sách này tới NXB. Đó là vào thời điểm “những ngày chiều muộn” của cuộc đời nhạc sĩ. Khi ấy, ông tập hợp những bản đánh máy, viết tay, cả tài liệu photo cùng nhiều tư liệu gia đình để gửi tới NXB với mong muốn có một cuốn sách cuối đời.

Đời tôi sóng nhạc bay lên - tập hồi ký, di cảo của nhạc sĩ Phong Nhã - vừa được ra mắt ngày 23-5-2021.
Đời tôi sóng nhạc bay lên - tập hồi ký, di cảo của nhạc sĩ Phong Nhã - vừa được ra mắt ngày 23-5-2021.

Nhưng khi NXB đang xử lý bản thảo thì nhạc sĩ Phong Nhã ra đi. Hơn một năm sau ngày nhạc sĩ nằm xuống, cuốn sách được xuất bản, đúng dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15-5-1941 – 15-5-2021). “Không chỉ là hồi ký với ăm ắp kỷ niệm ân tình, bằng lời kể giản dị, Đời tôi sóng nhạc bay lên còn là những trang nhật ký chân thật có thể bổ sung cho cuốn biên niên sử của Đội TNTP, của một người viết sử Đội bằng những khúc ca yêu quê hương và lớn lên cùng đất nước”, đại diện NXB Kim Đồng chia sẻ.

Nhiều ca khúc thiếu nhi đi cùng năm tháng

Qua những trang viết của nhạc sĩ Phong Nhã, ông dường như vẫn ở đâu đây, rất gần. Lời kể giản dị, chân thành và ấm áp. Nó như con người ông lúc trò chuyện với tôi, hay đứng trước các cháu thiếu nhi. Dù ông viết về quê mẹ, quê cha, hay sau này ghi lại những chặng đường sáng tác âm nhạc, nhưng người đọc vẫn nhận ra sự hồn hậu trong trái tim ông.

Nhạc sĩ Phong Nhã kể về lần gặp gỡ với nhà văn Nam Cao vào năm 1950 tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, khi đó đóng ở vùng Bắc Cạn. Được Nam Cao khích lệ, Phong Nhã viết truyện về gương anh hùng Dương Văn Nội. Ông không ngờ đó là lần cuối cùng được gặp nhà văn của những tác phẩm văn học nổi tiếng, bởi chỉ hơn 1 năm sau, Nam Cao đã hy sinh…

Cũng trong cuốn Đời tôi sóng nhạc bay lên, Phong Nhã viết: “Năm đầu Cách mạng Tháng Tám, không chỉ riêng tôi làm bài hát cho thiếu nhi mà các tác giả như Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Đỗ Nhuận rồi Lưu Bách Thụ… cũng có bài cho thiếu nhi. Còn về phần tôi, lúc đầu tôi vào làm công tác thiếu nhi là chính, lại do có một bài hát thiếu nhi đầu tay nên cũng bắt đầu bước vào con đường sáng tác âm nhạc. Làm công tác thiếu nhi buổi ban đầu chưa có phương tiện giáo dục gì, tôi đã sáng tác bài hát làm phương tiện tập hợp và giáo dục các em, thế mà may mắn lại đạt kết quả, cho đến lúc việc viết nhạc cũng trở thành một công tác chính, một mục đích chính của mình đi song song với công tác thiếu nhi. Đó là điều bất ngờ không tính trước được lúc vào đời”.

Rạng sáng 28-3-2020, nhạc sĩ Phong Nhã đã trút hơi thở cuối cùng.

Tôi nhớ mãi những buổi ngồi trò chuyện với ông và nhận ra tuổi tác đã làm con người quên đi nhiều thứ. Tuổi cao cũng khiến những câu chuyện của nhạc sĩ Phong Nhã trở nên rời rạc và có nhiều đứt đoạn. Ký ức của ông không còn sống động như thời trai trẻ, cũng không còn hào hứng như vài chục năm trước, nhưng vẫn có thể bắt gặp những chi tiết thú vị. Ấy là cả cuộc đời làm nghề, chưa bao giờ ông sắm được cho mình một cây đàn piano.

Vậy nhưng, bằng tài năng âm nhạc, nhạc sĩ Phong Nhã đã viết được nhiều ca khúc thiếu nhi đi cùng năm tháng. Trong số đó, 4 ca khúc của ông đã được bình chọn vào danh sách “50 ca khúc thiếu nhi hay thế kỷ 20”: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Hành khúc Đội, Kim Đồng Đội ta lớn lên cùng đất nước. Bài Cùng nhau ta đi lên còn được chọn làm Đội ca của Đội TNTP Hồ Chí Minh…

Nhạc sĩ Phong Nhã tên thật là Nguyễn Văn Tường, lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ông đã viết trên dưới 200 ca khúc, đa số là viết cho thiếu nhi.

Nhạc sĩ Phong Nhã được trao nhiều giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật (2001), Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng...

THƯ HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.