Thơ trẻ trên mỗi hành trình

.

Cuộc sống này dù không thể bé lại nhưng bạn vẫn có nhiều cách để giữ cho mình tâm hồn trẻ thơ...

1. Ca khúc Trốn tìm của nghệ sĩ Đen Vâu vừa ra mắt đã nhận được đông đảo sự đồng cảm và chia sẻ từ mọi người. Chỉ trong 24 giờ đầu tiên sau khi đăng tải trên YouTube, Trốn tìm đón nhận hơn 8 triệu lượt xem.

Vẫn với phong cách sản xuất quen thuộc, Đen Vâu xây dựng clip với các hình ảnh có phần nên thơ, nối tiếp nhau chậm rãi, giàu cảm xúc và đặc biệt ẩn chứa rất nhiều tầng nghĩa. Còn ca từ, càng nghe càng thấm, càng ngẫm càng thiết tha. Có lẽ hàng triệu người nghe đều nhìn thấy bóng dáng mình khi thưởng thức những ca từ: “Niềm cô đơn của những người trưởng thành. Là khi muốn trốn nhưng không ai tìm. Nhiều khi ta muốn ta được bé lại. Để khi đi trốn có người đi tìm”.

Thực ra, để viết về nỗi cô đơn ở tuổi trưởng thành, trước Trốn tìm của Đen Vâu, đã có rất nhiều nhạc phẩm khác khiến người nghe day dứt. Còn nhớ, tầm 5 năm về trước, lúc ca khúc Khi người lớn cô đơn của Phạm Hồng Phước ra mắt, một sớm thức dậy, tôi giật mình vì Newfeed hiện lên hàng chục dòng trạng thái na ná nhau của bạn bè. Những người bạn trẻ tuổi của tôi, họ tốt nghiệp ra trường, sau vài ba năm bôn ba mưu sinh, lập gia đình sinh con đẻ cái ở bốn phương trời, trở thành những người có điều kiện công việc, gia đình, tài chính, sức khỏe khác nhau, thế nhưng tâm trạng của họ hầu như đều đang gặp nhau ở một điểm. Đó là sự cô đơn, mệt mỏi, lạc lõng giữa chốn đông người. Có lẽ cuộc sống đang ít nhiều vây bọc lấy họ bởi những bức tường: Bức tường bận rộn, bức tường ngại chia sẻ, bức tường hoài nghi…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

2. Tôi luôn tin rằng, trong kho từ vựng cần ghi nhớ của trẻ em sẽ không có chỗ cho từ “cô đơn”. Những đứa trẻ có lúc buồn, đau, tức giận..., nhưng cô đơn thì không. Bởi cô đơn là một khái niệm phức tạp, não trạng trong sáng và đơn giản của bọn trẻ rất khó để tiếp nhận, đọc hiểu. Vậy nên, chỉ có người lớn mới cô đơn. Trẻ em nếu đói thì đòi ăn, khát thì đòi uống, đau đớn ở đâu thì nhờ cha mẹ vỗ về. Cha mẹ bận thì chúng tìm ông bà, nhờ chú, nhờ dì... Còn những người lớn vô tư, có tâm hồn trẻ thơ chắc cũng như những đứa trẻ to xác. Đó là những người mang đến sự phiền phức nhưng họ cũng đầy dễ thương, trong trẻo. Ở bên họ, ta bận rộn hơn, mệt mỏi hơn nhưng đồng thời học được những bài học quý giá về sự tương tác, nhận - cho. Mà cuộc đời này, ngoài niềm vui từ việc nhận lại thì cho đi cũng là một hành vi giúp lan tỏa những sức mạnh diệu kỳ.

3. Vợ chồng bạn tôi là những người ưa đi du lịch. Sau những cuộc hành trình, họ thường mang về những món quà thật đặc biệt, đó là những câu chuyện. Một lần, họ kể : “Chúng tôi đi xe buýt từ Melbourne dọc theo tuyến Great Ocean Road, được mệnh danh là con đường đẹp nhất của Úc, rồi vòng về Melbourne. Anh tài xế xe buýt là người đàn ông trạc tuổi, ăn mặc cực kỳ lịch sự, khỏe khoắn, hàm râu được cạo nhẵn bóng và đeo một micro để thuyết minh khi chúng tôi ngang qua hoặc sắp đặt chân đến những danh lam thắng cảnh.

Anh chàng lái xe làm tôi không thể nào quên bởi giọng thuyết minh hay như hát. Mỗi khi xe dừng, anh đều đứng ở cửa lên xuống, nở một nụ cười thật tươi và đưa tay mời chào như kiểu quý tộc, hoặc sẵn sàng hỗ trợ mấy vị khách cao tuổi bước xuống xe. Anh luôn có kẹo, đồ ăn thức uống ở trên xe, luôn bày ra ở một góc dễ nhìn thấy để bất kỳ ai cũng có thể dùng mỗi khi cần. Đó là người tài xế thông minh, vui tính, trong trẻo và tận tụy. Anh hạnh phúc và mang đến niềm hạnh phúc cho người khác. Và những hành khách trên chuyến xe đó đến từ khắp nơi trên thế giới, đủ sắc tộc, ngôn ngữ và màu da. Nhưng ai cũng hào hứng và hồ hởi, khi cần họ sẽ kết nối cùng nhau bằng… những ngôn ngữ cơ thể rất dễ thương”.

Thế đấy, cuộc sống này dù không thể bé lại nhưng bạn vẫn có nhiều cách để giữ cho mình tâm hồn trẻ thơ. Một trong những cách đơn giản nhất: Hãy sống chậm lại để phá dỡ những bức tường bận rộn, ngại chia sẻ.

MINH THI

;
;
.
.
.
.
.