DẠY TRẺ BẰNG TÌNH YÊU THƯƠNG

Rèn kỹ năng tự lập cho trẻ

.

Trong lúc Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều bố mẹ chọn cách dành thời gian dạy con tự lập, bình tĩnh vượt qua đại dịch.

Mỗi buổi tối mùa dịch, cô Phạm Thị Thùy Loan (quận Hải Châu) luôn dành thời gian cùng con trai trò chuyện, giải trí, chơi cờ vua. Ảnh: THANH TÌNH
Mỗi buổi tối mùa dịch, cô Phạm Thị Thùy Loan (quận Hải Châu) luôn dành thời gian cùng con trai trò chuyện, giải trí, chơi cờ vua. Ảnh: THANH TÌNH

Ngay từ đầu tháng 5 đến nay, mặc dù kỳ nghỉ hè chưa đến nhưng trẻ em trên toàn thành phố phải nghỉ học ở nhà do Covid-19 bùng phát trở lại. Bố mẹ vừa đi làm, vừa tranh thủ thời gian dạy con sống tự lập, sẵn sàng thích nghi với mọi tình huống có thể xảy ra như khi bố mẹ phải đi cách ly và các con ở nhà có thể tự chăm sóc bản thân, hay khi các con cách ly tập trung thì phải như thế nào.

Dạy trẻ cách tự bảo vệ sức khỏe

Cô Phạm Thị Thùy Loan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, hiện có con 12 tuổi) chọn giáo dục cho con cách giữ gìn sức khỏe phòng dịch hiệu quả. Cô Loan nói: “Mình thường đưa ra các tình huống về dịch bệnh để con giải quyết. Sau phần giải quyết của con, mình thường động viên, khen ngợi và định hướng thêm cho con những thông tin hữu ích liên quan.

Ví dụ, mình đưa ra tình huống con ở nhà nghỉ dịch trong khi thi thoảng mình vẫn đến trường làm việc, vẫn đi chợ mua thức ăn cho cả gia đình. Và trong những lần đi ra ngoài ấy, mình vô tình tiếp xúc gần với F0; mình sẽ là F1, phải cách ly tập trung và con là F2 tự cách ly tại nhà. Lúc đó, mình và con cùng đưa ra các phương án chăm sóc sức khỏe, cơm nước, giặt giũ như thế nào, ai sẽ là người giúp đỡ các con trong những ngày bố mẹ đi cách ly, những việc con phải tự làm để chăm sóc sức khỏe mỗi ngày…”.

Ngoài đưa ra tình huống để hướng dẫn con tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cô Loan còn thường xuyên cập nhật tin tức về tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước, tại thành phố và ngay khu vực nơi gia đình sinh sống để trao đổi cùng con. “Các thông tin mình cung cấp cho con phải từ các báo, đài chính thống, từ Bộ Y tế và mỗi thông tin mình đều có minh chứng rõ ràng, cụ thể...

Ví dụ, khi nói về các biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mình cho con xem các video, bài báo để con thấy thông tin ấy không chỉ do mẹ nói mà là cả cộng đồng đang chung tay thực hiện, như vậy con mới tin, mới có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Theo đó, con không chỉ biết thêm các kỹ năng phòng, chống dịch mà các kỹ năng tự học, tự chăm sóc bản thân, phòng tránh nguy hiểm, quản lý thời gian đều được con làm một cách thuần thục và đầy trách nhiệm”.

Chị Nguyễn Thị Anh Thư (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) cũng tranh thủ làm việc online tại nhà để rèn kỹ năng tự lập cho hai con trai, một cháu 7,5 tuổi và một cháu 3,5 tuổi. Chị Thư nói: “Hơn 1 năm nay, con trai lớn của mình không những tự chăm sóc bản thân mà còn chăm em. Mỗi sáng ngủ dậy, hai anh em tự đánh răng, rửa mặt, ra bàn ăn sáng, dọn bát chén đi rửa.

Ban ngày, khi bố mẹ đi làm hoặc làm việc online tại nhà, hai con tự học, tự chơi cùng nhau. Buổi tối, hai con giúp nhau tắm rửa, thay đồ; đứa lớn còn phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, tưới cây. Thỉnh thoảng hai vợ chồng có công việc đi ra ngoài, hai anh em ở nhà tự chơi, tự ngủ”.

Cùng làm việc tại nhà để có thời gian chăm sóc hai con, anh Bùi Văn Tuấn (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) chia sẻ: Làm việc ở nhà, mình cố gắng thu xếp tranh thủ thời gian tối đa ở bên con, nghĩ ra các trò để cùng chơi với con. Chẳng hạn, mình mua két nước về và tự chế bể bơi mini cho các con thỏa thích bơi lội; thay vì coi những chương trình hoạt hình vô bổ, mình vừa làm việc vừa hướng dẫn các con xem các chương trình dạy kỹ năng sống, kỹ năng phòng dịch với những clip vui nhộn để các con nâng cao ý thức bảo vệ mình.

Khi ra ngoài đường chơi, mình luôn dặn các con đeo khẩu trang và nói về các tình huống nếu như chẳng may mình hoặc các con phải đi cách ly, không được ở cùng nhau trong một thời gian. Vì vậy, các con luôn tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch”.

Mỗi đứa trẻ cần một phương pháp giáo dục phù hợp

Giáo dục kỹ năng tự lập, kỹ năng sống cho trẻ là công việc thường xuyên và được làm hằng ngày. Một phương pháp giáo dục hay không có nghĩa sẽ thành công với tất cả mọi đứa trẻ, mỗi đứa trẻ cần có một phương pháp giáo dục phù hợp. Là người thường xuyên dạy trẻ về kỹ năng tự lập, có nhiều năm mở lớp dạy kỹ năng sống miễn phí cho học sinh, cô Phạm Thị Thùy Loan cho rằng, khi dạy trẻ, cha mẹ phải là người hiểu con, biết con cần gì, tùy từng đứa trẻ để dạy dỗ, không nên lấy cách dạy dỗ một đứa trẻ khác áp đặt vào dạy con mình vì như vậy rất dễ thất bại, trẻ dễ tủi thân và phản ứng lại.

Dẫn chứng về điều này, cô Loan nói: “Con mình thích vẽ, trong khi con hàng xóm thích đọc sách. Vì muốn con cũng say mê đọc sách như con hàng xóm, mình về nhà ép con đọc sách khi chưa hiểu về con, điều đó chỉ khiến con không nghe lời, phản ứng hoặc đọc sách theo kiểu đối phó. Thay vì áp đặt, mình có thể nói với con rằng, vẽ cũng rất tốt nhưng ngoài vẽ, con có thể đọc sách, chơi bóng, đạp xe, đánh cầu lông cùng các bạn cũng rất thú vị. Và điều quan trọng là bố mẹ phải đồng hành với con, ở bên cạnh, động viên và chơi cùng con để kéo con vào những hoạt động có ích”.

Cùng quan điểm với cô Thùy Loan, chị Anh Thư cho rằng, dạy kỹ năng tự lập cho con là một quá trình. “Vợ chồng mình mất 2-3 năm kiên trì mới dạy được con tự lập và điểm mấu chốt là hai vợ chồng phải đồng thuận. Chẳng hạn, để rèn con cách tự đạp xe đi học, mình và chồng rất kiên nhẫn. Những ngày đầu, mình luôn theo sát con, đi cùng con, hướng dẫn con làm quen với các biển chỉ dẫn, các khúc cua.

Sau 1 tuần, mình cho con tự đạp xe đi học và mình đạp xe theo dõi phía sau. Khi thấy con đi thành thạo, quen đường, mình mới cho con tự đi, nhưng mình vẫn thường liên hệ với cô giáo chủ nhiệm để hỏi về tình hình của con”, chị Thư kể.

“Để con thuần thục với các kỹ năng tự lập, mỗi một việc con làm, mình đều theo dõi, khuyến khích con cũng như luôn đứng sau hỗ trợ con khi cần và tạo cho con sự tự tin nhất định. Nhờ được rèn giũa từ nhỏ nên trong những ngày dịch bệnh, dẫu có lúc bố mẹ phải ra ngoài đi làm, các con ở nhà vẫn tự học, tự chơi. Lúc nào có thời gian rảnh, vợ chồng mình lại chơi cùng con, dắt con đi dạo, cùng thả diều, đạp xe hoặc chạy bộ để nâng cao sức khỏe”, chị Thư chia sẻ thêm.

Trong khi đó, bà Ngô Phương Thảo - mẹ của 3 đứa con và là người sáng lập thương hiệu sách Anbooks - muốn rèn cho các con ý thức tự học và khả năng thích nghi cao. “Giáo dục không phải là những gì to lớn, cao siêu, mà đơn giản là trao tình thương, niềm tin, hy vọng. Dạy trẻ bằng tình yêu thương và trở thành người cố vấn cho con. Phụ huynh có trách nhiệm mang một nền giáo dục tại gia tốt đẹp nhất, phù hợp nhất với sự phát triển tâm sinh lý của con mình”, bà Thảo phân tích.

THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.