Nữ nghệ sĩ robot đầu tiên trên thế giới Ai-Da đang tổ chức triển lãm trưng bày những bức chân dung tự họa tại Bảo tàng Thiết kế ở London (Vương quốc Anh).
Nghệ sĩ robot Ai-Da. Ảnh: Getty Images |
Ba bức tranh chân dung tự họa mới của robot Ai-Da được triển lãm từ ngày 18-5 đến 29-8 trong sự kiện mang tên “Ai-Da: Chân dung robot”.
Một nhóm lập trình viên, nhà robot học, chuyên gia nghệ thuật và tâm lý học ở Đại học Oxford và Đại học Leeds (Anh) đã mất 2 năm (từ năm 2017-2019) để phát triển robot Ai-Da. Robot được đặt tên theo Ada Lovelace, nhà toán học người Anh được xem là một trong những lập trình viên đầu tiên trên thế giới.
Ai-Da được thiết kế với hình dáng như một cô gái. Đầu và cơ thể giống mannequin, đội tóc giả, nhưng cánh tay cơ học vẫn cho thấy nó là robot. Ai-Da có thể vẽ, điêu khắc, chớp mắt và nói chuyện.
Camera được gắn ở hai mắt giúp Ai-Da nhìn thấy xung quanh. Các camera được kết nối với một hệ thống thị giác máy tính. Thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép Ai-Da vẽ chân dung một người nào đó đang đứng trước mặt. Nói cách khác, những bức chân dung tự họa mới của Ai-Da là sự kết hợp giữa AI, lập trình và robot tiên tiến. Đôi mắt là camera để robot quan sát khi vẽ. Cánh tay Ai-Da được AI kiểm soát, có thể vẽ tranh chân dung trong khi tích hợp kỹ thuật và bảng màu do các nghệ sĩ thật phát triển và tải lên chương trình AI.
Ông Aiden Meller, Giám đốc các phòng trưng bày nghệ thuật hàng đầu ở Đại học Oxford cho biết, triển lãm chân dung tự họa của Ai-Da cho thấy ranh giới giữa máy móc và con người trong thời đại ngày nay đang dần bị xóa nhòa. Ông Meller lý giải, giới khoa học kỳ vọng AI sớm trở thành công cụ hỗ trợ nghệ sĩ trong tương lai; thay vì “cạnh tranh” công việc với nghệ sĩ, những robot như Ai-Da giúp khám phá hàng loạt ý tưởng mà nhiếp ảnh hay hội họa chưa tìm thấy. Ông Meller cũng là người tham gia sáng tạo nên robot Ai-Da.
Không chỉ Ai-Da, hồi tháng 3, robot Sophia có hình dạng giống con người cũng đã bán một bức tranh chân dung vẽ tay kỹ thuật số với giá gần 700.000 USD ở Hong Kong (Trung Quốc). Tác phẩm của Sophia được định dưới dạng NFT (non-fungible token) - tài sản số sử dụng công nghệ blockchain, khiến nó không thể bị phá hủy hay làm nhái.
HOÀNG ĐẶNG (theo The Guardian)