Đà Nẵng cuối tuần

Cây cóc và cây cốc

09:21, 13/06/2021 (GMT+7)

* Cây cốc có phải là cách viết sai của cây cóc, một loại cây cho trái có vị chua chua, dòn dòn? (Trương Thị Ánh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng)

Những cây cốc cổ thụ còn sót lại ở Gò Cốc, phía trên Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
Những cây cốc cổ thụ còn sót lại ở Gò Cốc, phía trên Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

- Hai từ cóc và cốc phát âm tương tự nhau nên rất nhiều người lầm tưởng cây cóc và cây cốc là một. Thực ra, đây là hai loài cây hoàn toàn khác nhau.

Theo kỹ sư Nguyễn Kim, cựu Phó Giám đốc Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng, tên gọi của một loài cây được xác định qua 3 tiêu chí: tên địa phương, tên thương mại, tên khoa học (danh pháp khoa học); trong đó tên khoa học là chính xác nhất.

Cây cóc, còn gọi là cây cóc Thái, là loại cây mộc có độ cao từ 1,5 - 2m, là cây ăn trái miền nhiệt đới, cùng họ với xoài, có tên khoa học là Spondias mombin, họ Anacardiaceae, có nguồn gốc từ Trung Mỹ và được trồng phổ biến tại các vùng nhiệt đới trên thế giới.

Cóc Thái có trái màu xanh lục, vỏ dày nhưng mềm, có vị chua và giòn, có thể ăn sống hay đem muối. Trái cóc chấm muối ớt là món quà rong ăn chơi phổ biến trong giới học trò tại Việt Nam, một trong ba thành phần làm nên món “cóc ổi mía ghim” nổi tiếng một thời ở Nam Bộ, bao gồm cóc, ổi và mía được ghim bằng que tre cho tiện sử dụng.

Cây cốc, theo Từ điển cây thuốc Việt Nam của Võ Văn Chi, còn gọi là cây cầy hay cây kơ-nia, có tên khoa học Irvingia malayana, thuộc họ Cầy - Irvingiaceae. Đây là loài cây gỗ lớn, cao đến 15-30m.

Bài viết Làm nên ký ức đăng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 13-3-2016 đã dẫn lời kỹ sư Nguyễn Kim: “Người Kinh gọi nó (cây kơ-nia - ĐNCT) là cây cầy, Quảng Nam gọi là cây cốc hay cây cốc dù. Đồng bào dân tộc thiểu số coi cây này là nơi trú ngụ của thần thánh, của vong linh những người đã khuất nên ít khi chặt phá nó. Người Kinh cũng chừa lại cây kơ-nia làm bóng mát không phải vì lý do tâm linh mà vì gỗ cây này cứng như đá, đốn hạ nó chỉ phí công”.

Bài đã dẫn cho biết thêm, phía trên nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) từng có nguyên một gò toàn cây cốc để nơi này mang tên dân gian là Gò Cốc. Những năm 60 thế kỷ XX, người Mỹ đến đây dùng máy cơ giới chặt phá cốc để làm nơi đóng quân và trụ sở quận Hiếu Đức (bao gồm một số xã miền núi của huyện Hòa Vang và các huyện Đông Giang, Tây Giang ngày nay). Nay tên Gò Cốc vẫn còn, nhưng “cư dân” cốc thì chưa tới con số 10.

Nếu trái cóc chỉ dùng để ăn thì vỏ cây và vỏ rễ cây cốc được dùng làm thuốc chữa no hơi, đầy bụng, trừ sốt rét rừng, chói nước. Người dân Quảng Nam xưa dùng gỗ cây cốc để đóng cối xay lúa. Khi trái cốc chín rụng xuống, người ta đem chôn dưới đất cho tróc hết phần vỏ, lấy hạt rửa phơi khô để dành lấy rựa chẻ ra ăn. Vùng Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, có câu ca dân gian “La Bông ăn cốc cộc tay/ Yến Nê ăn bứa nằm ngay cổ cò” (tên hai thôn thuộc xã Hòa Tiến) nói đến sự khó khăn khi ăn hạt cốc: hạt khô rất cứng, chẻ ra ăn dễ bị đứt tay.

Trên vùng đất Quảng Nam cũng có nhiều địa danh mang tên Cây Cốc, trong đó nổi tiếng nhất là chợ Cây Cốc ở xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước. Tại đây, “Địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Cây Cốc năm 1954” vừa được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia vào tháng 9-2019, ghi dấu sự kiện hơn 330 đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống khi bị Pháp đàn áp trong cuộc đấu tranh năm xưa.

ĐNCT

.