GÌN GIỮ GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH

"Giữ lửa" gia đình ấm no, hạnh phúc

.

Gia đình là tế bào của xã hội, là một thiết chế xã hội đặc biệt trong cơ cấu của xã hội. Xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững là trách nhiệm của toàn xã hội.

Lan tỏa gia đình văn hóa từ nhà ra phố

Nhắc đến gương điển hình xây dựng Gia đình văn hóa trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, phải kể cái tên “Gia đình ông Cử” (tên đầy đủ: Huỳnh Đắc Cử) ở tổ 53, Khái Tây 1, phường Hòa Quý. 20 năm qua, gia đình ông Cử luôn đi đầu trong xây dựng gia đình phát triển và lan tỏa ý nghĩa của danh hiệu này ra cộng đồng dân cư.

Điều đặc biệt là không chỉ mình ông Cử mà cả vợ ông - bà Phạm Thị Xướng cùng thi đua “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Bà Xướng vừa là thành viên ban công tác Mặt trận, vừa sinh hoạt tại Chi hội Cựu Chiến binh nên cả hai vợ chồng luôn sát cánh bên nhau trong mọi công tác, nhất là tích cực tuyên truyền vận động, vun đắp tình làng nghĩa xóm, tạo sự đồng thuận trong bà con khối phố, góp phần xây dựng chi bộ khu dân cư nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh và Tổ dân phố văn hóa.

Không chỉ nuôi dạy con cái ở nhà, người mẹ còn sát cánh dìu dắt con tham gia các hoạt động bên ngoài xã hội. Trong ảnh: Các mẹ tham gia chơi nhảy sạp cùng con trong các hoạt động ngoại khóa của Trường Mầm non Sunflower Steiner. (Ảnh chụp trước thời điểm xảy ra Covid-19) Ảnh: Đ.H.L
Không chỉ nuôi dạy con cái ở nhà, người mẹ còn sát cánh dìu dắt con tham gia các hoạt động bên ngoài xã hội. TRONG ẢNH: Các mẹ tham gia chơi nhảy sạp cùng con trong các hoạt động ngoại khóa của Trường Mầm non Sunflower Steiner. (Ảnh chụp trước thời điểm xảy ra Covid-19) Ảnh: Đ.H.L

Ông Huỳnh Đắc Cử cho biết, là tổ trưởng tổ hòa giải, bản thân ông cùng các ngành liên quan luôn kịp thời khuyên can, phân tích, tìm hướng giải quyết các mâu thuẫn xảy ra trong gia đình cũng như trong bà con khối phố; từ đó giúp khối phố không xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự. Gia đình ông còn vận động bà con lối xóm thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong cưới, tang, lễ hội và bài trừ các hủ tục, mê tín, dị đoan; tổ chức hướng dẫn 100% hộ gia đình đăng ký Gia đình văn hóa nhằm thực hiện tốt các tiêu chí của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phương châm thực hiện chương trình “5 không”, “3 có”, chương trình “4 an” của thành phố.

"Các tiêu chí mới về xây dựng gia đình văn hóa gồm no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc thì khái niệm hạnh phúc bao trùm lên nhiều tiêu chí khác. Tuy nhiên, hạnh phúc còn phụ thuộc vào tầng nấc nhu cầu, đặt trên một nền tảng cơ sở kinh tế xã hội nhất định của thành phố. Khái niệm hạnh phúc vừa mở vừa động: “mở” là dung nạp những yếu tố mới, còn “động” là luôn chuyển động phụ thuộc vào lát cắt đồng đại của thành phố như chi tiêu hợp lý, cộng đồng thân thiện… Hiện chương trình “5 không, 3 có” của thành phố hướng tới gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc; chương trình “4 an” hướng tới gia đình an hòa, cộng đồng chan hòa, an tâm, hạnh phúc"

TS. Phạm Đi, khoa Xã hội học, Học viện Chính trị khu vực 3, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trong phong trào khuyến học, khuyến tài của địa phương,, ông Cử đã vận động quyên góp 10 xe đạp hỗ trợ các học sinh nghèo hiếu học. Đối với công tác vận động Quỹ "Vì người nghèo", ông tích cực vận động nhân dân khối phố tham gia xây dựng quỹ với số tiền 7,6 triệu đồng trong năm 2020 để hỗ trợ các gia đình chính sách và tham gia xây dựng phong trào “Góp đá xây Trường Sa” với số tiền hằng năm hơn 2,5 triệu đồng. Sự đi đầu của gia đình ông Cử chính là tấm gương cho các hộ trên địa bàn tổ và phường học tập.

Trong khi đó, gia đình bà Phùng Thị Hương (ở tổ 20, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) luôn xác định trước hết xây dựng gia đình mình phải tốt, thực hiện nghiêm các tiêu chí về tiêu chuẩn của danh hiệu Gia đình văn hóa. Mọi thành viên trong gia đình phải hòa thuận, tôn trọng lẫn nhau và làm tốt vai trò của mình, đó là ông bà mẫu mực, vợ chồng hòa thuận để làm gương cho con, cháu.

Đặc biệt, gia đình bà Hương rất coi trọng giá trị tri thức đối với giáo dục nhân cách và con đường lập nghiệp. “Là những người lớn tuổi, chúng tôi luôn gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, thuần phong mỹ tục, tình làng nghĩa xóm, mẫu mực trong học tập và lao động, phát triển kinh tế. Chúng tôi luôn phấn đấu để trở thành trụ cột về tinh thần trong gia đình, khuyên con cháu phải hiếu thảo và tôn trọng gia đình. Trong gia đình, các thế hệ luôn thấm nhuần đạo lý: Hạnh phúc gia đình là tài sản lớn nhất trong cuộc đời mỗi con người”, bà Hương chia sẻ.

Bên cạnh chăm lo tổ ấm, bà Hương còn tích cực tham gia công tác từ thiện của địa phương. Từ năm 2012-2020, hằng tháng bà tiết kiệm chi tiêu, tham gia các hoạt động để đóng góp quỹ Bếp ăn tình thương do UBND phường Hòa Thọ Đông thành lập. Gần 10 năm qua, Bếp ăn tình thương của phường được các nhà hảo tâm ủng hộ gần 4,5 tỷ đồng với hơn 300.000 suất ăn cho các bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa quận Cẩm Lệ, Bệnh viện Đa khoa huyện Hòa Vang và các bệnh viện khác trên địa bàn Đà Nẵng. Những việc làm của gia đình bà Phùng Thị Hương và ông Huỳnh Đắc Cử không chỉ làm tấm gương cho con cháu trong gia đình học tập mà còn góp phần lan tỏa phong trào xây dựng gia đình văn hóa đến cộng đồng dân cư.  

Phụ nữ là ngọn lửa sưởi ấm gia đình

Phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc, giáo dục con cái và xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc. Bà Nguyễn Hà Thu, Trưởng ban Gia đình, xã hội và kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố cho biết, để phát huy vai trò của phụ nữ trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, hội thường xuyên chỉ đạo các cấp hội phối hợp với sở, ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở tổ chức các hoạt động tuyên truyền về ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3), ngày Gia đình Việt Nam (28-6), ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25-11)... Bên cạnh đó, hội đẩy mạnh lồng ghép thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giúp các gia đình hội viên phấn đấu đạt và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa.

Thông qua sinh hoạt chi hội, tổ hội, Hội LHPN thành phố triển khai tuyên truyền Đề án 343 “Giáo dục phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đề án 279 “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”, cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”… Qua đó, các hội viên có cơ hội chia sẻ, nâng cao kiến thức về giới, bình đẳng giới và nuôi dạy con tốt. Các cấp hội còn sáng tạo nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả, tiêu biểu như CLB “Gia đình hạnh phúc”, CLB “Phòng, chống bạo lực gia đình”, CLB “Nam giới tiên phong phòng chống bạo lực gia đình”, CLB “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”… Nhiều mô hình thu hút nam giới tham gia, từ đó nêu cao ý thức trách nhiệm chia sẻ với phụ nữ trong gia đình và hỗ trợ phụ nữ trong các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc.

“Chúng tôi luôn xác định phụ nữ giữ vai trò quan trọng trong việc chăm sóc và giáo dục con cái, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc. Tầm quan trọng này không chỉ xuất phát từ vị trí đặc biệt của chức năng giáo dục, xã hội hóa của gia đình, mà còn vì sự ảnh hưởng của người mẹ tới việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Ở thời đại nào, người phụ nữ cũng chính là "ngọn lửa" sưởi ấm gia đình, luôn quan tâm, chăm sóc các thành viên trong gia đình, duy trì, vun đắp những giá trị văn hóa gia đình. Ngày nay, nhiệm vụ của người mẹ không đơn thuần là chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ mà còn tham gia vào quá trình định hướng, hình thành nhân cách cho con, đồng thời còn là người “giữ lửa” để góp phần xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, bà Nguyễn Hà Thu nhấn mạnh.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Ngô Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội LHPN quận Cẩm Lệ cũng cho rằng, phụ nữ có vai trò nuôi dạy con cái, là người “giữ lửa” hạnh phúc gia đình. “Trong các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, mỗi tiêu chí đều có vai trò quan trọng. Nhưng theo tôi, tiêu chí tiến bộ là quan trọng nhất bởi người phụ nữ trang bị kiến thức, tri thức và kỹ năng thì họ mới có điều kiện để tổng hợp các yếu tố còn lại để phát triển kinh tế no ấm và bình đẳng, qua đó xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ trên mọi mặt chứ không riêng bình đẳng giới”, bà Trang giải thích.

"Các tiêu chí no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là những tiêu chí chuẩn nhằm bảo đảm mục tiêu xây dựng gia đình văn hóa - gia đình hạnh phúc. Trong đó, tiêu chí gia đình no ấm là điều kiện quyết định hàng đầu. Do vậy, việc nâng cao năng lực gia đình trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập là vấn đề rất quan trọng, cần được quan tâm. Các tiêu chí no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc không những thể hiện tính bền vững của gia đình mà còn phản ánh sự phát triển của gia đình, phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại. Các tiêu chí này luôn gắn kết chặt chẽ hữu cơ với nhau, hỗ trợ tác động lẫn nhau làm nên những tế bào xã hội tốt đẹp"

Bà Nguyễn Hà Thu, Trưởng ban Gia đình, xã hội và kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.