Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhịp sống của mọi gia đình. Nhưng khổ nhất có lẽ là những đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới phải tự chăm sóc, bảo ban nhau khi ba mẹ vắng nhà. Thậm chí, có không ít trường hợp bệnh nhi Covid-19 phải vào viện một mình, không người thân bên cạnh.
Bệnh nhi 3691 xuất viện trong ngày 1-6-2021. (Ảnh do Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cung cấp) |
1. Gần nửa tháng nay, hai anh em Cún (13 tuổi) - Muội (6 tuổi) phải tự chăm sóc nhau khi mẹ là F1 phải đi cách ly tập trung, bố trực chiến trong doanh trại quân đội không được về nhà.
Đêm đầu tiên ba mẹ vắng nhà, Cún, Muội chưa hiểu chuyện nên òa khóc nức nở, chị Bùi Thị D. (phường
Mân Thái, quận Sơn Trà) phải liên tục gọi điện động viên con. Đêm thứ hai, theo thói quen, buồn ngủ là hai đứa kéo nhau vào phòng nằm, quên cả chuyện đóng cửa, tắt điện bên ngoài khiến hàng xóm phải qua nhắc. Chị D. trong khu cách ly hay tin, lo lắng đứng ngồi không yên. “Bé Muội mới học lớp 1, còn nhỏ, chưa biết gì khiến mình rất lo. Có sáng, nó gọi mãi anh Cún không dậy nên tự ra ngoài nấu nước sôi pha mì gói vì đói bụng. Mình sợ nước sôi đổ lên người con, nóng ruột lắm nhưng không làm gì được, chỉ biết gửi gắm bà con hàng xóm”, chị D. lo lắng.
Ngày thường, hai anh em Cún, Muội vừa chơi, vừa chí chóe cãi nhau, nay ba mẹ ở xa, hai anh em đã biết nhường nhịn và bày trò chơi cùng nhau, biết vào bếp rửa chén, dọn dẹp nhà cửa. Nhất là cô bé Muội, chưa ngày nào xa ba mẹ nên cứ nhìn ra cửa, hỏi anh: “Khi nào ba mẹ mới về?”.
Biết vợ chồng chị D. vắng nhà, lãnh đạo các cấp, hội, đoàn thể phường Mân Thái cùng bà con hàng xóm thường xuyên qua lại trông nom, mua đồ ăn, thức uống cho hai đứa. Ông Nguyễn Lâm Hà, Chủ tịch UBND phường Mân Thái cũng đến tận nhà chị D., dặn hàng xóm “để mắt thường xuyên”, đồng thời yêu cầu các cấp, hội, đoàn thể quan tâm đặc biệt.
“Sau khi nắm thông tin, biết hoàn cảnh vợ chồng chị D. vắng nhà, không có người thân gửi con nên chúng tôi đã nhờ cậy hàng xóm và Hội Phụ nữ quan tâm, giúp đỡ việc đi chợ, nấu ăn cho hai cháu nhỏ, tối sang ngủ cùng, nếu có đau ốm sẽ có lực lượng y tế hỗ trợ”, ông Nguyễn Lâm Hà cho hay.
Mỗi ngày, chị D. chỉ gọi video vài phút cho các con rồi chuyển sang nhắn tin vì sợ các con nhìn thấy mẹ qua điện thoại sẽ mủi lòng. “Thật sự tôi mong từng phút, từng giây vì hai con không có ba mẹ kề cận chăm sóc. Tôi đã trải qua hai lần xét nghiệm âm tính, đang chờ lần xét nghiệm thứ ba và hoàn thành cách ly 21 ngày để về với con. Hôm 1-6, tôi rất vui khi mấy chị bên Hội Phụ nữ mang quà đến tặng con. Tụi nhỏ gọi điện khoe khiến tôi rơi nước mắt vì thương và nhớ”, chị D. chia sẻ qua điện thoại.
2. Đối mặt với muôn vàn nỗi lo cháy nổ, phỏng nước sôi…, nhiều gia đình vì hoàn cảnh phải để con nhỏ ở nhà một mình trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
Chị Châu An (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) nói, hơn tháng nay con chị nghỉ học, ở nhà một mình để ba mẹ đi làm. Để quản lý cậu con trai 6 tuổi từ xa, vợ chồng chị An mua cho con chiếc điện thoại Nokia có chức năng nghe, gọi, nhắn tin.
“Như nắm cả thế giới trong tay, cứ mấy chục phút, Dế (tên ở nhà của con chị - PV) lại gọi điện, nói đủ thứ chuyện. Nhắn tin thì nhiều vô kể, mà tin nào cũng “Dế yêu bố”, “Dế yêu mẹ”, “Dế nhớ bố”, “Dế nhớ mẹ”, thương lắm”, chị An chia sẻ.
Con trai chị Châu An (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) làm việc nhà khi ba mẹ đi vắng. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Theo chị An, thời gian ở nhà một mình, Dế không làm vợ chồng chị thất vọng. Cả ngày cậu bé làm bạn cùng sách, đồ chơi và dành thời gian dọn dẹp nhà cửa. Mỗi buổi đi làm về, mở cửa ra thấy căn phòng được Dế ở nhà dọn dẹp gọn gàng, ngăn nắp, sách thì cứ đều đều mỗi ngày đọc một cuốn, ngồi yên trong nhà chờ khoảnh khắc bố mẹ về mở cửa là chạy ra ôm, nói lời nhớ nhung đủ kiểu.
Nhiều người bạn khi biết chuyện, đã đề nghị chị An chở Dế qua nhà chơi, tránh để cậu con trai 6 tuổi ở nhà một mình. Tuy nhiên, theo chị An, vốn dạy con tự lập từ nhỏ, nên chị tin con trai sẽ làm tốt khi ở nhà một mình.
“Mình luôn dặn dò con phải ngoan, tránh xa những vật dụng nguy hiểm, không mở cửa cho người lạ. Để con không phải loay hoay chờ ba mẹ, mình tập giao việc cho con, như nhặt hết rổ rau, dọn sạch nhà cửa, sắp xếp lại đồ đạc cá nhân. Ngược lại, thỉnh thoảng khi về nhà, mình sẽ mua đồng quà, tấm bánh khen thưởng, động viên con”, chị An nói.
Tương tự, mỗi ngày khi ba mẹ đi làm, cô bé M.T (10 tuổi) ở nhà với cậu em trai 4 tuổi. Bình thường M.T chỉ biết cắm cơm, nay phải phụ mẹ cho em ăn, chơi với em cả ngày. Từ ngày phải ở nhà một mình để ba mẹ đi làm, lịch sinh hoạt của hai chị em M.T đảo lộn. Buổi ăn sáng thường kết thúc sau 9 giờ 30 và chỉ đi ngủ sau 23 giờ. Để bày trò cho tụi nhỏ chơi với nhau, vợ chồng anh L.P.T (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) thường xuyên mua đồ chơi chung. Nhưng trẻ con thường chơi một món đồ vài ngày thì chán, lại chí chóe, la hét khắp nhà.
3. Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 năm nay, bệnh nhi Covid-19 đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang nhận được một món quà đặc biệt, đó là chiếc bánh kem hình trái tim có ghi dòng chữ “Chúc mừng Quốc tế thiếu nhi, bệnh nhi Bệnh viện Hòa Vang”. Trong đợt dịch lần này, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang tiếp nhận điều trị 14 bệnh nhi, đến nay đã có 4 bệnh nhi xuất viện. Trưa 1-6, các y bác sĩ làm nhiệm vụ chăm sóc tại đây đã tổ chức Tết thiếu nhi cho 10 bệnh nhi còn lại, kèm theo các phần quà từ Sở Y tế và các nhà hảo tâm trên địa bàn.
Thạc sĩ - Bác sĩ CKII Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế Hòa Vang cho biết, trong đợt dịch lần này, bệnh viện đón khá nhiều trẻ đến điều trị do mắc Covid-19, trong đó có em bé sinh năm 2020, con một gia đình có 5 người mắc Covid-19. “Nhiều đứa trẻ đến viện một mình do người thân phải cách ly tập trung hoặc điều trị Covid-19 ở địa điểm khác. Ê-kíp bác sĩ, điều dưỡng vừa chăm sóc, vừa bầu bạn, bày trò chơi để các cháu cảm thấy thoải mái như ở nhà.
Theo bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, chiếc bánh kem lần này thiết kế khá đặc biệt, là những phần bánh nhỏ được xếp thành hình trái tim nằm cạnh nhau. Ngoài thông điệp “cùng nhau vượt qua dịch bệnh”, các y, bác sĩ còn giúp các bé tự chọn cho mình một chiếc bánh ưng ý mà không ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch.
Được biết, trong suốt thời gian điều trị Covid-19, các bệnh nhi tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang được đội ngũ y, bác sĩ đặc biệt quan tâm. Họ khuyến khích các em vẽ tranh, viết thư cho ba mẹ. Vài em tập tành viết nhật ký và khoe sẽ cho ba mẹ đọc khi trở về nhà.
Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh cho rằng, để một đứa trẻ đang tuổi hiếu động tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị Covid-19 không đơn giản, chưa kể nhiều bệnh nhi khi mới vào viện thường xuyên quấy khóc, không chịu đeo khẩu trang 24/24 giờ. Tuy nhiên, bằng tình thương của những người làm cha làm mẹ, đang phải xa con, đội ngũ nhân viên y tế luôn cố gắng dành những gì tốt nhất, đẹp nhất cho các em.
Có thể nói, những đứa trẻ phải rời xa vòng tay bảo bọc của ba mẹ, dù bất kỳ hoàn cảnh nào, thời gian bao lâu đều chịu thiệt thòi. Duy có một điều, tạm chia xa để trở về trong vòng tay yêu thương là điều mà mọi người mong chờ nhất. Giống như niềm hân hoan của cậu bé 8 tuổi, bệnh nhi Covid-19 3691 điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, khi trong ngày 1-6, ngoài phần quà xuất viện, em còn được nhận thêm một phần quà đặc biệt dành cho thiếu nhi trước khi lên xe và trở về nhà.
TIỂU YẾN