Gọi tên những "Khát vọng Dế Mèn"

.

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn (gọi tắt là giải Dế Mèn) cho thấy hướng đi đúng đắn để tìm kiếm, tôn vinh những tác giả có những tác phẩm hay dành cho thiếu nhi. Ngày 1-6, lễ công bố và trao giải Dế Mèn lần 2 đã được tổ chức tại Hà Nội.

Nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa, Trưởng Ban tổ chức giải (bìa trái) và nhạc sĩ - giám khảo Nguyễn Thụy Kha (bìa phải) trao giải Khát vọng Dế Mèn cho nữ NSND Phương Hoa và Phan Đức Tuấn - đồng tác giả kịch bản Khúc gỗ mục.
Nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa, Trưởng Ban tổ chức giải (bìa trái) và nhạc sĩ - giám khảo Nguyễn Thụy Kha (bìa phải) trao giải Khát vọng Dế Mèn cho nữ NSND Phương Hoa và Phan Đức Tuấn - đồng tác giả kịch bản Khúc gỗ mục.

1. Được khởi xướng từ năm 2020, từ mùa giải đầu tiên, giải Dế Mèn (do Báo Thể thao và Văn hóa tổ chức) đã được dư luận chú ý. Nhiều ý kiến cho rằng, giải xuất hiện đúng lúc để khuấy động đời sống văn học - nghệ thuật cho thiếu nhi vốn đang có dấu hiệu trầm lắng.

Trong mùa giải đầu tiên, Giải thưởng Lớn mang tên Hiệp sĩ Dế Mèn (Cricket Knight) đã được trao cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với tác phẩm Làm bạn với bầu trời cùng sự nghiệp sáng tác cho thiếu nhi với 40 đầu sách.

4 giải Khát vọng Dế Mèn (Cricket Desire) được trao cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung với chùm bài hát cho thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Chí Ngoan với bản thảo tập truyện ngắn Mộng giang hồ, hai tài năng nhí là Cao Khải An (12 tuổi) với bản thảo truyện dài Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm và Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi) với chùm tranh về Covid-19.

Bước sang mùa thứ hai, bất chấp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, giải Dế Mèn đã thu hút gần 120 tác phẩm gửi dự thi hoặc được đề cử ở hầu hết các lĩnh vực, từ văn học, phim hoạt hình, mỹ thuật, âm nhạc, truyện tranh.

16 tác phẩm tiêu biểu lọt được chọn vào vòng chung khảo, trong đó có 8 tác phẩm văn học (gồm cả truyện tranh), 2 tác phẩm mỹ thuật, 3 bộ/series phim và 3 tác phẩm âm nhạc.

Dù có vẻ “được mùa” bởi số lượng tác phẩm tham gia nhiều hơn, đa dạng hơn năm ngoái, nhưng Hội đồng giám khảo do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam làm Chủ tịch đã không chọn được tác phẩm để trao giải thưởng lớn “Hiệp sĩ Dế Mèn”.

Chỉ có 5 giải đồng hạng “Khát vọng Dế Mèn” được trao cho tiểu thuyết Đi trốn (NXB Hội Nhà văn) của nhà văn Bình Ca; phim hoạt hình Khúc gỗ mục của Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam do NSND Nguyễn Thị Phương Hoa làm đạo diễn và họa sĩ (biên kịch: Phan Đức Tuấn - Nguyễn Thị Phương Hoa; biên tập: Bùi Hoài Thu; nhạc sĩ: Trọng Đài); chùm tranh về thiên nhiên và cuộc sống của hoạ sĩ nhí Xèo Chu (tên thật Phó Vạn An, SN 2007); truyện tranh Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! (NXB Hội Nhà văn) của Mèo Mốc (Đặng Quang Dũng); bộ truyện Khác biệt mới tuyệt làm sao (NXB Kim Đồng) của Nguyễn Hoàng Vũ và các họa sĩ Gà’s little world, Hoàng Trung, Ru-oi, Linh Vương.

2. Lý giải về việc không có giải thưởng lớn Hiệp sĩ Dế Mèn ở mùa hai, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Trong năm cũng có một số tác giả “cây đa cây đề” ra sách mới, nhưng rất tiếc không có những sáng tác mới như tiêu chí của giải. Chúng tôi luôn giữ tiêu chí: Tác giả được vinh danh “hiệp sĩ” thì bất kể đã có bề dày sáng tác ra sao, vẫn phải có tác phẩm xuất sắc được sáng tác trong năm trao giải. Có như vậy, sự vinh danh mới khuyến khích được các tác giả kỳ cựu đầu tư những sáng tác mới nhằm nâng tầm nền văn học - nghệ thuật dành cho thiếu nhi của nước nhà. Đã là “Hiệp sĩ” thì phải sung sức trong sáng tác”.

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, ngay cả giải của các hội chuyên ngành hay hội địa phương hằng năm, xét trên tất cả các mảng đề tài nhưng vẫn rất khó khăn trong việc tìm kiếm tác phẩm hay và có những năm... mất mùa, huống chi giải Dế Mèn được tổ chức mỗi năm một lần, lại chỉ tập trung đề tài/chủ đề thiếu nhi. Đó là một mảng chủ đề luôn bị cho là thiếu vắng tác phẩm hay, thiếu vắng người viết.

“Một mùa giải Dế Mèn đã khép lại, dù không có giải “Hiệp sĩ”, nhưng những tác phẩm giành giải “Khát vọng Dế mèn” cũng là những dấu ấn đậm nét trong bức tranh nghệ thuật của thiếu nhi trong năm qua. Có thể nói, đời sống sáng tác cho thiếu nhi có mặt bằng khá cao nhưng đỉnh thì chưa có”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét.

Đồng quan điểm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên Hội đồng giám khảo cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi năm nay không có giải Hiệp sĩ Dế Mèn.

“Tuy nhiên, những giải Khát vọng Dế Mèn đều rất xứng đáng. Tôi cho rằng, giải thưởng đã thành công bởi mỗi năm chúng ta không dễ dàng tìm ra được một tác phẩm xuất sắc, một cuốn sách thật đặc biệt để trao giải cao nhất” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

THƯ HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.