Hiện tại là một món quà

.

Ráng chiều đỏ ối trên rặng cây sau nhà, tiễn những người khách đến viếng đám tang ba của bạn về, bạn lại ngồi cạnh tôi. Giọt nước mắt bạn cứ chực trào dù đã cố nén lại, nhưng đến khi bạn đưa cho tôi xem bức ảnh sau cùng của ba mà đứa em tình cờ chụp lại, bạn bật khóc nức nở.

Tôi hiểu tâm trạng của bạn khi nhìn bức ảnh ba ngồi ăn cơm hộp mua ở căng-tin bệnh viện, đó là chiều mùng 3 Tết. Tôi nhớ chỉ vài ngày trước đó, khi mùa xuân vừa chạm ngõ, bạn nhắn tin báo về tình trạng của ba. Bằng chút kiến thức ít ỏi từ vài lần tiễn người thân về cõi vĩnh hằng, tôi đã linh cảm đến những điều không tiện nói, chỉ khuyên bạn nên ở bên cạnh ba mình nhiều hơn.

Rồi phải bao nhiêu cái Tết trôi qua nữa, bạn mới quên được hộp cơm ngày mùng 3 mà người cha kính yêu của bạn ngồi ăn bên hành lang bệnh viện buồn tẻ? Trong khi ấy, bạn ở nhà làm gì? Bạn bị cuốn vào sự háo hức vui xuân của hai đứa con nhỏ.

Bạn nghĩ, đã có em trai ở với ba; đợi ba mạnh khỏe xuất viện về, lúc đó đám nhỏ cũng đến trường, bạn sẽ qua lại chăm sóc ba. Có ngờ đâu ba ra đi khi mùa xuân còn vàng rực trên những tán mai trước hiên nhà, chẳng kịp “đợi ít bữa nữa” như trong dự định của bạn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Một người em mà tôi quen biết cũng sớm nhận ra điều cần làm nhất cho ba mẹ. Dù khoảng cách hàng ngàn cây số, khi mẹ bệnh, cô vẫn thu xếp về ở bên cạnh mẹ. Hàng xóm ai cũng tấm tắc khen, con gái theo chồng rồi mà còn chu đáo với cha mẹ vậy, hiếm có lắm. Cô muốn nắm lấy bàn tay mẹ, tiễn đưa mẹ chặng cuối cùng để mẹ khỏi thấy cô độc.

Thế nhưng, khi cô vừa trở về trong Nam, mẹ trở bệnh nặng và ra đi, chung quanh chỉ có hàng xóm. Với căn bệnh của mẹ, ra đi chỉ là sớm hay muộn và cô gần như đã làm hết sức có thể, duy chỉ một điều: Đêm trước khi cô vào Nam, mẹ nói con gái ngủ cùng mẹ một đêm. Cô đã chối từ. Cô cứ nghĩ mình vào Nam vài ngày rồi ra lại. Khi đó, muốn ngủ chung cùng mẹ lúc nào mà chẳng được. Có ngờ đâu đó là mong muốn cuối cùng của mẹ, với đứa con mẹ thương yêu.

Tôi còn nhớ câu nói đã chạm vài trái tim tôi khi xem một bộ phim: Bao lâu rồi bạn không chụp hình cùng ba mình? Bao lâu rồi bạn không nói lời xin lỗi khi bản thân thấy có lỗi… Tôi cũng nằm trong số những người không quen cách thể hiện tình cảm, nên mọi thứ có trong lòng cũng chỉ để đấy. Mãi đến khi tôi trở về nhà, khi ấy ba tôi đã được người thân tắm rửa, thay đồ, nằm yên trên chiếc giường quen thuộc. Tôi đến ngồi cạnh ba, chạm vào bàn tay ba, hòng mong ba chỉ đang ngủ, ba sẽ lại thức giấc và mỗi khi tôi từ xa trở về, ba ra mở cửa cho tôi. Nhưng bàn tay ba đã lạnh ngắt…

Thời khắc ấy, tôi cũng chỉ nghẹn ngào thốt lên “Ba ơi!”, hai tiếng giản đơn mà từ thuở ấu thơ đến ngày ba vĩnh viễn ra đi, tôi mới gọi lại. Chợt nhớ quay quắt quãng đời tuổi thơ hồn nhiên, đáng yêu với những câu hỏi của ba: Con yêu ai nhất; yêu ba nhiều như thế nào; yêu ba để ở đâu…, và những câu trả lời rất nhanh của con trẻ kèm những tiếng cười trong trẻo. Mỗi ngày ba đều hỏi, con lại trả lời như thế. Cái miệng chúm chím xinh xinh thốt ra lời yêu thương sao mà dễ dàng, cả những cái ôm thắm thiết. Vậy mà lớn lên, ra khỏi vòng tay ba, mọi ngôn từ yêu thương như bị chặn lại, vòng tay ôm ba cũng chỉ thuộc về nơi xa tít ở tuổi thơ.

Tôi có một chị bạn trước khi đi ngủ luôn tập cho con dành những cái ôm yêu thương với người thân, với mẹ, với ba, với anh chị em trong nhà. Chị muốn dạy con thể hiện cảm xúc yêu thương. Ngoài ra, chị còn có một ý khác thầm kín rằng, lỡ biết đâu sáng mai thức giấc chẳng thể làm được điều đơn giản đó.

Vậy nên, trong cuộc sống bộn bề lo toan, nếu có thể tạm ngừng công việc, tạm ngừng những việc cho riêng mình để dành sự quan tâm người thân, bạn đừng chần chừ. Hãy thể hiện tình yêu thương của mình ngay trong hôm nay, vì hiện tại mới chính là món quà mà chúng ta cần nâng niu nhất.

ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.