Kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2021)

Tương lai của báo in

.

Tại hội nghị thượng đỉnh tòa soạn quốc tế năm 2010 ở London (Anh), Arthur Sulzberger - biên tập viên của tờ New York Times phát biểu: “Chúng tôi sẽ ngừng in New York Times vào một thời điểm nào đó trong tương lai”. Sự thừa nhận của biên tập viên một trong những tờ báo hàng đầu thế giới chỉ là một phần nhỏ trong cuộc tranh luận về “ngày phán quyết” của báo in kéo dài từ đầu những năm 2000 đến nay.

Ngành công nghiệp báo chí phải đối mặt với 2 cuộc khủng hoảng đồng thời. Đồ họa: T.D
Ngành công nghiệp báo chí phải đối mặt với 2 cuộc khủng hoảng đồng thời. Đồ họa: T.D

Như chúng ta thấy, báo in đến nay vẫn sống khỏe, ngay cả khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp khác. Vậy câu chuyện về “cái chết” của báo in chỉ là lời phóng đại, hay viễn cảnh ảm đạm đang chờ đón loại hình báo chí lâu đời nhất này?

Cuộc khủng hoảng kép

Sự xuất hiện của internet khiến môi trường truyền thông thay đổi nhanh chóng. Miếng bánh truyền thông bây giờ được chia cho nhiều thành viên mới tham gia. Tại Mỹ, lượng phát hành báo bắt đầu sụt giảm trung bình 8,7% hằng năm trong giai đoạn 2007-2009. Thị trường báo in ở châu Âu cũng đối mặt với những áp lực do lượng độc giả và doanh thu quảng cáo giảm. Trong giai đoạn đầu tiên 2007-2009, lượng phát hành báo tại Vương quốc Anh giảm 25%, tại Hy Lạp giảm 20% và tại Ý là 18%.

Trong kỷ nguyên số, thói quen người tiêu thụ thông tin có nhiều thay đổi. Các nền tảng số cho phép người đọc tiếp cận nhiều nguồn thông tin trên nhiều nền tảng khác nhau, cá nhân hóa bảng tin của mình với nhiều công nghệ mới. Hơn nữa, các nội dung trên internet đa phần đều miễn phí, giúp người đọc dễ tiếp cận hơn. Các nhà quảng cáo cũng rời bỏ những nơi ít tập trung công chúng và đến với những “địa điểm” đông người hơn là mạng xã hội và công cụ tìm kiếm.

Sự kết hợp của các yếu tố này gây ra nhiều thách thức cho ngành công nghiệp báo in của thế giới. Nhiều tờ báo phải chia tay với những cây bút kỳ cựu do không đủ kinh phí để trả lương. Một số cơ quan báo chí phải tìm cách xây dựng hệ thống thu phí online, hoặc phải sáp nhập với các cơ quan khác để tồn tại.

Thay đổi để tồn tại

Nhiệm vụ chính của báo in là cần tìm được vị trí của mình trong không gian thông tin đầy biến động này. Một trong những ưu tiên quan trọng của nhiều tờ báo là phát triển đa phương tiện và đa nền tảng, dựa trên việc sản xuất và phân phối nội dung chất lượng cao bằng tất cả phương tiện đang có. Điều này đòi hỏi những thay đổi về tổ chức lẫn tài chính, nhưng hiệu quả về việc thu hút độc giả là điều không thể phủ nhận. Theo đó, các tòa soạn tập trung xây dựng thêm những kênh phân phối nội dung đến độc giả với phương châm:“Nếu nội dung là vua thì phân phối đa nền tảng là vị chúa toàn năng”.

Trong những năm gần đây, các nền tảng phân phối nội dung cũng có nhiều đổi thay. Trước đây, tòa soạn có thể yên tâm rằng mình chưa lạc hậu nếu có thêm phiên bản điện tử cho các tờ báo in, thì chỉ sau đó không lâu, độc giả đã nhanh chóng chuyển việc đọc tin trên website sang đọc tin trên mạng xã hội. Và đến thời điểm này, kênh ưu tiên tiêu thụ thông tin của công chúng lại là các ứng dụng nhắn tin trên điện thoại di động.

Quan trọng vẫn là thương hiệu

Việc xây dựng tòa soạn đa phương tiện là quan trọng, nhưng nhiều tòa soạn chạy đua chuyển đổi số mà quên chăm chút cho các sản phẩm truyền thống. Điều này dẫn đến việc các thương hiệu báo chí trở nên nhạt nhòa ở tất cả các kênh. Người đọc tìm đến những thương hiệu quen thuộc, bởi thương hiệu là vật bảo chứng cho chất lượng, chẳng hạn như trong những sự kiện quan trọng như Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) và bầu cử Tổng thống Mỹ, độc giả vẫn có xu hướng tìm đến các phương tiện thông tin truyền thống.

Tập trung hơn vào nội dung để khẳng định chất lượng cũng là xu hướng chủ đạo của ngành công nghiệp in ấn Mỹ. Xu hướng này đã làm hồi sinh các bookazines (tạp chí sách) - tập hợp các bài báo về một chủ đề (sự kiện đáng nhớ, các bài viết hay nhất, công thức nấu ăn…) được xuất bản không thường xuyên. Một trong những dự án tạp chí sách thành công nhất là Magnolia Journal của nhà xuất bản Meredith kết hợp với 2 ngôi sao truyền hình nổi tiếng là Joanna và Chip Gaines. Cuốn tạp chí này lần đầu ra mắt vào tháng 10-2016 và được bán với giá 7,99 USD. Một tuần sau khi ra mắt, Nhà xuất bản Meredith đã phải in thêm 200.000 bản.

4 xu hướng phát triển

Hiệp hội Báo chí Thế giới đã xác định 4 kịch bản khả quan cho sự phát triển của ngành truyền thông về mặt chuyển đổi giá trị của sản phẩm thông tin. Các tòa soạn có thể xem xét cả 4 phương án này để tìm lối đi cho mình trong kỷ nguyên số.

Đầu tiên là mô hình “người sản xuất kiêm tiêu thụ thông tin”. Trong kịch bản này, người tiêu dùng không còn hứng thú với nội dung thông tin được tạo ra một cách chuyên nghiệp, mà bị lôi cuốn bởi nội dung do chính người dùng tạo ra. Mô hình của kịch bản ngày nay có thể được gọi là mạng Facebook. Nhà báo chỉ là người gợi ý chủ đề thông tin, còn tác giả là công chúng. Mô hình này có lợi thế lớn trong việc thu hút tương tác của độc giả, nhưng tính chuyên nghiệp sẽ là điều bị hy sinh đầu tiên.

Mô hình “phi đại chúng” tái tạo các xu hướng hiện có với việc dần dần cá nhân hóa nội dung cho một người tiêu dùng cụ thể. Các tờ báo định hướng rộng sẽ nhường chỗ cho các tờ báo định hướng hẹp hơn, hướng đến nhóm độc giả chuyên biệt hơn. Hướng đi này sẽ gây nhiều khó khăn cho các nhà quảng cáo đại chúng, bởi nhóm độc giả tiếp cận các sản phẩm chuyên biệt sẽ ít hơn, nhưng bù lại, hiệu quả chuyển đổi của quảng cáo trên các kênh chuyên biệt sẽ cao hơn.

Ở mô hình “phát hành miễn phí”, các nhà quảng cáo lớn nhất đang mua lại các kênh truyền thông, vì chúng dễ dàng làm việc trực tiếp với người tiêu dùng hơn là trả tiền cho phương tiện truyền thông để tiếp cận khán giả. Lúc này, độc giả có cơ hội đọc báo miễn phí, bởi các nhà quảng cáo sẵn sàng bù đắp phí phát hành để nội dung đến được với độc giả. Tuy nhiên, hướng đi này tiềm ẩn những hiểm nguy xét từ góc độ đạo đức nghề báo. Những ấn phẩm được phát hành miễn phí sẽ có nguy cơ mất đi ranh giới giữa nội dung quảng cáo và nội dung báo chí, gây hoang mang cho độc giả.

Mô hình “sống nhờ độc giả” - kịch bản giả định rằng người tiêu dùng sẽ trả tiền cho một sản phẩm không có quảng cáo. Quảng cáo đại chúng rời bỏ phương tiện truyền thông chuyển sang các nhà trung gian công nghệ. Cái khó của mô hình này là không nhiều tờ báo có đội ngũ phóng viên đủ chất lượng để tạo ra những sản phẩm báo chí độc nhất vô nhị, khiến độc giả không tiếc tiền trả.

Báo in sẽ không chết. Các chuyên gia dự đoán rằng thị trường báo in toàn cầu sẽ tăng từ 287,87 tỷ USD năm 2020 lên 313,28 tỷ USD vào năm 2021 (tốc độ tăng trưởng dự kiến ​​là 8,8%). Châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là khu vực có thị phần báo in lớn nhất thế giới (37% thị phần toàn cầu). Nhưng để có thể phát triển bền vững trong nhiều năm tới, mỗi tòa soạn sẽ cần chọn cho mình chiến lược phát triển hợp lý, dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến và sự thấu hiểu tâm lý độc giả sâu sắc.

Hiệu ứng của thương hiệu
Việc phát triển thương hiệu giúp các tờ báo tìm được nguồn thu thay thế nguồn thu từ quảng cáo không còn hiệu quả. Cách thường được các tòa soạn uy tín sử dụng là khai thác “hiệu ứng thương hiệu”. Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức cung cấp sản phẩm là kho lưu trữ trực tuyến khổng lồ với các công cụ tìm kiếm mạnh mẽ đối với các độc giả sẵn sàng trả phí. Dịch vụ này phù hợp với phân khúc độc giả trung thành của tờ báo - các doanh nhân, nhà phân tích tài chính. Các tờ báo chuyên biệt khác cũng khai thác thêm các dịch vụ liên quan tài chính, y tế, sức khỏe, ô-tô, bất động sản..., và cung cấp những thông tin đặc biệt này qua các ấn phẩm đặc biệt.

Một cách khác để mở rộng thương hiệu của báo chí là sử dụng tên báo trên các sản phẩm khác để tăng độ uy tín cho các sản phẩm đó. Süddeutsche Zeitung - tờ nhật báo quốc gia của Đức đã tạo ra “SZ Edition” để giới thiệu sách và phim nổi tiếng không thuộc phân khúc “bom tấn”. Mỗi tháng Süddeutsche Zeitung đề xuất danh sách các cuốn sách và bộ phim đáng xem; khách hàng có thể đăng ký mua những sản phẩm này trên website của tờ báo. Hai tờ Financial Times và The Guardian cũng sử dụng mô hình tương tự để giúp các nhà xuất bản bán sách.

TRẦN DUY
Giảng viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

;
;
.
.
.
.
.