Lung Linh

.

Minh xoay xoay ly nước bằng những ngón tay thon dài, nó phát tướng nhanh ngỡ ngàng với cái “bụng bia” vượt ngực, những nếp nhăn nơi đuôi mắt cũng nhiều thêm, duy chỉ có thói quen này là không thay đổi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

- Bác gái nói, mày mà lấy vợ thì bác mới yên tâm, của nả không dư dả nhưng cũng đủ lo trong lo ngoài, còn thiếu mỗi con dâu.

- Người già là vậy, mày còn lạ gì! - Tôi chép miệng - Vợ chứ có phải bó rau ngoài chợ đâu mà muốn là có ngay, với lại như bây giờ tao thấy cũng đủ vui.

- Mày thôi tìm cô ấy rồi à?

Tôi hơi bất ngờ vì đột nhiên Minh đổi giọng.

- Ừ, từ ba năm trước.

- Mày còn chưa quên được phải không?

- Nay sến thế - Tôi cười xòa cốt che giấu sự ngượng ngùng - Chuyện cũ xưa, ai mà nhớ mãi được.
Minh ngần ngừ:

- Tuần trước, tao đi công tác ở Hà Nội, trông thấy một người rất giống Lung Linh. Nhưng Nam này, mày

có từng nghĩ biết đâu người ta có gia đình rồi, mày cũng nên sống cuộc đời của mày.

Tim tôi bỗng hẫng đi một nhịp, rất nhẹ, nhưng những ký ức ngày cũ bỗng đua nhau ùa về.

* * *

Lung Linh là hàng xóm của tôi. Nói đúng hơn nhà nó chỉ cách nhà tôi 2 mẩu ruộng của ông Tám Tự. Nhưng tôi hiếm khi nói chuyện với nó, thậm chí gặp nhau còn giả đò ngó lơ.

Lung Linh là một đứa kỳ quái với ngoại hình trái ngược hoàn toàn với tên của nó. Tụi con gái trong lớp vẫn hay tụm năm tụm ba xì xầm về cái quần xắn gấu dày cộm, rộng thùng thình nó mặc đến trường, mà tôi chắc nó còn có thể mặc thêm 3 năm hoặc thậm chí 5 năm nữa. Tóc nó lúc nào cũng xù lên khiến chiếc đầu càng thêm quá khổ với vóc dáng nhỏ bé. Lạ lùng là có vẻ nó chả thèm để tâm những lời bàn tán từ công khai đến lén lút xung quanh.

Nó sống bình lặng, bất cần và dửng dưng, hoặc có thể, nó xem những người xung quanh như mấy cái bóng không chừng. Nhưng tôi không thể như vậy, nếu để bọn nhiều chuyện trong lớp bàn tán về việc thân thiết với một con nhỏ quái lạ thì còn gì là thanh danh nữa, nên tôi kiên quyết tránh xa Lung Linh hết sức có thể.

Rủi thay, thầy Hoàng không hay biết gì về quyết tâm sắt đá này, mà xếp tôi ngồi cạnh Lung Linh trong buổi đầu nhập học lớp 11. Thằng Hải ngồi trên tôi, quay lại ra dấu “Ngon cơm nha bồ tèo”. Tôi bĩu môi.

Tuy bị bọn học trò xa lánh, nhưng Lung Linh rất được lòng các thầy cô, chả có lý do gì hay ho ngoài việc nó học giỏi. Mà nó không giỏi lệch môn như thằng Minh, nó cân đều các môn. Tôi cũng học lệch, nhưng thay vì giỏi Toán, Lý, Hóa như Minh thì tôi là siêu sao thể dục, còn lại các môn khác đều í ẹ, may mà tôi có vẻ ngoài sáng láng vớt vát lại nên cũng được khối cô hâm mộ.

Thế là tôi vẫn hiên ngang với điểm số lẹt đẹt dù ngồi cạnh học trò sáng giá nhất lớp. Chuyện chẳng có gì đáng nói cho tới ngày ba tôi để cây roi mây lên tủ thờ, đe “Mày mà còn thêm con ngỗng nào nữa là ăn roi nha Nam”. Ba tôi rất thương con, nhưng khi ông nổi giận thì tôi vẫn ăn đòn mềm xương, mặc cho má khóc lóc can ngăn.

Hôm thi Hóa, tôi cắn răng bỏ hết danh dự nam nhi, cóp bài của Lung Linh. Tôi chép hết mấy đáp án trắc nghiệm, còn cẩn thận sửa một vài câu, lỡ đâu đúng hết, thầy Hoàng nghi ngờ thì khổ. Còn đang đắc ý vì sự “ kỹ tính” của mình thì tôi nghe Lung Linh thì thầm:

- Bộ bạn hổng học bài hả?

Tôi giật thót người, thì ra nãy giờ nó im lìm canh me tôi. Tới nước này, tôi đành mặt dày chối bay chối biến:

- Ai nói bạn, tui học từ tuần trước tới tận hôm qua, tối nào cũng học.

- Vậy sao nãy giờ bạn chép đáp án sai mà hổng biết?

Trong khi tôi trợn trừng mắt thì Lung Linh thản nhiên một tay dùng vở che bài, tay kia ra sức tẩy xóa viết lại đáp án.

Từ ngày đó, tôi ghét cay ghét đắng Lung Linh. Con nhỏ đúng là xấu tính, không cho chép bài thì thôi, đằng này còn hạ thấp danh dự của bạn bè. Đã vậy, tôi cũng không cần nể nang mà bày trò chơi xấu nó.

Tôi cố tình đi trễ khi tới phiên tôi và Lung Linh trực nhật. Trong khi tôi giả lả xin lỗi với lý do học bài khuya nên sáng ngủ quên thì Lung Linh lạnh lùng:

- Linh sẽ không để lớp dơ vì một kẻ vô trách nhiệm đâu.

Nó nói nhẹ tưng mà chữ nào nghe đau chữ đó. Thằng Hải biết được nỗi ấm ức của tôi, nó xui:

- Sao mày không dùng vẻ ngoài của mày, đẹp mã để làm gì? Con gái đứa nào chả mê mấy anh đẹp trai, ga lăng. Mày tranh thủ được tình cảm của nó thì tha hồ mà đì nhé.

Lời Hải làm tôi tỉnh ra và thay đổi chiến lược. Tôi bắt đầu tốt với Lung Linh bằng tất cả sự hào hiệp và trí thông minh của mình, nào là trực nhật luôn phần của nó, đi sớm lau bàn, công khai bênh vực nó trước những lời chọc ghẹo và thi thoảng còn cho quà bánh. Lung Linh đón nhận sự tử tế chóng vánh của tôi bằng thái độ nửa dửng dưng, nửa hoài nghi. Nó chỉ thật sự giảm bớt cảnh giác khi tôi đề nghị tình nguyện chở nó lên huyện mượn sách vào mỗi sáng Chủ nhật. Lung Linh là một con mọt sách chính hiệu, hở ra một chút là thấy nó ngồi ôm khư khư quyển sách.

- Tặng bạn nè! - Tôi chìa ra quyển Hoàng tử bé đã dốc hết tiền tiêu vặt để mua ở hiệu sách cũ trên huyện.

Lung Linh tròn mắt:

- Sao bạn lại tặng Linh?

- Tui được anh họ tặng, nghe ổng nói hay lắm, mà tui đọc tầm một trang là buồn ngủ díu mắt. Bạn đọc đi rồi kể lại tui nghe, còn sách tui tặng bạn luôn.

Tôi bịa ra câu chuyện hợp lý cho nó không nghi ngờ, duy chỉ có việc buồn ngủ díu mắt là thật. Lung Linh hào hứng đồng ý, bỏ quyển sách vào cặp với đôi mắt sáng lấp lánh. Tôi như mở cờ trong bụng “Thế là đã nắm được điểm yếu rồi nhé”.

Nghiễm nhiên, tôi được tham gia những buổi chiều đọc sách dưới gốc đa đầu làng của Lung Linh. Thói quen này của nó đã có gần chục năm nay, sau khi mẹ nó đi biệt tích. Nhắc về mẹ Lung Linh, tôi chỉ còn nhớ mang máng người phụ nữ có nét mặt khắc khổ cùng dáng đi vội vã đổ hẳn về trước. Hồi đó, chiều nào nhà Lung Linh cũng ầm ĩ tiếng cãi nhau và ném đồ đạc. Chú Năm Thành cứ rượt vợ chạy khắp xóm.

Lung Linh chạy theo phía sau gào khóc lúc thì gọi ba, khi thì kêu mẹ. Ban đầu hàng xóm còn can ngăn, hòa giải, nhưng can mãi không được nên mặc kệ. Chú Năm Thành chạy vài đường ruộng thì mệt, sẵn hơi men về nhà đánh một giấc. Lung Linh ra cây đa đầu ngõ đợi mẹ. Nhưng có một lần, Lung Linh đợi mãi mà không thấy mẹ đâu, bà Tư Thơm cấy lúa về muộn thấy con nhỏ ngồi im làm mồi cho muỗi, nói hết lời nó mới chịu về. Nhưng từ đó, chiều nào nó cũng ra ngồi ngóng mẹ…

Lung Linh nhiệt tình quá mức, hoặc ít nhất là khi bàn về sách, nó có thể nói mãi không hết chuyện. Mà cách kể chuyện của nó thu hút lạ kỳ, nó có thể kể vanh vách từng chi tiết trong một quyển sách mà không cần nhìn lại. Đến nỗi, chiều đến là tôi nhanh chóng ăn cơm chứ không đợi mẹ gào khan cổ như ngày trước, để tót ra gốc đa nghe nó kể chuyện.

Riêng với truyện Hoàng tử bé do tôi tặng, nó không chỉ kể lại mà còn khuyến mại thêm chuyên mục đọc sách, giọng Lung Linh ấm, quyện và du dương: “Nếu cậu đến, chẳng hạn như vào lúc bốn giờ chiều, thì từ ba giờ, tớ đã bắt đầu vui sướng rồi”.

Ánh chiều nhàn nhạt hắt lên khuôn mặt Lung Linh làm hai má nó ửng hồng. Nó cười tít mắt, hai mắt như nối liền tạo thành một đường chỉ nhỏ dưới chân mày, những sợi tóc lòa xòa trước trán bay bay theo gió.

Tự dưng tôi cảm thấy nó xinh vô cùng. Chắc hẳn Lung Linh không biết rằng, từ lúc sáng, khi vừa ngủ dậy, tôi đã vui sướng mong đến chiều để được ngồi bên nó dưới gốc đa này.

Ba mẹ tôi không nói gì về việc tôi thân với Lung Linh vì kết quả học tập của tôi tiến bộ hẳn. Lý do là tôi thấy xấu hổ khi đi bên cạnh cô bạn học quá giỏi. Đêm nào tôi cũng chong đèn học tới khuya nhằm bắt kịp thứ hạng với Lung Linh. Tôi còn đang giải bài toán ôn tập thì nghe tiếng gõ lên cửa sổ, ban đầu rời rạc, sau càng dồn dập.

- Nam ơi, Linh đây! Nam ơi!

Tôi vùng dậy mở cửa sổ, còn chưa kịp nói gì thì Lung Linh đã nói gấp gáp:

- Nam ơi, đưa Linh đi trốn đi, Nam ơi!

Tôi nhìn khuôn mặt giàn giụa nước mắt của Lung Linh, trấn an:

- Bình tĩnh, có chuyện gì, nói Nam nghe.

- Ba Linh… Ba Linh… bắt Linh phải đi… Linh không muốn… Mẹ về… thì sao…

Sau khi kết nối những từ rời rạc giữa tiếng nấc, tôi ra dấu cho Linh chờ rồi thận trọng nhét vài bộ quần áo và thó con heo đất vào túi vải. Tôi nhẹ nhàng dẫn xe đạp ra rồi bảo Lung Linh:

- Mình đi!

Lung Linh hối hả leo lên xe, rọi đèn cho tôi trong khi mắt nhìn dáo dác phía sau. Tôi cắm đầu nhấn bàn đạp chạy hết tốc lực. Trời đêm mát lạnh, chỉ nghe tiếng dế kêu rả rích, xa xa vẳng tiếng chó sủa, nhưng tôi cứ đạp mải miết như thể có người đang đuổi phía sau. Vừa qua được gốc đa đầu làng, chiếc xe đạp trượt đường đất hẹp, lao thẳng xuống ruộng lúa đang lên, gãy cả sườn xe. Tôi vất bừa xe ở đấy, kéo lấy tay Lung Linh hối hả chạy đến khi cả hai đứa đều mệt lả đành ghé vào một gốc cây to bên đường để nghỉ.

Con heo đất của tôi được vài trăm bạc, còn túi đồ của Lung Linh chỉ có bộ quần áo, hai quyển sách và mấy nắm cơm.

- Xin lỗi vì đã kéo Nam vào chuyện này - Nó thút thít.

- Đừng lo - Tôi lau vội khuôn mặt đầy nước mắt của nó - Mình lên huyện, một thời gian sau quay lại thì chú Năm sẽ đổi ý thôi. Trên ấy nhiều việc, không lo đói đâu.

- Có khi nào Linh sẽ gặp được mẹ ở đó không Nam? Linh nhớ mẹ lắm, sao mẹ không về Nam nhỉ, chẳng lẽ mẹ đã quên Linh rồi. Đêm nào Linh cũng mơ mẹ đi tìm Linh. Linh cứ chờ mãi vì sợ khi Linh đi mất mẹ sẽ không tìm thấy.

Lung Linh ngủ thiếp đi trong nước mắt. Tôi ngước nhìn bầu trời với những vì sao lấp lánh trên cao. Tôi không đặt hy vọng nhiều về việc mẹ Linh sẽ quay về. Tôi chỉ muốn bằng hết sức mình bảo vệ cô gái bé nhỏ bên cạnh.

Nhưng tôi chẳng cần nhọc công suy tính cho thời gian tới, trời chưa tảng sáng, người lớn trong làng đã tìm thấy hai chúng tôi. Ba mẹ tôi sau khi cúi đầu xin lỗi chú Năm Thành thì kéo tôi về nhà, chưa bao giờ tôi thấy ba giận dữ như vậy:

- Này thì bỏ nhà đi! Này thì anh hùng! Mày đã lo được thân mình chưa mà nghĩ lo được cho người ta! Lỡ con gái người ta có mệnh hệ gì, mày có đền nổi không?

Ông vung roi mây vun vút.

Tôi chỉ nhớ ánh mắt của Lung Linh khi bị chú Năm kéo về nhà, có nỗi gì đó tuyệt vọng, đau đớn lắm. Ba đánh mệt, vất cây roi mây sang bên và tuyên bố cấm cửa tôi một tháng. Mẹ vừa thoa thuốc cho tôi, vừa khóc:

- Con ơi, bây cạn nghĩ lắm. Ba mẹ nào mà chẳng thương con, chú Năm làm vậy là có cái lý của chú.

Chuyện nhà người ta, con xen vô như vậy là quấy lắm. Rồi bây định đi đâu? Học hành, tương lai, bây bỏ hết hay sao?

Trong tuần đó, chú Năm Thành chuyển đi chóng vánh, cứ như chú muốn xóa hết những gì nơi đây. Tôi không được gặp mặt Lung Linh, chỉ nghe thằng Minh kể lại rằng trông nó buồn rười rượi.

Tôi đã ngưng tìm kiếm Lung Linh hơn 3 năm, nhưng vẫn không thể ngăn mình đuổi theo những cô gái giống cô trên phố, dù chỉ là một bóng lưng hay mái tóc.

* * *

Tôi chạy xe men theo những hẻm nhỏ và dừng đúng địa chỉ Minh ghi. Bên trong hàng rào vấn vít những cụm hoa giấy trắng hồng là căn nhà nhỏ xinh xắn. Tôi do dự có nên nhấn chuông hay không thì một cô bé tầm hơn mười tuổi bước ra. Cô bé ngó nghiêng nhìn tôi lạ lẫm rồi nhoẻn cười, mắt cong tít thành một đường chỉ. Có tiếng phụ nữ từ trong nhà vọng ra:

- Lan, vào nhà mặc thêm áo khoác nào. Mẹ con mình chờ bố lấy xe rồi đi.

Tôi nghe tim mình giật thót, giọng của Lung Linh, giọng nói tôi vẫn luôn nghĩ đến suốt những năm qua. Tôi đứng từ xa, ngắm nhìn ngôi nhà một lúc lâu. Thực tâm, tôi mừng và luôn cầu mong cô có một cuộc sống ấm êm hơn những ngày tuổi thơ đầy dằn vặt. Tôi cho xe trôi qua con đường đầy tán me. Đang vào mùa thay lá, chỉ cần ngước nhìn là thấy bầu trời lá me xanh mơn mởn bên trên, tôi hít căng tràn không khí tươi mới vào lồng ngực, cảm giác như gánh nặng trên vai đã được trút bỏ. Tôi bỗng nghĩ về việc sống trọn vẹn cuộc đời của mình mà Minh đã nói.

THANH LAM

;
;
.
.
.
.
.