Ngôi chùa của việc nghĩa

.

Một cán bộ văn hóa phường Tân An, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) đưa tôi tới hiện trường một di tích cổ xưa, nhưng hiện chỉ còn sót lại tại nền móng vài dấu vết có liên quan. Đó là Thanh Minh Từ, một dấu ấn lịch sử về tín ngưỡng tâm linh của người làng Minh Hương xưa.

Ba tấm bia cổ còn lại trên nền cũ của Thanh Minh Từ (ảnh trái) và ngành chức năng Hội An gắn bia di tích. Ảnh: THÁI KIỀU VI
Ba tấm bia cổ còn lại trên nền cũ của Thanh Minh Từ (ảnh trái) và ngành chức năng Hội An gắn bia di tích. Ảnh: THÁI KIỀU VI

Vào đầu thế kỷ XVII, Hội An là trung tâm mậu dịch lớn nhất Đàng Trong cũng như cả nước Đại Việt, là một trong những thương cảng sầm uất của vùng biển Đông Nam Á nên có rất nhiều tàu bè của nước ngoài cập cảng giao lưu, trao đổi, buôn bán.

Hằng năm vào mùa khô, tàu thuyền nước ngoài thường xuyên cập bến để mở hội chợ từ 4-6 tháng nên một số kiều dân đã được chúa Nguyễn Phúc Lan cho phép lập thêm làng Minh Hương bên cạnh làng Hội An của Đại Việt đã có trước đó.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển cùng thời gian, cư dân làng Minh Hương ngày một thêm đông đúc nên dân làng tìm mua thêm một số đất đai của các làng như: Hội An, Cẩm Phô, Thanh Hà, Thanh Châu… để lập phố xá, xây dựng nhà cửa và một số cơ sở kiến trúc hoạt động tín ngưỡng tâm linh. Xuất phát từ những nhu cầu đó, người làng Minh Hương đã tìm tới xứ Cửa Suối thuộc xã Thanh Hà, nay là khối phố An Phong, phường Tân An (thành phố Hội An), xây dựng một công trình văn hóa tâm linh với tên gọi ban đầu là miếu Lân, sau đổi thành chùa Lân, về sau có tên Thanh Minh Từ. Đây chính là ngôi miếu được người làng Minh Hương cho rằng rất linh thiêng, luôn diễn ra các hoạt động cúng kính theo phong tục riêng của người Minh Hương.

Đi qua chặng đường khá dài cũng như sự tàn phá của thời gian, Thanh Minh Từ bị hư hỏng, sụp đổ hoàn toàn. Đến năm 1917, dân làng Minh Hương đóng góp công sức xây dựng lại Thanh Minh Từ trên nền đất cũ. Thời gian dựng lại từ tháng 7 năm Đinh Tỵ (1917) đến tháng Giêng năm Mậu Ngọ (1918) hoàn thành. Lúc này, Thanh Minh Từ được đại diện làng Minh Hương giao cho bà con hai xóm Hương Thắng và Hương Định quản lý, phụng thờ để duy trì lề lối sinh hoạt tín ngưỡng lâu đời.

Rồi do biến cố, chinh chiến của thời cuộc, Thanh Minh Từ lại hoang tàn, đổ nát, không còn ai nhớ rõ về thời gian và trên nền Thanh Minh Từ chỉ còn sót lại một số ít chứng tích, đó là 4 hòn đá tán để dựng cột gỗ còn in sâu 2/3 so với mặt nền cùng với 3 tấm văn bia được khắc dày đặc chữ Hán. Các nhà nghiên cứu cho rằng, 3 tấm bia này không phải ra đời từ những ngày đầu tiên xây dựng Thanh Minh Từ mà nó chỉ xuất hiện sau khi xây dựng lại chùa bởi bia ghi rõ niên đại lập vào năm Khải Định thứ hai, Đinh Tỵ (1917).

Ông Huỳnh Á, người Hội An rất giỏi chữ Hán, là người dịch nội dung các tấm bia, qua đó sự ra đời của Thanh Minh Từ càng được làm sáng tỏ hơn. Một trong 3 tấm ấy có nội dung: “Lân ta xây dựng chùa này đã lâu, từ đó đến nay hai lần Hương Thắng và Hương Định đều chung sức kế thừa tiền nhân phụng thờ.

Ông bá hộ Tạ Phó Chi chủ trì việc tái tạo này và những người thương gia giàu có cùng các kẻ trưởng giả trong Lân trùng tu để tiếng thơm lưu danh muôn đời, đã thành tâm cúng đất tư để xây dựng chùa ở xã Thanh Hà, Cửa Suối. Được sự đồng ý của xã cùng người trong xã nói rằng đó là việc nghĩa vậy.

Chùa xưa ẩn nơi u tịch, nay tái tạo khang trang, việc đóng góp hài hòa, nhất trí, mọi người đều mừng vui bèn chạm bia để ghi công. Ta nói rằng: Việc u minh khó mà rõ được là tiếng bánh xe hay tiếng đàn, là cây tùng hay cỏ chỉ. Có có, không không, tỏ tỏ, mờ mờ. Mồ hoang chốn sa trường tịch mịch, linh hồn phảng phất năm này qua năm khác, việc điều tế không đến nơi linh hồn biết dựa vào đâu. Người xưa nói rằng loài vật biết thương đồng loại, lại nói dân ta vốn chung nòi giống nên cảm thương nhau. Miếu có thế xây dựng điều nghĩa, tế tự cũng là điều nghĩa, như thế mới gọi là xây dựng điều nghĩa…”.

Chuyện xưa được chép trong hai cuốn sách Xã Minh Hương với thương cảng Hội An thế kỷ XVII-XIV và Di tích Thanh Minh Từ của làng Minh Hương Hội An của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An. Vì Thanh Minh Từ bị đổ nát từ lâu nên để lập hồ sơ quản lý di tích, đơn vị đã nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm một số tài liệu có liên quan, qua đó hình dung được vóc dáng của ngôi chùa xưa.

Nền móng chính điện của Thanh Minh Từ có kích thước 760 x 960cm, cạnh hướng tây nam và đông bắc là 760cm. Mặt tiền của Thanh Minh Từ xoay về hướng tây nam, móng xây bằng gạch thẻ, nền tráng xi-măng, vị trí của 4 viên đá tán vẫn nguyên vẹn. Từ năm 1949 trở về sau, Thanh Minh Từ không có hàng rào, phía trước có hai trụ cổng xây cao quá đầu người, tiết diện vuông, bên trong là khoảng sân trống. Thanh Minh Từ được xây theo hình chữ nhật, không có mái hiên, hậu tẩm, chia làm 3 gian, mỗi gian có lối vào bằng cửa gỗ hai cánh để thờ cúng, mái lợp ngói âm dương. Cách Thanh Minh Từ chừng 24 mét hiện nay có một cái giếng tròn, thành xây cao 85cm, đường kính miệng giếng 119cm. Giếng này do người làng Minh Hương đào để lấy nước phục vụ cho các hoạt động tâm linh của dân chúng liên quan tới Thanh Minh Từ.

Nền móng Thanh Minh Từ giờ là khu đất phủ đầy lau lách, cỏ dại um tùm, hoang vắng. Xa hơn một chút là những đám quật cảnh xanh rờn, những luống hoa cúc rực rỡ màu vàng và dấu tích của Thanh Minh Từ vẫn rơi vào khoảng không gian im lìm vắng vẻ. Gần đây, ngành chức năng của Hội An đã cắm các trụ thông báo phần khuôn viên của Thanh Minh Từ và gắn bia để bảo vệ toàn bộ quần thể về ngôi chùa cổ, một di tích của làng Minh Hương ngày xưa.

THÁI KIỀU VI

;
;
.
.
.
.
.