Trong khó khăn bộn bề do ảnh hưởng Covid-19, những người làm xuất bản đang nỗ lực để trụ vững, đồng thời vươn lên tìm kiếm những “cửa sáng”.
Họa sĩ Thành Chương tặng chữ ký vào cuốn Người kép già của cha - nhà văn Kim Lân, có in 19 bức tranh minh họa do Thành Chương vẽ. Ảnh: THƯ HOÀNG |
Theo thông tin từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2020, ngành xuất bản ra mắt hơn 33.000 đầu sách với 410 triệu bản sách (bằng 92% so với năm 2019), đạt mức doanh thu 2.700 tỷ đồng (bằng 97% so với năm 2019). Có 9 nhà xuất bản (NXB) tham gia xuất bản điện tử (chiếm 15% tổng số NXB), xuất bản được hơn 2.000 đầu sách (chiếm 6% số đầu sách).
Đẩy mạnh trực tuyến
Từ năm 2020, khi không thể tổ chức những hội sách truyền thống, các đơn vị xuất bản đã nhanh chóng mở những hội sách trực tuyến (online). Đi đầu trong xu hướng này có thể kể tới NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, NXB Phụ nữ Việt Nam; đặc biệt là các công ty sách như Đông A, Nhã Nam, Thái Hà, Alpha… Không những các đơn vị này tự tổ chức các hoạt động mà còn liên kết với nhau, liên kết với các sàn thương mại điện tử để đưa tới cho độc giả những ấn phẩm chất lượng, với chiết khấu hấp dẫn.
Chính các đơn vị xuất bản xác nhận, trong thời điểm Covid-19, ở nhiều thời điểm, bán hàng online mang lại kết quả cao hơn. Thống kê gần đây từ Hội sách trực tuyến quốc gia lần hai năm 2021 cho thấy, sau một tháng tổ chức đã bán ra hơn 40.000 cuốn sách, gấp 3 lần kết quả của hội sách năm 2020, trong đó 60% đơn hàng thuộc về các tỉnh, thành ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Doanh số giá bìa đạt 4,5 tỷ đồng; doanh số theo giá bán (đã trừ giảm giá của các đơn vị) đạt 3,5 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với hội sách năm 2020 (1 tỷ đồng).
Nhận ra thế mạnh của bán sách trực tuyến, nhiều đơn vị xuất bản đã đầu tư hơn cho việc thiết kế trang web, thiết lập các kênh thông tin tương tác với độc giả trên mạng xã hội… Họ cũng chấp nhận chạy quảng cáo cho những đầu sách mới trên mạng xã hội để tiếp cận người đọc ở khắp nơi nhanh hơn.
Tìm đường xuất khẩu
Bên cạnh những nỗ lực vượt khó để tìm kiếm, giữ chân độc giả trong nước, xuất bản Việt Nam còn cho thấy một “cửa sáng” khác, đó là xuất khẩu sách. Cụ thể, Công ty CP sách Alpha (Alpha Books) đã xuất khẩu những lô sách tiếng Việt đầu tiên đến Mỹ để phục vụ cộng đồng những người nói tiếng Việt. “Trong lô hàng đầu tiên, chúng tôi xuất hơn 500 đầu sách giấy với số lượng khoảng hơn 20.000 cuốn. Chúng tôi chọn danh mục sách đa dạng gồm 7 dòng sách, trong đó có sách thiếu nhi, văn hóa, lịch sử thế giới và Việt Nam, kỹ năng sống và dạy con. Mỗi dòng sách đều ưu tiên chọn tác giả Việt và được ưa thích tại thị trường Việt Nam. Trong loạt sách này cũng có sách kỹ năng về dạy tiếng Việt cho thế hệ con cháu người Việt tại Mỹ không biết đọc tiếng Việt”, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Alpha Books chia sẻ.
Một tín hiệu vui khác, mới đây, NXB Kim Đồng đã bán bản quyền cuốn Chang hoang dã - Gấu cho NXB Pan Macmillan (Anh); đồng thời cuốn sách đã được nhượng quyền cho 5 nước bao gồm Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là cuốn sách được xuất bản hồi đầu mùa dịch năm ngoái do nhà bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn viết lời, họa sĩ Jeet Zdung vẽ tranh. Cuốn artbook (sách nghệ thuật) này ngay sau đó lọt vào “mắt xanh” của đơn vị xuất bản nước ngoài. Điều vui hơn nữa, thương vụ chuyển nhượng bản quyền này đem lại số tiền cao kỷ lục trong giới xuất bản Việt Nam. Và tập hai của cuốn sách, dù chưa ra mắt ở Việt Nam, đã được đơn vị xuất bản của Anh đăng ký mua bản quyền xuất bản.
Trước đó, NXB Kim Đồng chuyển nhượng bản quyền một số tác phẩm như Dế Mèn phiêu lưu ký, Lược sử nước Việt bằng tranh, Đúng là Tết - This is Tết, 15 bí kíp giúp tớ an toàn: Cẩm nang phòng tránh xâm hại trẻ em bán cho các đơn vị xuất bản ở Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Philippines. Đại diện NXB Kim Đồng cho biết, các đơn vị xuất bản nước ngoài quan tâm đến sách Việt Nam ở 3 nhóm đề tài chính: các tác phẩm văn học nổi tiếng; sách về truyền thông lịch sử, văn hóa dân tộc, phong tục tập quán; sách về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, chống xâm hại và bóc lột trẻ em, bình đẳng giới...
Quan sát ngành xuất bản trong thời gian qua, có thể nhận thấy sự chuyển đổi. Hình ảnh xuất bản Việt Nam đã vươn ra bên ngoài, thông qua việc tham gia tại các hội chợ sách lớn trên thế giới, như hội chợ Frankfurt (Đức), hay hội sách La Habana (Cuba)… Tuy vậy, vẫn cần sự xoay trở mạnh mẽ hơn với những chiến lược đầu tư nhiều hơn. Ngoài ra, hành trình “vươn ra biển lớn” của sách Việt cũng đòi hỏi bản thân các đơn vị xuất bản thay đổi tư duy, cách thực hiện thì mới có thể quy tụ được những đội ngũ cộng tác ăn ý, phù hợp.
Một số đơn vị xuất bản làm dòng sách đặc biệt để tìm kiếm và đáp ứng phân khúc độc giả có nhu cầu chơi sách, sưu tập sách. Đi đầu trong dòng sách phiên bản đặc biệt, có đánh số thứ tự cho từng cuốn sách, thậm chí có chữ ký, triện son của tác giả, dịch giả hay họa sĩ minh họa là Công ty Đông A Books. Những bản sách bìa da thật hoặc da công nghiệp do đơn vị này sản xuất - dù là S100 (tức chỉ làm 100 cuốn), hay S500 (in 500 cuốn) như: Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Người kép già (Kim Lân), Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim), Đảo mộng mơ (Nguyễn Nhật Ánh)… được độc giả, các nhà sưu tập đặt mua rất nhanh. Mới đây, cuốn S500 Truyện cổ Grimm bìa được bọc bằng da PU xung quanh dập hoa văn chìm theo phong cách cổ điển cũng đã được đặt hết sau khi Công ty Đông A Books mở bán với giá 2,2 triệu đồng. |
THƯ HOÀNG