Khói bếp cay nồng

.

“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/ Một bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!”
(Bếp Lửa, Bằng Việt)

Hồi nhỏ, mỗi lần theo bố về quê, ngay từ đầu ngõ, tôi đã thấy khói bếp um tỏa từ sân nhà nội. Chả là, ở quê tôi, nhà nào cũng có một chái bếp nhỏ dựng bằng cỏ tranh nằm cạnh giếng nước dưới bóng dừa xanh mát ở trước sân phía đông bên trái ngôi nhà. Tôi không biết kiểu bếp này có từ lúc nào, nhưng khi còn thơ ấu, tôi đã thấy nội tôi vẫn thường ngồi đó chụm lửa nấu cơm, kho cá mỗi sớm hôm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Căn bếp này rất thuận tiện vì người dân quê tôi có thể tận dụng cành củi, lá dương, bẹ dừa khô rụng để chụm lửa. Cứ đến hè, nhà nào cũng đi cào lá dương trên đồi phi lao dưới triền cát trắng nằm ven biển về chất thành từng đống cao, dự trữ cho cả mùa đông rét mướt. Đó là chưa kể củi được thu hoạch từ những hàng phi lao chắn gió biển khi cây đã trưởng thành. Nhờ vậy, chái bếp luôn luôn đỏ lửa mỗi sớm khuya từ mùa đông sang mùa hè. Khi nào công việc một ngày tạm gác lại thì chái bếp mới ngưng đỏ lửa.

Hình ảnh khói bếp tỏa ra từ mỗi ngôi nhà gợi cho tôi cảm giác bình yên và mộc mạc. Ở đó luôn có bóng nội lưng còng, đẫm mồ hôi nhóm lửa cho cuộc sống mưu sinh thường nhật ở làng quê nghèo. Có khi đó là sáng sớm tinh mơ nội vội vàng thức giấc để kho nồi cá sau khi chú tôi đi biển về từ 3, 4 giờ sáng để giữ cá được tươi (vì chưa có tủ lạnh). Có khi đó còn là nồi khoai, nồi sắn mang hương vị quê đơn sơ, giản dị. Nhưng cũng có khi chỉ là nồi cám lợn hỗn hợp gồm nhiều loại rau, củ dậy mùi ngai ngái, thơm nồng.

Những ngày có kỵ giỗ, bếp lửa rôm rả hơn nhờ có bà con, cô bác đến phụ nấu nướng. Nhưng tôi vẫn luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh nội hằng ngày thui thủi một mình bên chái bếp tranh liêu xiêu trong sương sớm hay nắng chiều tà. Trong chái bếp nhỏ ấy, nồi niêu, xoong chảo và củi khô được chất đầy hai bên ám đầy khói xám, lâu ngày đen đặc lại tạo thành một màu đặc trưng mang đầy ký ức hoài niệm.

Những chiếc nồi của bà cũng rất đặc biệt, được làm bằng chất liệu đồng hoặc gang có hình thù lạ mắt và được lưu giữ qua nhiều đời đã sờn quai, trật nắp nhưng nấu cơm, kho cá rất ngon nhờ giữ được mùi vị nguyên thủy của thức ăn.

Nhà tôi ở cách nhà nội khoảng hơn 20 cây số. Mỗi lần lên thăm tôi, nội thường gánh đôi quang thúng bằng mây tre; một đầu đựng khoai lang, một đầu đựng bí đỏ và không quên kèm theo mấy nồi cá hấp bằng niêu đồng thơm phưng phức. Cá được nội mua của ngư dân đánh lưới về từ sớm nên rất tươi. Để cá không bị ươn, nội thường hấp cá với một ít muối. Nhờ nấu bằng củi hoặc lá dương nên cá có hương vị đặc biệt mà đến giờ tôi vẫn nhớ mãi.

Sau này đi học, tôi lại càng xúc động hơn khi bắt gặp hình ảnh bếp lửa của nội tôi trong bài thơ “Bếp lửa” của nhà thơ Bằng Việt. Nhớ có lần, bố mẹ gửi tôi về quê bà chăm ít hôm, khi đêm buông xuống, nhớ nhà, tôi mếu máo khóc to: “Cho cháu về nhà ba mẹ cháu!”. Hồi đó chưa có điện thoại cũng chẳng có xe máy như bây giờ, nội chỉ biết ôm tôi vào lòng, vừa nhóm bếp vừa dỗ dành, rồi thương cháu mà bật khóc theo. “Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe/ Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học/ Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc/ Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà/ Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?”. Những câu thơ ấy cứ làm tôi day dứt.

Rồi năm tháng dần trôi, bà cũng đi xa, hình ảnh khói bếp chỉ còn trong ký ức. Những túp lều tranh ngày ấy giờ thay bằng mái ngói xi-măng nấu bằng bếp ga, nồi điện, tự nhiên sóng mũi tôi cay nồng. “Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu/ Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả/ Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở: - Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?”.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích