Các doanh nghiệp dược trên địa bàn Đà Nẵng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19. Nhưng với vai trò là đơn vị cung ứng thuốc và vật tư y tế thiết yếu cho công tác khám và chữa bệnh, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn để chung tay cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh.
Dung dịch sát khuẩn tay luôn được Bệnh viện Gia Đình cung cấp miễn phí cho bệnh nhân khi đến khám bệnh ngay tại bàn kê khai y tế. Ảnh: Đ.H.L |
Thích ứng với tình hình thực tế
Chia sẻ về hoạt động sản xuất và phân phối thuốc của đơn vị mình, TS. Lê Thăng Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Danapha cho biết, trong khi nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, cắt giảm nhân sự, cộng thêm rào cản thông thương khiến việc nhập nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm qua thị trường châu Âu mất nhiều thời gian và chi phí tăng cao gấp nhiều lần hơn so với bình thường, Danapha đã nỗ lực thích ứng với tình hình thực tế, duy trì sản xuất theo đúng tiến độ kế hoạch, đáp ứng kịp thời hàng hóa ra thị trường.
Điển hình, công ty đã tăng nhân sự tuyển dụng mới lên 30% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ động tăng ca, tăng giờ làm vào những giai đoạn cao điểm và đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, chuyên biệt hơn để phục vụ các mặt hàng xuất khẩu sang Nga; đồng thời áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa Covid-19 ngay tại công ty, tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho tất cả cán bộ, công nhân viên làm việc tại trụ sở công ty.
“Trong thời gian Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty mạnh dạn đầu tư sản xuất thuốc Zodalan - dung dịch tiêm (Midazolam - 5mg/ml). Đây là loại thuốc thuộc danh mục trang thiết bị, vật tư y tế tiêu hao và thuốc thiết yếu của khu vực điều trị cách ly người bệnh Covid-19 theo Thông tư số 941/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Mặc dù năm 2020 chưa cung ứng sản phẩm này tại Đà Nẵng nhưng trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng cung ứng cho cả nước đạt gần 40.000 ống, tương đương với năm 2020, trong đó Đà Nẵng có hơn 1.000 ống. Do lường trước tình hình dịch bệnh và nhu cầu về mặt hàng tăng cao nên công ty đã có kế hoạch nhập nguyên liệu dài hơi, vẫn bảo đảm cung ứng kịp thời hàng hóa cho các bệnh viện”, TS. Lê Thăng Bình cho biết thêm.
Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng luôn được Danapha quan tâm thực hiện với mức đóng góp bình quân hằng năm gần 500 triệu đồng. Công ty cũng ủng hộ các sản phẩm phòng, chống Covid-19 cho thành phố Đà Nẵng, nhân dân Liên bang Nga; đồng thời ủng hộ 100 triệu đồng cho Quỹ Phòng chống Covid-19 thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Lâm, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh, Công ty CP Dược - Thiết bị y tế Đà Nẵng (Dapharco) cho biết, khi dịch bệnh xảy ra, một số bệnh viện bị phong tỏa, bệnh nhân hạn chế đến khám bệnh nên việc cung ứng thuốc men thấp hơn so với trước đây. Các cửa hàng thuốc bán ít hơn. Đặc biệt, đợt dịch đầu tiên, công ty hỗ trợ thành phố thực hiện bán bình ổn giá khẩu trang tại 12 điểm với giá 50.000 đồng/hộp. Bên cạnh đó, xe hàng đi qua các tỉnh gặp trở ngại do tăng cường kiểm soát dịch của các địa phương. Tuy sản lượng các loại khẩu trang, cồn, nước muối sát khuẩn, bảo hộ, găng tay… bán ra tăng cao hơn trước nhưng các mặt hàng này có giá trị không lớn nên lợi nhuận không cao.
“Dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng công ty vẫn nỗ lực duy trì sản xuất và hoạt động bình thường. Hiện công ty có một xưởng sản xuất ở khu Bình Thái 2 (quận Cẩm Lệ) chuyên sản xuất các loại nước sát khuẩn, nước muối, bông băng, gạc, cồn phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trung bình mỗi tháng, công ty sản xuất khoảng 3 tỷ tiền hàng để cung cấp cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Ngoài ra, các loại thuốc tăng sức đề kháng khác như vitamin, thuốc bổ đều được cung ứng đầy đủ cho bà con trong mùa dịch. Để chung tay phòng, chống Covid-19, thông qua Mặt trận thành phố, công ty đã ủng hộ áo quần bảo hộ, khẩu trang, cồn, nước sát khuẩn… trị giá 200 triệu đồng; đồng thời ủng hộ quỹ vắc-xin 100 triệu đồng”, ông Nguyễn Công Lâm chia sẻ.
Ưu tiên tìm nguồn vắc-xin
Trước tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19, nhiều bệnh viện và trung tâm y tế gặp khó khăn trong dự trù và cung ứng dược phẩm, vật tư y tế. ThS. BS Lê Hữu Dũng, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Bệnh viện Gia Đình, Phó Giám đốc Bệnh viện Gia Đình cho rằng, đây là hệ quả tất yếu đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến như việc nhập khẩu khó khăn, giao thông không thuận lợi, nhu cầu sử dụng thuốc tăng cao trong mùa dịch.
Trong các nhóm vật tư y tế, nhóm phục vụ công tác phòng, chống dịch càng gặp nhiều khó khăn, nhóm này bao gồm đồ bảo hộ, khẩu trang các loại… Trước thực trạng đó, bệnh viện đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm cung ứng thuốc men và vật tư y tế trong khám, chữa bệnh như theo dõi chặt chẽ và thường xuyên hơn lượng hàng hóa sử dụng, dự trù sớm những mặt hàng có thể cần dùng gấp để chủ động mua hàng, liên hệ thêm nhiều công ty cung ứng và luôn dự phòng sẵn sàng phương án thay đổi nhà cung cấp trong trường hợp bị đứt hàng hoặc không giao hàng được.
“Bệnh viện luôn chủ động chuyển đổi sang các loại thuốc, vật tư tiêu hao được sản xuất trong nước để hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Qua các đợt dịch, bệnh viện chủ động tổng kết số liệu, phân tích các yếu tố liên quan để đưa ra những dự đoán khi có một đợt dịch mới khởi phát, từ đó có thể ước lượng nhu cầu và đặt hàng sớm, thay vì chờ dùng gần hết mới tiến hành đặt hàng”, bác sĩ Lê Hữu Dũng nhấn mạnh.
Để đáp ứng yêu cầu phòng, chống Covid-19 trong thời gian tới, ông Nguyễn Công Lâm cũng cho biết, ưu tiên tiên quyết hiện nay của Công ty Dapharco là tìm nguồn vắc-xin. Công ty là một trong 36 doanh nghiệp được Chính phủ công bố đủ điều kiện nhập khẩu vắc-xin phòng Covid về Việt Nam. Công ty đang nỗ lực đàm phán với các đối tác nước ngoài để nhập khẩu vắc-xin, sau đó sẽ xin ý kiến của Bộ Y tế về việc cho phép phân phối. Nếu nhận được chủ trương của Chính phủ, công ty sẽ chủ động phối hợp với Sở Y tế thành phố phân phối vắc-xin để tiêm phòng cho người dân.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Đà Nẵng (CDC), hiện trung tâm đã nhận vắc-xin tiêm phòng Covid-19 đợt 3 từ Viện Pasteur Nha Trang theo Quyết định số 2499/QĐ-BYT ngày 20-5-2021 của Bộ Y tế. Theo đó, 22.400 liều vắc-xin của hãng AstraZeneca đợt này được phân về cho CDC Đà Nẵng, trong đó CDC Đà Nẵng 19.000 liều, Bệnh viện C 1.500 liều, Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng 100 liều; lực lượng quân đội, công an của thành phố 1.800 liều. Số lượng vắc-xin này đã được CDC Đà Nẵng bảo quản tại kho theo đúng quy định của Bộ Y tế và tiếp tục được tiêm cho những người thuộc nhóm ưu tiên số 1, lực lượng tuyến đầu chống dịch chưa được tiêm trong đợt trước và nhóm ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021. Trong đợt này, CDC Đà Nẵng cũng nhận được 13.500 bơm kim tiêm và 142 hộp an toàn để phục vụ công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Đến nay, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Đà Nẵng (CDC) đã tiếp nhận 29.700 liều vắc-xin ngừa Covid-19 do AstraZeneca sản xuất. Thành phố Đà Nẵng đã kết thúc tiêm đợt 2 vào ngày 15-5-2021 với hơn 9.300 người, trong đó có hơn 6.000 người được tiêm ở các cơ sở y tế. Các đối tượng ưu tiên tiêm phòng trong 2 đợt vừa qua gồm: người làm việc tại các cơ sở y tế, khu cách ly; thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp thành phố, quận, huyện; lực lượng công an; quân đội; người phục vụ các chuyến bay nhập cảnh; phóng viên báo, đài. Đối với các đối tượng đã tiêm vắc-xin mũi 1 sẽ được triển khai tiêm mũi 2 sau 8-12 tuần kể từ ngày được tiêm mũi 1. Các đơn vị, địa phương sẽ tổ chức triển khai ngay khi nhận được vắc-xin và hoàn thành trước ngày 15-8-2021. (Nguồn: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Đà Nẵng) |
ĐOÀN HẠO LƯƠNG