Di tích Trường Viên Minh ở phố Hội

.

Ngôi nhà cổ kính, rêu phong đứng lặng lẽ nhìn về hướng nam, nơi dòng sông Hoài lững lờ đêm ngày xuôi ra Cửa Đại. Ngôi nhà có tên Trường Viên Minh này là nơi hội tụ sự đoàn kết, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân xứ Quảng trong những tháng ngày bảo vệ chính quyền cách mạng lâm thời còn non trẻ.

Di tích Trường Viên Minh hiện ở số 108 Nguyễn Thái Học, phường Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam (ảnh trái) và tấm bia đá đặt trước mặt tiền tầng 1.Ảnh: T.M
Di tích Trường Viên Minh hiện ở số 108 Nguyễn Thái Học, phường Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam (ảnh trái) và tấm bia đá đặt trước mặt tiền tầng 1.Ảnh: T.M

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ngày hôm sau, 3-9-1945, Ủy ban Việt Minh Trần Cao Vân tỉnh Quảng Nam từ trong bí mật bắt đầu đi ra hoạt động công khai trước đồng bào.

Theo sách “Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam và lịch sử Đảng bộ Hội An 1930-1975”, qua nghiên cứu địa bàn thị xã Hội An, Ủy ban Việt Minh Trần Cao Vân quyết định chọn ngôi nhà cổ có lối kiến trúc của Pháp tọa lạc tại số 30 đường Quảng Đông (30 Rue du Cantonais trong nguyên văn tiếng Pháp), thị xã Hội An làm trụ sở. Đây là ngôi nhà khá rộng được Pháp xây dựng năm 1910 với tổng diện tích đất sử dụng 6,5m x 36,0m để làm nơi đào tạo đội ngũ nhân sự phục vụ cho bộ máy cai trị của chế độ thực dân, phong kiến với tên gọi Trường Viên Minh.

Nguyên Trường Viên Minh được chia thành hai nếp, nếp nhà trước có diện tích 6,5cm x 14,5cm với kết cấu 3 tầng với các tấm sàn bằng gỗ; nếp nhà sau 6,5cm x 7,5cm nối liền với nhà trước, tường được xây bằng gạch thẻ dày từ 40-47cm, đều lợp ngói âm dương. Từ ngày có trụ sở làm việc tương đối ổn định, Ủy ban Việt Minh Trần Cao Vân tỉnh Quảng Nam nhanh chóng kiện toàn tổ chức từ tỉnh đến cơ sở để hoàn thành tốt nhiệm vụ giao phó.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Quảng Nam, Ủy ban Việt Minh Trần Cao Vân đã tập hợp lực lượng quần chúng khá hùng hậu, qua đó tổ chức các lớp học tập nâng cao kiến thức chính trị, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong thị xã Hội An cũng như toàn tỉnh thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần đắc lực trong việc xây dựng chính quyền các cấp trong thời buổi ban đầu còn non trẻ.

Một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, đó là thành lập các đoàn thể, tổ chức quần chúng như Hội công nhân, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân cứu quốc; đồng thời lấy các tổ chức hội này làm nòng cốt, tiên phong trong phong trào diệt giặc đói, giặc dốt trong những ngày đầu giành chính quyền cách mạng, kêu gọi các tầng lớp nhân dân của địa phương tích cực tăng gia, sản xuất, vận động từng gia đình khắp làng quê, phố thị đều dành dụm hũ gạo cứu đói.

Ngày 8-9-1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố Sắc lệnh Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội. Để thực hiện sự kiện chính trị quan trọng này, Ủy ban Việt Minh Trần Cao Vân tỉnh Quảng Nam đã lựa chọn, hiệp thương 14 người trong tổng số 78 người tự ứng cử để chuẩn bị sự kiện trọng đại của đất nước cho thời gian sắp tới.

Trong tuần lễ vàng xây dựng quỹ Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động từ ngày 17 đến 24-9-1945, nhân dân của tỉnh Quảng Nam đã đóng góp cho Ủy ban Việt Minh Trần Cao Vân 20kg vàng, cùng hàng chục tấn sắt, đồng. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình tham gia hưởng ứng các quỹ đảm phụ, quốc phòng, bình dân học vụ…

Tháng 11-1945, tình hình và nhiệm vụ cách mạng trên địa bàn tỉnh có chuyển biến khác thường, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội nghị mở rộng tại thị xã Hội An, đề ra nhiều chủ trương, biện pháp củng cố tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể để bảo vệ an toàn chế độ mới. Tại hội nghị này, ông Nguyễn Xuân Nhĩ được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Việt Minh Trần Cao Vân và nhiệm vụ chủ chốt là vừa giữ gìn chính quyền cách mạng lâm thời, vừa tổ chức thành công tổng tuyển cử.

Ngày 6-1-1946, nhân dân trong tỉnh lần đầu tiên hăng hái đi bầu cử Quốc hội khóa I. Kết quả là cả 14 người do Ủy ban Việt Minh Trần Cao Vân giới thiệu đều trúng cử đại biểu Quốc hội với số phiếu rất cao.
Cũng theo sách “Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam và lịch sử Đảng bộ Hội An 1930-1975”, để đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai của thực dân Pháp, đầu năm 1947, Ủy ban Việt Minh Trần Cao Vân tỉnh Quảng Nam phải dời trụ sở lên các vùng rừng núi phía tây của tỉnh. Ngôi nhà số 30 Quảng Đông, thị xã Hội An, lại nằm trong sự kiểm soát, chiếm dụng của thực dân Pháp.

Tuy ngôi nhà ở phố Hội êm đềm này gánh vác trọng trách chỉ 2 năm nhưng trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, nơi đây đã phát đi nhiều thông điệp đỏ, tập hợp sự đoàn kết, nhất trí của toàn dân, chung tay, đồng lòng khôi phục, bảo vệ thành quả cách mạng trong những tháng ngày gian khó nhất.

Ngôi nhà số 30 Quảng Đông giờ mang địa chỉ mới là 108 Nguyễn Thái Học, phường Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Cái tên Trường Viên Minh bây giờ chỉ còn trong sử sách, dấu tích xưa còn giữ lại là con số 1910 ghi dấu năm xây dựng ngôi nhà nằm giữa hoa văn trang trí ở tầng trên cùng. Bên dưới có hai chữ “Hoa Thanh”, tên một hiệu buôn từng mở cửa hàng kinh doanh tại đây.

Ngôi nhà hiện nay thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Trải qua hơn 110 năm, ngôi nhà vẫn còn dáng vóc nguyên vẹn từ thuở ban đầu. Nằm trong dãy phố cổ chỉ dành cho người đi bộ, ngôi nhà càng chìm vào khoảng không gian trầm lặng, song mãi mãi gói ghém trong đó hào khí hừng hực đấu tranh và khát vọng độc lập, tự do của nhân dân xứ Quảng.

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.