Đà Nẵng cuối tuần
Giếng làng Bui
Mai là ngày tổng kết trại sáng tác mà đêm nay tôi với anh Văn chưa viết được gì. Ngày nào cũng thế, hai anh em lọ mọ vào xóm hết chụp ảnh, phỏng vấn, tối về bàn luận sôi nổi nhưng cuối cùng đều say mềm và tít một giấc tới sáng. Đêm nay, khu nhà khách bị cúp điện, trời oi nồng không tài nào ngủ được. Nửa đêm, anh Văn bật dậy quay sang gọi tôi:
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
- Về đi! Anh nghĩ ra rồi, về Bui mới viết được.
Anh Văn từng tham gia kháng chiến, sau mới vào đại học. Không khí từ thời sinh viên giúp anh vẫn trẻ trung nhưng vết thương chiến tranh khiến trán của anh đầy vết nhăn. Dưới trăng khuya, hai anh em đèo nhau rẽ vào con đường bê-tông. Tôi chả lạ gì cảnh nông thôn bây giờ vì ở đâu cũng nhan nhản nhà tầng, vật dụng mua về từ phố, thành ra nết ăn ở cũng nhiều thay đổi. Nhưng thôi, chiều ý anh.
Anh dừng xe, tôi ngỡ ngàng. Dưới ánh trăng, trước mắt tôi là một ngôi nhà sàn thấp nguyên sơ như hiện ra trong truyện cổ Mường.
- Anh mới tậu à?
- Tậu gì, nhà từ ông bà để lại đấy. Ở Bui mà.
Anh Văn lúc nào cũng lấy Bui ra làm cái lý lẽ khi nói chuyện. Bui là núi, là suối, là gốc nhà anh. Hai anh em lên màn thang bước vào nhà rồi hì hụi nhóm lửa. Thấy tôi bắt đầu có vẻ hứng thú, anh bảo:
- Mất điện hóa hay, anh ở chung cư trông cháu suốt, lâu lắm mới được về. Đợi anh kiếm ít lá cây đun nước uống, biết đâu đêm nay lại viết được cái gì đấy.
Tôi rón rén theo anh ra giếng cổ. Anh nhấc tấm gỗ đậy bên trên, mặt giếng hiện ra lấp lánh dưới trăng. Anh vớ đám lá cây kỳ cọ cái ấm cũ, thấy lạ nên tôi hỏi:
- Anh cũng chịu khó nhỉ, sắm được toàn thứ cổ, từ giếng nước, ấm đồng đến đến mấy cái chén men cũ. Em cứ tưởng anh chỉ chuộng hàng công nghệ mới vì hằng ngày toàn thấy anh chơi iPhone, iPad, smart watch (đồng hồ thông minh)... Tôi vừa dứt lời, bỗng thấy anh Văn thần người ra, tay buông thõng, ngồi bệt xuống bên thành giếng.
- Chú mày nói đúng, anh tệ quá!
Lát sau, anh đứng dậy, xăm xăm xách cái ấm đồng đựng đầy nước giếng bước vội qua sân lên bếp nhà sàn. Từ phía sau lưng, tôi thấy anh bước chậm, mấy lần đưa tay quệt ngang đôi mắt. Hình như công việc mà anh đang làm gợi cho anh kỷ niệm gì đó cũng nên.
Nước sôi, anh đốt thuốc. Hai anh em cứ ngồi lặng bên bếp lửa. Anh kể: Cũng bên bếp lửa này, vào khoảng những năm bảy mươi, anh chừng bảy, tám tuổi, có đơn vị bộ đội về đóng quân và huấn luyện tại xã. Ngoài nhiệm vụ quân sự, các anh bộ đội giúp bà con cấy hái, tuyên truyền, hướng dẫn về các chủ trương, dạy chữ cho các em nhỏ… Giữa người người, lớp lớp khí thế cách mạng ấy, Văn để ý có một anh bộ đội dáng thư sinh, ít nói, hình như là người Hà thành tên Phan. Nhiều lần Văn bắt gặp anh Phan lặng lẽ bên suối với cây chì than và trang giấy.
- Anh đưa được cả suối Bui của làng em vào tranh sao? - cậu bé Văn ngạc nhiên.
Anh Phan buông cây chì, trìu mến ôm Văn vào lòng:
- Làng Bui mình còn nguyên sơ đẹp lắm. Tình người dân làng Bui như nước suối không bao giờ cạn…
Cảm nhận được tình cảm của một người anh, Văn thủ thỉ:
- Nước suối trong mát lắm, nhưng anh ơi, nhà em chỉ có bà nội, cha mẹ em đi thoát ly cả rồi. Chân bà em yếu, không đi xa cõng nước được. Chân em cũng mới như cây măng non chưa cứng, chưa khỏe. Em ước gì dòng suối Bui chảy lượn qua nhà em để bà không phải gò lưng xách nước, em cũng được tắm nước suối thỏa thích.
- Thế anh sẽ vẽ đoạn suối này lượn vòng xuống đoạn dưới gốc đa là về đến nhà em nhé.
Vẽ xong, anh Phan tặng Văn bức ký họa đem về nhà treo.
Từ hôm ấy, ngôi nhà của Văn thêm ấm áp. Bức ký họa “Suối Bui” được dán trên vách, những cuốn tạp chí Văn nghệ Quân đội luôn nằm bên của gối Văn cả khi thức, khi ngủ nhưng vẫn chỉ có dòng Bui chảy qua nhà trong giấc mơ…
Một hôm, đang nằm trong vòng tay của bà, bỗng nhiên Văn tỉnh giấc:
- Bà ơi! Sao con nghe như tiếng người đào đất ở sau vườn bà à?
- Thật không con? Thế để bà xem có chuyện gì?
Dưới trăng, hai bà cháu rón rén luồn qua mấy bụi chuối ra phía góc vườn. Họ thấy những đống đất nhỏ xuất hiện. Ba chú bộ đội đang lặng lẽ đào một cái hố đất đang sâu dần xuống. Văn thì thào:
- Các chú đào củ gì thế bà?
- Không, các chú đang đào hầm thôi con à!
Kể đến đây, anh Văn nhấc cái ấm đồng lên trước mặt tôi, rót nốt bát nước lá cuối cùng khi trong làng vang tiếng gà gáy sáng.
- Các anh bộ đội đào giếng cho nhà Văn đấy, mạch nước suối Bui đã về với bà cháu Văn như thế đó. Nửa thế kỷ qua, có năm dòng Bui khô hạn mà nước giếng vẫn trong mát. Cái ấm đồng này do một anh tên Phan tặng lại cho gia đình Văn.
- Thế rồi khi mặt trận miền Nam bước vào giai đoạn căng thẳng nhất, các anh đã lên đường. Không biết các anh ấy ai còn, ai mất. Anh cũng trở thành người lính bảo vệ biên giới Tây Nam - người lính tình nguyện trong cuộc chiến tranh giữ nước và làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Campuchia nhưng chưa bao giờ nghe tin tức về các anh ấy. Cuộc đời vô thường em ạ - anh Văn xúc động.
Tôi bảo anh cứ ngồi yên thế, cứ hút thuốc và trầm ngâm như thế, cứ mặc tôi, mặc năm mươi năm vừa trôi qua. Lúc này, trong tay tôi cũng chỉ có một cây bút chì và mấy tờ A4 nhưng thế là quá đủ. Tôi ký họa anh rồi sớm mai sẽ gửi lại trại sáng tác. Thật ra, lần này tôi xin được dự một trại sáng tác địa phương để được sống trong không gian văn hóa đặc sắc này nên muốn vẽ hay viết đều rất thoải mái.
Tôi về Hà Nội, loay hoay định viết một cái gì về anh mà nghĩ mãi không ra. Có những điều thân yêu lắm mà người ta lại không thể nào gọi ra được thành chữ nghĩa. Cho đến một hôm, có người trong ban tổ chức triển lãm gọi cho tôi:
- Anh ơi, em muốn mời anh tham gia một triển lãm tranh, đối tượng rất mở, không chỉ dành cho các họa sĩ chuyên nghiệp.
Tôi bật cười vì lời mời của cậu ta. Tôi đâu phải là họa sĩ, tôi vẽ phỏng theo những gì mình nghĩ nhưng tôi vẫn nhận lời. Tôi chuyển thể bức ký họa thành bức tranh sơn dầu, bo cẩn thận và gửi tới triển lãm.
Triển lãm về đề tài chiến tranh cách mạng thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là các cựu chiến binh. Mỗi người thích một tác phẩm gắn với kỷ niệm đời mình. Nào là hình ảnh máy bay B52 rơi ở hồ Ngọc Hà, cảnh bắt phi công Mỹ trên đồi, bộ đội và dân quân bắn rơi máy bay Mỹ… Có vẻ ít người để ý đến bức tranh có vẻ lạc đề của tôi.
Ngày cuối cùng, khi cậu nhân viên bảo vệ đang cất bức tranh vào cốp xe cho tôi thì nghe thấy tiếng nói:
-Có phải bức tranh vẽ cậu bé cầm chiếc ấm bên giếng nước đó không?
Tôi giật mình quay lại, đó là một ông cụ tóc đã bạc, dáng người gầy. Ông bị mất một chân, tay chống gậy và đang được một bạn trẻ dìu đi.
- Tôi nghe người ta nói đến bức tranh đó, muốn tìm đến người vẽ để hỏi thăm.
Giờ thì tôi mới nhận ra đôi mắt ông cụ bất động, hình như tất cả chỉ dựa vào cảm nhận của đôi tai. Bàn tay gầy của cụ run run chạm vào bức tranh, miệng mấp máy giây lát rồi mới cất thành tiếng:
- Một cậu bé có cái trán dô, đôi mắt mở to tinh nghịch, tay cầm chiếc ấm đồng đang đi từ giếng nước về bếp nhà sàn…
Nói đến đây, giọng ông như bị thời gian cô đặc lại. Linh cảm mách bảo, tôi vội vã gọi anh Văn. Anh Văn đến, cũng lặng người đi. Tôi không muốn hỏi nhiều, sợ làm phiền những suy tư của anh.
Trong nắng chiều cuối hạ, tôi đi lững thững, phía trước tôi là hai người đàn ông, một đã như hoàng hôn nhưng còn rực đỏ, một đã xế bóng, họ dìu nhau về bên thành giếng xưa. Trong thời khắc ấy, những đám mây trắng đang rong chơi, bầu trời ở Bui xanh cao an nhiên như ngàn năm vẫn vậy. Và trong tĩnh lặng đó có hai giọt nước mắt cùng rớt xuống lòng giếng. Họ đã gặp được nhau sau chiến tranh với những thương tích nhưng cùng trở về trong giây phút trẻ mãi như tuổi hai mươi.
BÙI VIỆT PHƯƠNG