Hoài niệm xe trâu đạp nước

.

Xe trâu đạp nước là một nông cụ cách đây gần một thế kỷ, ngày nay không mấy người hiểu và thấy được. Qua tìm hiểu tài liệu và chuyện kể từ những người cao tuổi trong làng thì biết rằng xe trâu đạp nước là sự cải tiến xe đạp nước bằng chân có xuất xứ từ làng Đông Bàn đất Gò Nổi (nay là xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Ông Hà Thao bên mô hình xe trâu đạp nước do ông thiết kế. Ảnh: H.S
Ông Hà Thao bên mô hình xe trâu đạp nước do ông thiết kế. Ảnh: H.S

Xe đạp nước bằng chân (người địa phương gọi là xe chưn) do Tiến sĩ Phạm Phú Thứ (quê Đông Bàn) đưa ứng dụng mô hình xe gió ở Ai Cập, sau khi ông đi sứ ở Pháp và Tây Ban Nha về. Ông nắm được kỹ thuật chế tác xe đạp nước và hướng dẫn bà con làm nhằm phục vụ việc trồng lúa nước của người dân quê nhà, sau đó được các nơi học tập, áp dụng phổ biến.

Ông Hà Thao (85 tuổi), nhân sĩ của làng Phong Ngũ, xã Điện Thắng Nam, đã tự làm một mô hình xe trâu đạp nước (ông gọi tắt là xe trâu) rất kỳ công với đầy đủ các chi tiết như xe thật ngày trước. Ông kể, ngày xưa muốn dựng một chiếc xe trâu, trước hết phải chọn địa điểm, thủy thế, đồng thời phải là người có năng lực tài chính, có uy tín để đứng mũi chịu sào, kêu gọi những điền chủ khá giả hùn hạp chung vốn, chung trâu. Chi phí dựng một xe trâu là khoảng vài ngàn ang lúa, so với bây giờ giá trị lớn lắm.

Xe trâu có công suất lớn hơn nhiều so với xe chưn, tùy điều kiện và địa điểm thuận lợi, mỗi xe có thể tưới trên 10 mẫu ruộng. Thường là 4 điền chủ đứng một xe, chia làm 4 phiên chạy trong 100 ngày từ đổ bệ, bắt đầu rằm tháng Tư đến trước mồng Mười tháng Tám.

Xe trâu làm bằng gỗ và tre. Bộ khung là hệ thống nhông chuyền với kỹ xảo tinh luyện, thường đặt mua tại làng Đông Bàn, “quê hương” của xe đạp nước. Bộ nhông gồm 32 răng bằng gỗ chắc, tâm bánh răng là một trục quay gồm: Cốt đứng là trục đứng chịu lực quay bánh răng nằm và cốt nằm là trục nằm chịu lực chuyền từ bánh răng nằm quay bánh răng đứng.

Hệ thống trục và bánh răng ráp lại ăn khớp nhau bằng một cái khung hình chữ tỉnh [丼] khi thắt chốt thì vững vàng và chắc chắn. Để trục đứng đủ mạnh chuyền lực cho cốt nằm, người ta trồng hai cây gỗ to sâu xuống đất để làm chỗ tựa cho 3 thanh gỗ ngang. Thanh dưới khoét lỗ bán nguyệt đỡ đầu cốt nằm, thanh giữa ván dày khoét lỗ kèm đỡ đầu trụ cốt đứng, trên cùng tấm ván dày khoét lỗ tròn ôm sít cốt đứng. Những chỗ này đều được bôi trơn thường xuyên bằng dầu phộng để quay được nhẹ nhàng.

Ách là bộ phận gắn lên cổ trâu, khi cài trâu vào xe có răng ách và dây óng để giữ trâu đi đúng theo đường tròn quanh trục xe. Ách nối với trục qua cái sút và cái nài rồi qua đòn bắn để vừa chắc, vừa có độ nhún nên trâu cao, trâu thấp đều có thể đi được.

Khi xe khởi động, trâu đi mang ách, cốt đứng quay chuyền qua cốt nằm, cốt nằm quay hệ thống ống nước giống như vành xe đạp khổng lồ mang hệ thống ống tre nghiêng múc nước dưới sông đổ liên hồi ra xối hứng rồi chảy ra mương tưới.

Việc phân phiên thường chia 4 buổi, trâu nhà chạy trước. Người ta dùng một trục chỉ gắn vào cốt đứng để tính, gọi là phiên nước hay chỉ nước, tức là quay hết một trục chỉ tương đương 200 vòng là hết một buổi, tiếp đến là đến phiên thứ hai. Cứ như vậy mà luân phiên cho đến cuối vụ. Trổ bệ tưới ải mỗi phiên một ngày, còn tưới chế mỗi phiên một buổi.

Trại xe nằm gần mặt nước có hình chóp nón bằng tre lợp tranh rất công phu, che phủ cả bộ phận xe. Bên cạnh xe trâu còn có một trại cỏ, được làm bằng tre như giàn bí bỏ lá dừa để trâu vừa nghỉ mát vừa ăn cỏ tươi chất trong trại cho nhanh phục hồi sức. Đây cũng là chỗ nghỉ mát cho anh chị mục đồng và nông dân râm ran câu chuyện đồng án vụ mùa.

Việc đi tìm cỏ ngon cho trâu ăn trong mùa đạp nước là câu chuyện gian nan. Mùa đạp nước, trời nắng nóng, nam kiệt, trâu đuối sức, cổ lở, móng mòn, ăn không nổi, phải đi tìm cỏ tận Hà Dừa, Hà Quảng (phường Điện Dương ngày nay), hoặc Mân Thái, Mân Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) mới có cỏ ngon.

Nỗi niềm của chăn trâu được phản ánh trong bài “Vè đi cỏ”: Làm mùa Bát ngoạt/ Ăn cám trả vàng/ Ăn chay nằm đất kêu vang thấu trời/ Chuyện làm tóc rụng tả tơi/ Ban ngày đi cỏ tối thời nằm sương/ Tủi sầu nước mắt thê lương/ Nghiêng vai gánh giỏ trăm đường đã lo…

Người không có xe chưn, xe trâu thì đi cỏ cho nhà có xe trâu để họ trổ nước cho mình. Việc đi cỏ - trổ nước được “ăn chia” theo kiểu: Đi cỏ một tháng, chủ có xe tưới trổ nước cho một sào ruộng/mùa gọi là đi cỏ sào một.

Trâu đạp xe nước phải chọn mua trâu to, khỏe. Các cụ ngày xưa thường nói: “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” là 3 vấn đề quan trọng. Trâu đạp nước lại càng chọn kỹ hơn, ngoài việc kiêng cử truyền thống xoáy, khoan, trâu phải có “Sừng cánh ná, dạ bình vôi” rồi thì “Mồm gàu dai, tai lá mít, đít lồng bàn” hay là “chân cao mình dài, đuôi bẹ”. Những con trâu có các đặc điểm này thường ít bệnh tật, khỏe mạnh, dai sức và bền bỉ.

Từ xe chưn qua xe trâu là một bước tiến mới đối với phát triển kinh tế nông nghiệp ở làng Phong Ngũ. Trong ký ức của ông Hà Cừ (95 tuổi) ở làng Phong Ngũ ngày trước, xóm trên có 3 xe đặt ở mé bờ sông từ phía trên Miếu xóm đến góc vườn Đình, trong đó có xe của ông nội ông Hà Thao; dọc mương cầu Leo có 3 xe; dọc mương xóm và Miếu Giàng có 5 xe.

Giữa cánh đồng nổi lên trại xe hình chóp nón trông rất đẹp và gần gũi với cộng đồng làng, dân làng bấy giờ xem trại xe này như một cái cổng làng. Xe trâu đạp nước một thời đã khắc họa bức tranh nông nghiệp của một vùng đất vốn trù phú mà cha ông ta đã dày công khai phá và gầy dựng cho muôn đời con cháu mai sau.

HÀ SÁU

;
;
.
.
.
.
.