Lại nhớ những ngày huyên náo…

.

Chúng ta, chắc ai cũng từng đôi lần có những ngày mỏi mệt, thầm mong đường phố ngoài kia bỗng chốc lặng thinh. Vì chúng ta, ở nơi này, cần được nghe tiếng gió qua vòm cây, tiếng chim hót bên hiên nhà hay tiếng nói chân thành từ bên trong con người mình cất tiếng…

Đường phố Sài Gòn vắng vẻ trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đường phố Sài Gòn vắng vẻ trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nhiều khi chúng ta muốn bỏ phố về rừng chỉ đơn giản là chán nghét sự xô bồ của thành phố. Những ồn ào và vội vã cứ như cơn mưa trút xuống từng ngày không ngừng nghỉ, nhấn chìm tất cả bình yên mà chúng ta muốn níu giữ, thậm chí có lúc chỉ là một giấc ngủ nướng trong một sớm mai…

Thế rồi, Thành phố Hồ Chí Minh giãn cách vì đại dịch. Cứ ngỡ đâu chỉ là một tuần hay 10 ngày như bao lần. Nhưng rồi, một tuần lại một tuần nữa, thêm một tuần nữa… Phố vắng ban ngày đã đành, còn có cả lệnh hạn chế nghiêm ngặt hơn khi trời tối… Lòng người hôm nào chỉ mong đừng bị ai quấy rầy kể cả những thanh âm chung quanh, giờ bỗng nhiên có chút lo lắng vì đã trải qua quá nhiều ngày im vắng.

Buổi sáng thức dậy, pha một tách cà phê mà nghe rõ tiếng viên đá va vào thành ly khi khuấy chiếc muỗng. Cảm nhận được cả những sột soạt của trang sách khi mình lật sang. Không cần phải cố lắng nghe nhưng vẫn vang giọng trẻ con nhà bên cười đùa với ai đó…

Thính giác của chúng ta, sao bỗng chốc trở nên nhạy cảm đến thế?

Có một cuốn sách từng viết rằng: “Để sống một cuộc đời bình thường không quá khó. Nhưng để tiếp tục sống cuộc đời bình thường ấy thì sẽ cực kỳ khó khăn!”. Phố phường vắng đi những huyên náo một vài ngày - rất quý giá, nhưng nếu vắng đi những bộn bề ấy quá lâu - sẽ là một nỗi muộn phiền lớn lao… Ít nhất, là với những con người đang ở trong thành phố ấy.

Không mấy ai có đủ sự bình tâm để đối diện với những lặng lẽ dài đến thế này, nhất là khi chỉ cách đó không lâu vẫn băng mình qua những ngày kẹt xe, khói bụi và tiếng ồn bủa vây từ sớm tinh mơ đến tối mịt… Thế nên, cần lắm những liều thuốc tinh thần động viên nhau cùng thực hiện nghiêm túc các quy định để sớm vượt qua đại dịch.

Những ngày giãn cách là một trải nghiệm có khi hơn cả ngàn trang sách. Thật ra, về rừng để sống một cuộc đời bình yên thường sẽ rất đơn giản, vì nơi đó cây cối xum xuê, lượng oxy cao trong không khí khiến con người ít bệnh tật, bớt đi những bon chen thường nhật... Nhưng, ở ngay giữa thành phố với hàng vạn lo toan mỗi ngày nối nhau không dứt, mà vẫn có thể bình yên là chuyện chẳng dễ chút nào.

Sự bình yên được tìm thấy trong những bủa vây của tị hiềm, náo nhiệt… thật ra mới là thứ quý giá nhất và khó khăn nhất. Khi mà mỗi bước chân ra khỏi bậc cửa đều đối diện với sóng gió cuộc đời nhưng tim vẫn giữ được nhịp đập như vốn dĩ, thì con người ấy đi đâu cũng có thể bình yên, dù là núi cao hay vực sâu.

Suy cho cùng, khoảnh khắc nào trong cuộc đời này cũng có giá trị... Lúc huyên náo chính là lúc mình biết trân trọng hơn những giây phút lặng im. Lúc lặng im kéo dài mới nhớ, thì ra huyên náo là một thử thách, khiến mình có cơ hội trưởng thành trong từng lựa chọn và suy nghĩ.

Rồi theo cách nào đó, cuộc sống này, thành phố này cũng sẽ trở lại với những tất bật quen thuộc. Sẽ có nhiều con người cũ rời đi và lại có thêm nhiều người mới đến lấp đầy vào những khoảng trống ấy. Chỉ là tâm thức của mỗi con người khi bước qua những ngày giãn cách rất dài kia đã thay đổi.

Chúng ta có những ngày đau nhói tận tâm can. Những cơn đau có thể đến từ bên trong hoặc có thể nhìn thấy từ thế giới bên ngoài. Những phận người mong manh như một tiếng chuông gió ngân lên rồi mất hút theo ngọn gió vô tình đi qua trong chốc lát. Những được - mất không cần phải chạm tay vào mà vẫn biết…

Đại dịch rồi sẽ qua. Bình yên rồi sẽ trở lại. Song trước khi đó, chúng ta phải đón nhận tất cả những lạnh buốt mà cuộc đời mang lại, vì con người hay cỏ cây để trở thành cổ thụ đều phải cần thật nhiều những tháng ngày từng trải…

NGUYỄN PHONG VIỆT

;
;
.
.
.
.
.