LAN TỎA YÊU THƯƠNG

Thích nghi với cuộc sống trong mùa dịch

.

Dạo này anh nghe nhạc nhiều, gần như nghe cả ngày. Dàn âm thanh xịn là thứ anh luôn ưu ái sắm cho mình từ thời còn là sinh viên ở trọ, cho đến khi ra trường, mua nhà, có vợ. Anh thích âm nhạc, đôi khi là những bản hòa tấu, hay tiếng nước chảy trong không gian thiền, nhưng dạo gần đây anh nghe nhiều quá, mở cả ngày khiến chị phát cáu.

Một lần chị thẳng tay tắt nhạc, trong lúc đứa nhỏ đang liu riu chuẩn bị ngủ trưa, nhà thì nóng nực, bức bối... Và ngay lập tức chị thấy khuôn mặt anh rúm ró lại; liền đó, chị nghe tiếng xe cứu thương hú còi inh ỏi, có lẽ không phải một xe mà là nhiều xe. Nhà anh ở gần bệnh viện nên việc nghe tiếng còi xe cứu thương không phải xa lạ gì, nhưng không phải là tiếng còi nhiều hơn mọi ngày như thế này. Chị liền hiểu tại sao anh nghe nhạc thường xuyên...

Chuyện gì đang diễn ra ngoài kia, nhờ công nghệ mà mọi người ít nhiều đều dễ dàng tiếp cận thông tin, nhưng mức độ của nó có lẽ chỉ người trong cuộc, người ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19 mới biết rõ nhất.

Hôm ấy, chị đưa tay bật nhạc. Cả không gian sống hòa cùng âm nhạc. Chị hít sâu một hơi, yên tâm rằng sẽ không còn bất cứ tiếng còi hú nào nữa.

Ở nhà trong những ngày này, bạn bè siêng gọi điện hỏi thăm nhau hơn, câu cửa miệng là “Có ổn không?”, “Khu vực này có phong tỏa cứng không?”; hay những câu động viên, khích lệ nhau: “An lành nhé!”, “Giữ sức khỏe, hẹn gặp lại nhau khi hết dịch”...

Năm trước, việc khu vực nào đó phải thực hiện phong tỏa cứng, hay thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch ít nhiều cũng tạo tâm lý lo lắng ban đầu. Người thân, bạn bè ở ngoài khu phong tỏa không ngừng gọi điện hỏi thăm, tiếp tế đồ ăn, đồ dùng cần thiết, thì ở thời điểm này, mọi người đã dễ dàng thích nghi.

Mỗi người đều tự cân bằng chính mình trong không gian bị phong tỏa, bởi đó là điều an toàn nhất cho người dân mà chính phủ và thành phố đang làm để ngăn dịch lây lan. Thậm chí, có người còn lo xa, sắp sẵn ba lô đồ dùng để khi lực lượng y tế gọi đi cách ly tập trung thì không phải cuống quýt quên trước quên sau.

Trên mạng xã hội, người ta không còn khoe thành tích, hàng hiệu nữa mà khoe nhau bó hành, cọng rau… Có cả những niềm tự hào để khoe nhau rất cảm động như bỗng nhiên hàng xóm làm bánh mì, mang qua cho một ổ và treo ở cửa. Bánh mì mới nướng, nóng giòn, vàng ruộm. Ổ bánh mì bé tí ấy chẳng đáng gì ở thời điểm trước đây, nhưng trong lúc này thì quý giá biết bao! Nó xóa tan mọi hiềm khích từng có giữa hai nhà. Hay như một bà mẹ có đứa con học cấp 2, chỉ quen ăn thức ăn nhanh, giờ đây đến bữa thì ngoan ngoãn ngồi vào mâm cơm ấm nóng, biết gắp miếng bí đỏ cho vào miệng và còn khen ngon.

Cuộc sống bỗng thay đổi chóng vánh chỉ vì con virus bé tí tẹo.

Đừng trách một số người Sài Gòn sao mới khổ tí đã than thở. Hãy thông cảm cho người Sài Gòn, bởi họ chẳng bao giờ hình dung ra một ngày tiền cầm trong tay mà đành đứng sững sờ trước những quầy hàng rau trống rỗng trong siêu thị; chẳng thể bỏ ngay được thói quen ăn gì cứ lên mạng đặt qua các ứng dụng rồi có người giao hàng tận nơi như trước đây, càng không thể hình dung được có một ngày phải cuồng chân vì dịch… nên việc than thở cũng là hiển nhiên. Nhưng người Sài Gòn kiên cường lắm. Trong mọi khó khăn, họ tự biết cách xoay xở để vượt qua, giữ an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng, đồng thời còn tiếp sức cho nhau.

Một nhà văn ở Thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã viết những dòng trên trang Facebook cá nhân: “...Chẳng thể đong đếm nổi bao nhiêu phần quà là những mặt hàng thiết yếu cho đời sống được người dân Sài Gòn chuyền tay nhau, chia sẻ, kêu gọi, chỉ cho nhau nơi thiếu khó mà tìm đến trao gửi. Bằng mọi cách, từ xe hơi, xe ba gác, thậm chí xe gắn máy để dễ luồn lách vào hẻm sâu, ngõ cụt. Bữa cơm miễn phí cũng phát đến nhiều mảnh đời. Ai cần cứ nhận, ai nhận giúp cứ đến lấy cho người chẳng thể đến nhận được. Tất cả chẳng vụ lợi, tất cả là hoan hỉ, cho càng nhiều càng tốt”.

Những ngày này, mọi người đều cố gắng thích nghi để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, bằng cách ở an toàn trong nhà và giữ gìn sức khỏe, tinh thần thật tốt. Thay vì than thở, lo lắng, mỗi người tự nâng cao năng lượng cho chính bản thân mình bằng những ý nghĩ tích cực nhất có thể. Thứ năng lượng tích cực ấy giờ đây cần thiết không kém bó rau, cọng hành, để tin rằng những nỗ lực của mọi người đang vất vả ngoài kia sẽ được đền đáp xứng đáng trong thời gian sớm nhất.

Còn bây giờ thì cả nhà mình cùng nghe nhạc nào!

ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.