VẮC-XIN! VẮC-XIN!

Một ngày đi tiêm chủng

.

“Nói trước là đi miết đó nghe!”, những người làm công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đã xác định với gia đình như vậy, bởi vài đợt tiêm vừa qua dù gấp rút chưa từng có, nhưng dự báo công việc của họ sẽ còn khẩn trương và ở quy mô lớn hơn nhiều.

Chị Trần Thị Vân Anh (bìa phải) tranh thủ hướng dẫn nhóm sinh viên tình nguyện vào đầu buổi tiêm chủng. Ảnh: THU HOA
Chị Trần Thị Vân Anh (bìa phải) tranh thủ hướng dẫn nhóm sinh viên tình nguyện vào đầu buổi tiêm chủng. Ảnh: THU HOA

1. Mới chừng 7 giờ sáng, tại Bệnh viện Ung bướu, điểm tiêm chủng Covid-19 do Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đảm trách đã tấp nập, khẩn trương. Ở “hậu trường”, các bác sĩ, điều dưỡng và lực lượng hỗ trợ tập trung vào việc. Người khử khuẩn, vệ sinh lại các vật dụng, người kiểm tra chiếc loa gọi tên, nhóm khác lấy vắc-xin ra khỏi phích giữ nhiệt đúng thời điểm để thuốc vừa được bảo quản tốt, vừa không bị quá lạnh. Mọi người đồng thời nhanh chóng trao đổi thêm những vấn đề cần lưu ý...

Hoạt động theo quy trình một chiều (khai báo y tế - quét code - kiểm tra thông tin - đo mạch, nhịp, huyết áp - khám sàng lọc - tiêm - giám sát sức khỏe sau tiêm - trả giấy chứng nhận tiêm chủng) và phải bảo đảm không ách tắc ở bất kỳ khâu nào, nên mỗi bộ phận, mỗi việc từ nhỏ nhất đều phải hoàn tất gọn gàng để cả chuỗi cùng “chạy” trơn tru.

Đứng trên… sân khấu (sân khấu của một khu nhà trong Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng được trưng dụng làm nơi tập kết trang phục bảo hộ của đội tiêm - PV), chị Trần Thị Vân Anh, Điều dưỡng trưởng của đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, người được phân công quản lý chung điểm tiêm chủng này, miệng nói tay làm, quay sang nhắc nhở nhóm tình nguyện viên rồi quay lui trao đổi với các bộ phận khác.

“Ai cũng phải làm hơn số việc được phân công, cứ tạm ngớt việc mình thì vào giúp người khác một tay tùy từng vị trí. Người quản lý càng không ngồi yên một chỗ giám sát, việc nhiều làm kiểu đó sao hết”, chị Vân Anh bộc bạch. Mà quả thật, chị cứ thoắt ẩn, thoắt hiện trong dòng người áo xanh bịt bùng. Tìm được chị vừa khó lại vừa dễ. Khó vì chị không chỉ ở một chỗ như các vị trí khác, nhưng cũng dễ nhận ra chị qua dáng vẻ nhanh nhẹn, luôn tay luôn chân. Có khi chị ở vòng ngoài để bảo đảm mọi người đứng đúng khoảng cách, có khi chị lúi húi hướng dẫn thủ tục cho một ai đó hoặc xử lý tình huống phát sinh. Vòng ngoài tạm ổn, chị lại chạy vào bàn tiêm hỗ trợ sạc thuốc hoặc luân phiên tham gia tiêm để điều dưỡng khác ngơi tay. Trung bình một ngày mỗi điều dưỡng tiêm 150-200 mũi và cũng thêm từng đó lần phải sạc thuốc nên cứng đờ tay. Nhưng chừng đó chưa phải là tất cả công việc của một người quản lý điểm tiêm như chị.

Mỗi sáng, lúc 6 giờ, sau khi chuẩn bị cơm nước cho cả gia đình, chị Vân Anh bắt đầu di chuyển từ nhà ở phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) để đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi nhận thuốc. Số lượng mỗi ngày nhận tầm 60-90 lọ vắc-xin, tương đương 700 - 1.000 liều. Trên mỗi lọ thuốc, chị đều tự tay đánh số thứ tự và trên mỗi ống tiêm chị hướng dẫn các điều dưỡng đánh số để biết mũi tiêm đó là liều thứ mấy của lọ số mấy.

Thủ công, tỉ mẩn hơi tốn thời gian nhưng đó là khâu rất quan trọng để truy lại thông tin liều thuốc khi cần. Và nếu có bị cuốn trong bận bịu đến đâu, chị cũng phải nhớ hai mốc thời gian vào gần cuối buổi sáng và buổi chiều để báo cáo thông tin về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC Đà Nẵng).

Đến cuối ngày tiêm, quy trình kiểm đếm lặp lại lần nữa nhưng lần này chị Vân Anh đếm từng vỏ lọ để mang về bệnh viện xử lý đúng quy trình y tế và những phần thuốc chưa dùng hết (do phát sinh trường hợp không thể tiêm) để bàn giao. Mấy đợt trước, sau mỗi buổi tiêm, với chị và các điều dưỡng là chưa thực sự hết việc, bởi các chị phải ôm hàng trăm hồ sơ về tranh thủ ban đêm hoàn thành giấy xác nhận tiêm chủng. Từ đợt cuối tháng 7 đến nay, nhờ có lực lượng sinh viên mang máy tính đến hỗ trợ làm hồ sơ nên việc trả chứng nhận cho người dân nhanh chóng và được thực hiện tại chỗ.

TS.BS.Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, chị Trần Thị Vân Anh xung trận ngay từ đợt đầu tiêm chủng cộng đồng, khi chị vừa xuất viện sau mổ K tuyến giáp 1 tuần. Với trình độ chuyên môn, bề dày kinh nghiệm và sự tận tâm, cống hiến, chị đóng vai trò không nhỏ trong vận hành đội tiêm chủng của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, giúp đội hoàn thành tốt nhiệm vụ trong các đợt tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 vừa qua và sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới.

2. Chức danh của chị Vân Anh ở đội là quản lý, nhưng không chỉ kiểm soát việc chung, mà từ thùng nước uống đến bữa ăn trưa của anh chị em, chị cũng  là người trực tiếp đặt hàng, coi ngó việc thiếu đủ. Hôm nay, cả đội ăn bánh canh 25.000 đồng/tô đặt ở căng-tin bệnh viện. Thường mọi hôm gọi cơm, nhưng thời tiết nóng bức hầu như không ai ăn hết suất của mình nên đổi sang món nước cho dễ nuốt. Dù bận rộn nhưng chị vẫn cố gắng chăm lo chu đáo cho mọi người.

12 giờ trưa, tranh thủ vài phút ít ỏi thư giãn dưới gốc cây đầy gió mát trước sân bệnh viện, chị trải lòng nhưng không phải về mình mà về những “đồng đội” đang cùng nhau làm nhiệm vụ. Bước qua tuổi 50 và có thâm niên 30 năm làm nghề, những ngày này với chị là trải nghiệm thật sự đặc biệt. Có hao lực, nhưng trên tất cả, chị thấy thật ý nghĩa khi làm công việc này. “Từ người bán hàng rong đến mọi ngành nghề khác đều lao đao vì dịch, mình còn có công việc để làm, việc ấy lại góp phần chống dịch nữa thì may mắn quá còn chi. Mà thật ra, nếu không có sự giúp sức của các em sinh viên tình nguyện và các chú bộ đội thì riêng cán bộ, nhân viên y tế sẽ không thể hoàn thành công việc đồ sộ như vậy. Khâu này thông suốt, khâu khác mới trôi chảy nên vị trí của ai cũng rất quan trọng”.

Rồi chợt nhớ thêm đôi điều, chị nhắc: “Em nhớ viết về mấy anh chị em hậu cần ở nhà nữa nhé. Phải có bộ phận lo tổng hợp danh sách, chuẩn bị trang thiết bị, vật tư, lập kế hoạch, tổ chức nhân sự, nói chung là dù họ không xuất hiện nhưng nhờ có sự góp sức trước đó thì cả đội mới bắt tay vào việc được. Cả sự quan tâm sát sao của lãnh đạo bệnh viện nữa…”.

Hình ảnh thư giãn hiếm hoi của đội tiêm chủng Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Ảnh: THU HOA
Hình ảnh thư giãn hiếm hoi của đội tiêm chủng Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Ảnh: THU HOA

3.Tính đến đầu tháng 8 này là đợt thứ tư chị Vân Anh cùng đội Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tham gia chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19. Khối lượng công việc tùy thuộc vào lượng vắc-xin được phân bổ về, nhưng cơ bản số mũi tiêm của đội đợt sau thường nhiều hơn đợt trước, trung bình 3.000 - 5.000 mũi mỗi đợt. Ê-kíp của đội với hơn 30 người (gồm 14 bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng; 1 bác sĩ, 5 điều dưỡng của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng; 6 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố; 11 sinh viên của Trường Đại học Kỹ thuật y dược Đà Nẵng và 2 nhân viên vệ sinh của Bệnh viện Ung bướu) được xem là khá hùng hậu so với quy định trung bình về lực lượng tại mỗi điểm tiêm.

Tuy nhiên, trên thực tế, để bảo đảm công việc được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi với số lượng người đến tiêm lớn, mỗi người trong đội phải làm trên năng suất của mình. Các bác sĩ đều có chứng nhận khám sàng lọc và tất cả điều dưỡng phụ trách tiêm đều có chuyên môn trong công tác tiêm chủng. Không những thế, mọi người đã được tập huấn chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 từ cách cầm lọ, lắc thuốc, hút chuẩn liều lượng… Với chị Vân Anh, đây là niềm tự hào khi được tham gia một ê-kíp rất chuyên nghiệp.

Kết thúc mỗi đợt tiêm, các bác sĩ, điều dưỡng được bệnh viện sắp xếp nghỉ ngơi một thời gian ngắn để lấy lại sức trước khi bắt đầu chuỗi làm việc mới. Cũng như các thành viên trong đội, chị nói mình luôn sẵn sàng về mặt tinh thần, sức khỏe để thực hiện ngay nhiệm vụ: “Nếu phải đi tiêm nhiều hơn, gấp rút hơn nữa cũng càng... tốt, vì như vậy đồng nghĩa tạo thêm kháng thể cho cộng đồng. Chẳng lẽ cuộc sống, kinh tế khổ vì dịch mãi sao. Mong có nhiều vắc-xin để mọi người khỏe mạnh, sớm trở lại bình thường”.

Nghe giọng chị nằng nặng, tôi hỏi có phải do nói liên tục suốt những ngày qua không, chị mới tiết lộ vừa mổ K tuyến giáp cách đây 2 tháng. Sức lực chưa trở lại “đỉnh cao” nhưng chị cảm nhận mình hoàn toàn khỏe, đủ tự tin để tự nguyện nhận nhiệm vụ này. Các em trong đội nói vui chị làm “vì đam mê”, chị cũng xem đấy như một lời khích lệ. Với bản thân, chị chỉ có một mong ước và điều này cũng được chị mang theo trên đường mỗi sáng đến nơi làm việc: “Tôi chỉ cầu mong một ngày yên lành cho tất cả. Ai đến tiêm cũng khỏe mạnh, bình an. Như vậy là quá đủ để hạnh phúc rồi”…

Tôi chỉ cầu mong một ngày yên lành cho tất cả. Ai đến tiêm cũng khỏe mạnh, bình an. Như vậy là quá đủ để hạnh phúc rồi”…
Chị Trần Thị Vân Anh, Điều dưỡng trưởng của đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng

Ghi chép: THU HOA

 

;
;
.
.
.
.
.