Chính phủ của Tổng thống Joe Biden khuyết nhiều vị trí

.

Hơn 4 năm trước, chính phủ mới của ông Donald Trump bị chỉ trích nhiều vì chậm chạp trong việc đề cử, phê chuẩn hàng trăm vị trí cấp cao của Mỹ. Tình trạng này đang tái diễn với chính phủ của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc họp nội các tháng 7-2021.  Ảnh: New York Times
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc họp nội các tháng 7-2021. Ảnh: New York Times

Nếu nói về số đề cử, tới thời điểm này, chính phủ của ông Biden đi nhanh hơn chính phủ tiền nhiệm, song về số nhân sự đã được phê chuẩn thì hai chính phủ tương đương nhau.

Mới phê chuẩn127/800 vị trí

Tờ New York Times, một trong những tờ báo lớn nhất ở Mỹ, cũng là một trong những tờ “thân” đảng Dân chủ, thừa nhận có nhiều vị trí trong nội các khuyết hơn so với thời ông Donald Trump.

Theo New York Times, giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 còn quá nóng, chính phủ mới dù đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2021 nhưng vẫn chưa thể phê chuẩn ghế lãnh đạo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), cũng như chưa duyệt xong vị trí đại sứ Mỹ tại Afghanistan để có thể quản lý cuộc khủng hoảng tại quốc gia Nam Á này sau khi Washington chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử mà họ từng can dự.

Tổ chức Hợp tác vì dịch vụ công (Partnership for Public Service) - một tổ chức độc lập không liên hệ với đảng phái nào và chuyên theo dõi các vị trí khuyết thiếu trong bộ máy nhân sự chính phủ Mỹ, đồng thời tư vấn cho chính phủ về giải pháp cải thiện cũng như xúc tiến quá trình phê chuẩn nhân sự để kiện toàn bộ máy quản lý - mới đây đã có những phân tích về vấn đề nói trên. Chia sẻ với truyền thông, ông Max Stier - người đứng đầu tổ chức Hợp tác vì dịch vụ công cho rằng, nguyên nhân của tình trạng chậm trễ này không phải chỉ bắt nguồn từ bản thân các chính phủ, hoặc của ông Trump trước đây hay của ông Biden hiện nay, mà từ những khuyết điểm trong hệ thống lãnh đạo đã dẫn tới một chuỗi sai lầm, thất bại.

Cụ thể hơn, theo ông Max Stier, chính phủ có khoảng 800 vị trí nhân sự được tổ chức Hợp tác vì dịch vụ công cho là cơ bản nhất. Trong đó, hiện chỉ có 127 vị trí đã được phê chuẩn, còn 206 vị trí đang chờ được phê chuẩn và vẫn còn một lượng đáng kể (vài trăm) vị trí khác cần được đề cử. “Thật khó tin, nhưng chúng ta đã trải qua 7 tháng của chính phủ này”, ông Max Stier nói, ví von Thượng viện Mỹ đang hoạt động như một xa lộ hai chiều và xảy ra “một vụ tắc nghẽn giao thông lớn” khi có quá nhiều những ưu tiên lập pháp, các vấn đề ngân sách cần giải quyết và các đề cử nhân sự trong khối tư pháp. Chừng ấy thứ khiến công tác đề cử, phê chuẩn những vị trí nhân sự liên tục bị đẩy xuống trong danh sách thứ hạng ưu tiên trong công việc của Nhà Trắng.

Đề cử khó, phê chuẩn khó hơn

Mối liên hệ qua lại giữa quá trình đề cử và phê chuẩn là nguyên nhân khiến mọi thứ khó khăn và chậm trễ hơn. Một trong những thách thức lớn mà bất cứ chính phủ nào cũng đối mặt là phải nghĩ tới khả năng được phê chuẩn nhân sự đề cử. Một quá trình phê chuẩn khó khăn sẽ khiến giai đoạn đề cử phức tạp hơn.

Chưa hết, mọi chuyện còn phức tạp thêm khi một ứng cử viên hiện tại sẽ không thể đảm nhiệm vị trí quyền lãnh đạo ở vị trí đó, theo một quyết định gần đây của Tòa án Tối cao Mỹ. Chẳng hạn, nếu chính phủ của Tổng thống Biden đề cử bà Janet Woodcock làm ủy viên FDA, bà sẽ phải từ chức khỏi vị trí đang giữ là Quyền Ủy viên FDA.

Đến lúc này, theo đánh giá của tổ chức Hợp tác vì dịch vụ công, Bộ Ngoại giao Mỹ là một trong những cơ quan còn khuyết nhiều vị trí nhân sự quan trọng nhất. Mãi tới ngày 20-8 vừa qua, Nhà Trắng mới công bố đề cử ông Nicholas Burns làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, nhưng vị trí này đang còn chờ Thượng viện phê chuẩn. Cũng trong ngày 20-8, ông Rahm Emanuel - cựu Chánh Văn phòng Nhà Trắng, cựu Thị trưởng thành phố Chicago của bang Illinois - được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, vị trí bị bỏ trống trong thời gian dài sau khi cựu Đại sứ Mỹ William Hagerty từ chức vào tháng 7-2019 để tranh cử vào Thượng viện.

TRẦN ĐẮC LUÂN (theo New York Times)

;
;
.
.
.
.
.