Ai đậu hũ không…?

.

1. Con ngõ vắng tanh.

Không bóng người thấp thoáng qua lại.

Chỉ có tiếng gà gáy từ vườn ai vọng tới loang loáng trên màu lá xanh um.

Mọi khi giờ này là người đàn bà bán đậu hũ đạp xe chạy ngang ngõ, cất tiếng rao mềm như bài hát ru: “Ai đậu hũ… không?”. Những ngày cả thành phố tạm ngừng hoạt động để phòng, chống Covid-19, những tiếng rao ơi à cũng phải ở nhà, không được ra đường tung tẩy. Nhiều người chợt nhận ra rằng, tháng ngày chợt buồn hơn khi những tiếng rao không còn nhảy nhót trên đường làng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Người đàn bà bán đậu hũ trên chiếc xe đạp cà tàng tróc sơn trở nên quá quen thuộc với người trong xóm. Quen đến nỗi người ta không còn nhớ rõ khuôn mặt khắc khổ của chị mà nhớ mỗi tiếng rao mềm mịn, ngọt ngào như bát đậu hũ trắng phớ chan nước đường bát thắng kẹo pha chút gừng tươi. Mỗi khi tới ngã ba đầu xóm, chị dừng xe lại cất tiếng gọi mời. Trẻ con nghe tiếng rao từ xa đã giục mẹ cho tiền rồi lon ton chạy ra đầu ngõ ngồi đợi. Người già thủng thỉnh tìm cái bát con, lục túi lấy mấy ngàn đồng tiền lẻ xếp ngay ngắn chờ người bán đậu đi ngang qua rồi gọi vào tận nhà để mua.

Những lần trời mưa, đậu ế chỏng chơ. Người đàn bà và xe đậu hũ co ro ở đầu xóm. Tiếng rao ướt nhẹp run run chìm vào từng con ngõ. Người già chép miệng than: “Chu choa, mưa ri đậu nguội ngắt rồi bán cho ai?”. Than xong lại lần miệng túi áo, mở chiếc ghim băng lấy tiền sai bọn nhỏ ra mua giùm kẻo tội. Có hôm, mưa tối mặt tối mày, cửa nhà ai nhà nấy đóng chặt. Tiếng rao khàn đặc không thể lọt vào khe cửa. Bữa ấy, cả nhà chị ăn đậu hũ trừ cơm.

2. Chị nói đã có hơn 40 năm gánh đậu hũ trên vai, cũng có nghĩa là chừng ấy năm cất tiếng rao trên cuộc đời này. Trong 40 năm ấy, nhiều đứa trẻ đã lớn lên trong tiếng rao của chị. Những đôi lứa yêu nhau thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái… để rồi mỗi sáng nghe tiếng rao đầu ngõ mà nhớ chuyện ngày xưa!
Mà cũng lạ! Tiếng rao của người bán đậu hũ lúc nào cũng chính xác như được lập trình. Cứ mỗi lần nghe tiếng rao chơi vơi cất lên ở ngã ba đầu xóm là y như rằng mấy mẹ, mấy chị lại nhắc bọn nhỏ: “Tám rưỡi rồi tề. Lo học bài rồi xuống nấu cơm chớ răng đù đưa đủng đỉnh hoài rứa!”.

Tôi gọi người đàn bà bán đậu hũ là người nghệ sĩ hát rong tài hoa bởi tiếng rao thiết tha đầy cung bậc cảm xúc của chị. 40 năm hát mãi một bài ca nhưng khán giả không bao giờ thấy cũ mòn. Trái lại lúc nào cũng mong chờ đến thao thiết những ngày nắng đẹp để tiếng rao của chị trong trẻo đến lạ. Tiếng “ai” ngân nga kéo dài như cơn gió nồm thổi qua cánh đồng mát rượi rồi hạ xuống ở ba tiếng “đậu hũ… không?” nghe ngọt lịm như người Nam Bộ “xuống xề” trong câu hát cải lương. Hôm trời se se lạnh, tiếng “ai” chợt trầm xuống để hai tiếng “đậu hũ” vút lên đánh thức mùi gừng cay rưng rưng trong muỗng đường bát thắng keo màu nâu đậm.

Có người hỏi, sao không thu âm tiếng rao rồi phát bằng loa máy như những người bán hàng khác cho đỡ mệt và có vẻ... hiện đại hơn, chị cười bảo, rao mấy chục năm quen rồi, chừ đi bán không rao cái miệng hắn buồn. “Mà người ta quen giọng mình rồi nhớ nên mới mua ăn. Chớ tự dưng rao máy, ai cũng như ai thì làm răng khách nhớ cho được!”.

Dường như cái lý lẽ hồn nhiên ấy đã khiến bao nhiêu người ở cái xóm nhỏ này trở thành “con nghiện” món quà quê gây thương nhớ.

3. Có lẽ hơn 40 năm qua, trong cuộc đời bán hàng rong của mình, người đàn bà bán đậu hũ chỉ duy nhất là giải phóng đôi chân, đôi quang gánh, chiếc hũ sành đựng đậu bằng chiếc xe đạp thồ và chiếc thùng giữ nhiệt bằng nhựa đựng đậu mà thôi, còn tiếng rao là bất biến...
Tháng Tám, những cơn gió từ phía Nam thổi mạnh phả vào giàn bầu trước ngõ những hơi nóng kinh người. Bầy chó sủa vu vơ cuối xóm buồn hiu hắt. Có tiếng người hỏi bên hàng rào: “Mấy giờ rồi hè?”. Bỗng mơ hồ nghe trong gió tiếng thánh thót rao: “Ai… đậu hũ không?”

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.