Hồ sơ tư liệu

Sự trở lại của Taliban ở Afghanistan

.

Taliban đã công bố thành phần nội các trong chính phủ lâm thời Afghanistan. Ưu tiên trước mắt của chính phủ là cứu vãn nền kinh tế sau nhiều thập niên bị chiến tranh tàn phá, giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và nguy cơ từ các nhóm cực đoan.

Các chiến binh Taliban tại một khu vực do lực lượng này kiểm soát hồi năm 2020 tại Laghman, Afghanistan.  Ảnh: New York Times
Các chiến binh Taliban tại một khu vực do lực lượng này kiểm soát hồi năm 2020 tại Laghman, Afghanistan. Ảnh: New York Times

Vẫn còn nhiều câu hỏi về việc Taliban sẽ điều hành Afghanistan như thế nào, có thực sự tích cực như những tuyên bố của họ.

Đế chế Taliban “1.0”

Phong trào Taliban nổi lên năm 1994 giữa những hỗn loạn phát sinh sau khi quân đội của Liên Xô cũ rút khỏi Afghanistan năm 1989. Phong trào Hồi giáo này bắt nguồn từ các khu vực nông thôn của tỉnh miền nam Kandahar. Giữa bối cảnh loạn lạc, những cam kết của Taliban về việc đặt lên hàng đầu các giá trị của người Hồi giáo, quét sạch tham nhũng đã trở thành lời hiệu triệu hấp dẫn với đông đảo người dân Afghanistan khi ấy. Sau nhiều tháng liên tục chiến đấu, Taliban giành quyền kiểm soát hầu hết đất nước.

Năm 1996, Taliban tuyên bố thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo (Islamic Emirate) Afghanistan. Họ áp dụng giáo luật hà khắc của người Hồi giáo với những hình phạt công khai bị cho là tàn bạo đối với những tội lỗi, sai phạm. Họ cũng xóa sổ, hạ thấp vai trò của nữ giới, cấm phụ nữ đến trường và đi làm việc. Những người phụ nữ bị phát hiện ra đường không che mặt thì có thể bị phạt rất nặng. Những phụ nữ chưa kết hôn nếu bị nhìn thấy đứng cạnh một người khác giới cũng bị phạt rất nghiêm.

Trong giai đoạn nắm quyền, Taliban đã cho phép Osama bin Laden, một chiến binh Hồi giáo sinh tại Saudi Arabia, thành lập tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Ngày 11-9-2001, nhóm khủng bố này tổ chức loạt tấn công đánh sập tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới tại New York (Mỹ) và làm một khu vực của tòa nhà Lầu Năm Góc đổ sụp. Hàng ngàn người đã thiệt mạng trong thảm kịch đó.

Lúc ấy, Tổng thống Mỹ George W. Bush yêu cầu Taliban phải giao nộp trùm khủng bố Bin Laden và các thành viên của Al-Qaeda. Khi Taliban tỏ ra chần chừ, Washington quyết định điều quân tới Afghanistan tìm diệt Bin Laden. Cùng với chiến dịch không kích dữ dội, được sự hỗ trợ của các tổ chức chiến binh thuộc Liên minh Phương bắc chống Taliban, quân đội Mỹ và các đồng minh đã lật đổ chính quyền Taliban. Hầu hết các quan chức của Al-Qaeda và Taliban khi đó còn sống đều tìm đường lưu vong sang Pakistan.

Đồ họa: THANH HUYỀN
Đồ họa: THANH HUYỀN

Cuộc đua kiên nhẫn

Được sự che chở và giúp đỡ của quân đội Pakistan - lực lượng vốn nhận nguồn hỗ trợ tài chính rất lớn từ Mỹ để săn lùng các phần tử còn sót lại của Al-Qaeda, Taliban cải tổ thành một nhóm nổi dậy du kích. Khi Mỹ bắt đầu dồn nguồn lực cho cuộc chiến mới tại Iraq, giới chức Mỹ tuyên bố với thế giới rằng, Afghanistan đang trên lộ trình trở thành một nền dân chủ mới theo mô hình phương Tây với những thể chế hiện đại. Tuy nhiên, nhiều người Afghanistan bất an với một chính quyền bị rút ruột vì nạn tham nhũng tràn lan.

Trong bối cảnh ấy, Taliban dần lấy lại thanh thế và nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân, nhất là ở các vùng nông thôn. Lực lượng đông dần, họ còn chiêu mộ được các chiến binh xuất thân từ các gia đình Afghanistan từng chạy loạn trước đây sang Pakistan.

Taliban không gặp nhiều khó khăn khi Tổng thống Mỹ lúc ấy là ông Barack Obama mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Afghanistan lên khoảng 100.000 quân năm 2010. Vài năm sau, khi người Mỹ bắt đầu rút bớt quân, Taliban trỗi dậy mạnh mẽ trở lại. Phong trào Hồi giáo này tin rằng, trong cuộc đua kiên nhẫn, người Mỹ sẽ phải rút đi.

Sau khi tổn thất hơn 2.400 sinh mạng người Mỹ, tiêu tốn hơn 2.000 tỷ USD, tổn thất hàng chục ngàn sinh mạng dân thường và lực lượng an ninh của Afghanistan, năm 2020, Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump đã đi đến thỏa thuận với Taliban, tuyên bố lực lượng Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan khoảng giữa năm 2021.

Tới nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ cách tiếp cận của người tiền nhiệm, tiếp tục triển khai quá trình rút quân ngay cả khi Taliban bắt đầu chiếm được nhiều quận, huyện, thậm chí các thành phố.

Điều gì đến tất phải đến, chỉ trong 9 ngày kể từ khi Taliban chiếm được thủ phủ đầu tiên của một tỉnh, ngày 15-8-2021, họ vào thủ đô Kabul và giành chính quyền từ tay Tổng thống Mohammad Ashraf Ghani trước sự bất ngờ của Mỹ cũng như dư luận quốc tế.

Bàn cờ thế Afghanistan

Từ lúc Mỹ đàm phán thỏa thuận rút quân với Taliban hồi năm 2020, nhiều phụ nữ Afghanistan đã lo ngại họ phải đối mặt trở lại với việc bị tước đoạt cơ hội giáo dục, phát triển và khẳng định bản thân khi Taliban trở lại nắm quyền và tuyên bố tái lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan như giai đoạn 1996-2001.

Dù vậy, cho tới lúc này, các lãnh đạo Taliban dường như thể hiện họ đã là một “phiên bản” mới, linh hoạt và thân thiện hơn so với phiên bản “1.0” của giai đoạn 1996-2001. Lực lượng này đưa ra nhiều thông điệp trấn an rằng, người dân sẽ được an toàn, ngay cả với những người từng phục vụ cho chính phủ cũ cũng như cho Mỹ và lực lượng đồng minh.

Ở phương diện quốc tế, một trong những mối lo lớn nhất của Mỹ cũng như các nước khác là nguy cơ trỗi dậy của các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Afghanistan sau khi Mỹ rút quân. Trong bài bình luận đăng ngày 19-8 trên báo Wall Street Journal, ông Seth G. Jones, Phó Chủ tịch cao cấp kiêm giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng chính phủ của Tổng thống Joe Biden phải nhanh chóng có chiến lược giám sát vũ trang, trong đó sử dụng sức mạnh không quân và tình báo để săn lùng, tiêu diệt những kẻ khủng bố tại Afghanistan. Theo vị chuyên gia này, các cơ quan tình báo của Mỹ và phương Tây từ lâu đã biết Taliban có quan hệ gần gũi với Al-Qaeda cũng như các tổ chức khủng bố khác.

Trung Quốc có chung một phần biên giới dài khoảng 50 dặm (80km) với Afghanistan nên phần nào cũng có những lo lắng nhất định về sự hồi sinh của Taliban sẽ “kích động” một phong trào Hồi giáo khác trong cộng đồng người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở vùng tự trị Tân Cương. Giới quan sát cho rằng, Bắc Kinh có thể sẽ chính thức công nhận chính phủ mới của Taliban bởi việc này mang lại nhiều lợi ích cho Bắc Kinh từ các dự án tái thiết Afghanistan cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Hiện tại, Trung Quốc, Nga, Pakistan, Iran vẫn duy trì hoạt động bình thường các đại sứ quán của họ tại Kabul, trong khi các đại sứ quán khác sơ tán phái đoàn ngoại giao.

DƯƠNG KIM THOA 
(theo New York Times, Reuters, Wall Street Journal, NPR, France24)

;
;
.
.
.
.
.