Trồng rau thời giãn cách

.

“Nhà mình ai ở gần đường Phan Thanh, thích trồng rau quế tím, quế trắng, húng lủi và cẩm đỏ thì ghé đầu kiệt 98 Phan Thanh lấy nhé”, “Mình có 5 bó sam và mười giờ, 3 cây cẩm tím và ít rau quế giâm sẵn, ai ở gần khu vực Phan Thanh thích trồng thì ghé lấy, mình để ngoài hiên”, “Ai cần trồng hoa mười giờ nói mình cắt rồi tới lấy”, “Có 3 cây cà đã lớn, có bạn nào ở vùng xanh gần mình, thích đến lấy về trồng nhé”…

Con gái anh Trần Hòa (phường An Khê, quận Thanh Khê) bên những trái dưa vừa thu hoạch trong vườn nhà. Ảnh: T.Y
Con gái anh Trần Hòa (phường An Khê, quận Thanh Khê) bên những trái dưa vừa thu hoạch trong vườn nhà. Ảnh: T.Y

Cách vài tuần, chị Lê Thị Tứ (98/4 Phan Thanh, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) lại “rao” như vậy trên facebook cá nhân, như thể niềm vui trồng rau của chị không chỉ là chuyện ăn rau mình trồng, được hòa vào khoảng xanh hiếm hoi giữa phố, mà còn là niềm hân hoan chia sẻ sở thích trồng rau và những loại rau mình có.

"Chén canh cải này từ mảnh vườn cỏn con tôi cùng mẹ xới đất, vun trồng từ những ngày đầu tiên, từ bàn tay và những lời rót mật của mẹ, đã bắt đầu mang lại tươi xanh. Tôi thích nhất vẫn là ăn rau mà không sợ thuốc, không phải ngâm nước muối quá nhiều, quá lâu làm rau dập nát, mất ngon”.

Hồ Thảo Chuyên, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà

Niềm vui người làm vườn

Không vườn, không sân thượng, chị Tứ tận dụng khu vực hành lang dài 8m, rộng 70cm để trồng rau. Một khoảnh hiên nhỏ nhưng rau gì chị cũng mang về trồng, chăm sóc, sắp xếp không gian trong diện tích chật hẹp mình đang có. “Nếu chờ có sân thượng, có vườn, có sẵn mọi phương tiện mới trồng rau thì có lẽ tôi đã bỏ cuộc ngay từ đầu, nhưng thật vui vì tôi đã chọn cách bắt đầu, với những loại rau dễ mọc, khỏe và dễ chăm”, chị Tứ nói.

Không gian nhỏ hẹp nên cây lá nép vào nhau để vươn xanh. Chị Tứ quan niệm, cây gì sống sẽ tiếp tục chăm trồng, nên vườn nhỏ, nhưng tròm trèm trên dưới 30 loại cây, từ rau ăn lá, cà tím, cà trắng, bí đao, khổ qua, bắp cải, đinh lăng đến những loại cây gia vị không thể thiếu trong căn bếp gia đình như ớt, húng, quế, hành, ngò.

Xen trong khu vườn xanh của chị Tứ những ngày này là sắc màu của hoa mười giờ, sam, cúc bạch, phong lan. Cách đây mấy tháng, khi thành phố rục rịch các biện pháp phòng, chống Covid-19, chị Tứ nhanh tay mua hơn chục bao hạt giống, túc tắc ươm trồng, xem đó là cách sử dụng thời gian hiệu quả. Nhìn mấy quả dưa lưới vàng ươm do tay chị vun trồng, tôi hình dung được niềm vui của người làm vườn, như cách chị chia sẻ từng nhánh rau để trước hiên nhà, chỉ với một yêu cầu duy nhất: “ai thích trồng thì đến lấy”.

“Tôi chỉ mua đất, tro trấu, phân bò, phân trùn quế và tận dụng nước rửa thịt, cá, bã cà phê, vỏ trứng, vỏ trái cây, thân rau để tưới gốc hoặc ủ làm phân. Trồng rau theo phương pháp hữu cơ, thân, lá không mướt mờ nhưng ăn giòn ngọt, an toàn nên gia đình yên tâm sử dụng, nhất là trong thời điểm không tự do đi lại mua sắm như hiện nay”,  chị Tứ chia sẻ. 

Ngoài niềm vui với thói quen dậy sớm mỗi ngày, niềm vui được nhìn thấy cây cối đâm chồi nảy lộc, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Sơn (tổ 38, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) không nghĩ khoảng xanh gần 50m2 trên sân thượng lại giúp gia đình có nguồn rau tươi, sạch trong gần 2 tháng thành phố thực hiện giãn cách phòng, chống Covid-19.

“Đủ ăn thôi, nhà 3 người ăn ngày hết chừng nửa chậu rau, mình có 30 chậu, nhờ đó mà ở nhà gần 2 tháng vẫn có rau xanh”, anh Sơn tự hào nói. Chuyện trồng rau đối với gia đình anh Sơn khá đơn giản: “giâm cành, bón phân, tưới nước và chờ hái rau”. Bó rau muống, rau lang, rau húng... anh mua ngoài chợ, ăn phần ngọn chừa đoạn gốc cắm xuống chậu đất, sau một tháng chăm trồng sẽ cho thu hoạch thường xuyên. Theo anh, cách trồng rau từ nhánh phát triển nhanh hơn trồng từ hạt, nên với giống cây khỏe, nứt nhánh nhanh, anh đều tận dụng lại phần thân già trong những lần nấu nướng.

Như nhiều gia đình ở phố, trước đây vợ chồng anh Sơn chỉ trồng cây cảnh quanh nhà, nhưng sau 2 năm dịch bệnh, chuyện có thêm ít rau sạch tự trồng trong bối cảnh rau củ tăng giá, chợ búa chưa hoạt động trở thành động lực để anh tăng cường chăm sóc. Anh Sơn chia sẻ: “Tôi chọn loại dễ trồng như rau lang, rau muống, hành lá, cải cay, cải ngọt để nhanh cho thu hoạch. Thời điểm này do thường xuyên ở nhà nên gia đình có điều kiện chăm sóc vườn rau, vừa có thức ăn, vừa đỡ căng thẳng trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp”.

Anh Trần Hòa (phường An Khê, quận Thanh Khê) với niềm vui bội thu dưa lưới sau hơn 1 năm vừa trồng, vừa đúc rút kinh nghiệm. Ảnh: T.Y
Anh Trần Hòa (phường An Khê, quận Thanh Khê) với niềm vui bội thu dưa lưới sau hơn 1 năm vừa trồng, vừa đúc rút kinh nghiệm. Ảnh: T.Y

Lan tỏa kinh nghiệm trồng rau

Sau thời gian ngắn trở thành người làm vườn, anh Trần Hòa (phường An Khê, quận Thanh Khê) được nhiều người trồng rau sân thượng Đà Nẵng nhắc đến với biệt danh “Hòa dưa”. Bởi lẽ, trong vụ dưa gần đây, anh đã thu hoạch hơn 40kg với nhiều trái to tròn, cho vân nổi đẹp mắt.

Khoảng sân thượng của anh Hòa rộng chừng 25m2, nằm trên 4 tầng lầu, quanh năm gió lộng, nắng dày, được anh tận dụng trồng rau từ đầu năm 2020. Ban đầu là những chậu rau ăn lá, cà chua, bầu bí rồi lân la thử sức với các giống dưa lưới. Để tiết kiệm chi phí, anh trồng trong thùng xốp cũ, chậu nhựa đen rẻ tiền.

Anh cho hay, bắt đầu công việc này, anh bỏ ra khá nhiều tâm sức, nhất là khâu vận chuyển phân đất từ dưới nhà lên sân thượng. Vụ đầu tiên, anh trồng thử nghiệm 5 cây, có cây lớn giữa chừng gặp mưa bão làm thối gốc, có cây vừa ra quả đã bị chim trời phá sạch. Dù vậy, anh Hòa vẫn kiên nhẫn trồng lại vụ khác, sau khi lên mạng tham khảo thêm cách chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh.

"Chăm sóc cũng cực, nhưng khi bế từng quả dưa như những chú lợn con mang xuống nhà thưởng thức, hay biếu tặng người thân, bạn bè, cảm giác rất thú vị và hạnh phúc”

Anh Trần Hòa, phường An khê, quận Thanh Khê

Đầu năm đến nay, anh Hòa trồng hai vụ chính, cách nhau hơn nửa tháng với mục đích vừa trồng vừa học hỏi, quan sát thời tiết ảnh hưởng như thế nào đến sự sinh trưởng, phát triển cây dưa. Anh khoe, lứa gần nhất anh gieo 10 hạt thì nảy mầm 8 hạt, cây phát triển tươi tốt đến khi đậu quả. Trong 8 cây này, sau khi cắt tỉa, anh giữ lại 11 quả, mỗi quả khi thu hoạch nặng trung bình từ 1,5 - 2kg. Dưa chín cùng lúc, không ăn hết, anh mang chia sẻ cho người thân, bạn bè thân thiết. Ngoài dưa lưới, anh Hòa cũng trồng nhiều chậu cây ăn lá như rau lang, cải, dền để cải thiện mâm cơm ngày dịch.

Anh Hòa cho biết, thời gian này có nhiều người nhắn tin, gọi điện hỏi anh về cách trồng dưa lưới, nhất là trong điều kiện sân thượng chật hẹp, không thuận lợi cho việc chăm trồng. Với người mới trồng dưa, anh gợi ý nên trồng giống Moulin (dưa Nhật, ruột xanh), ưu điểm của giống này là cây khỏe, ít bệnh, dễ đậu quả (gần như tự thụ), quả ra liên tục từ gốc đến ngọn, giúp người trồng dễ dàng chọn trái tốt nhất để lại. Ngoài ra, giống Moulin cho lưới nổi đẹp, ruột xanh, thơm, ngon ngọt hơn nhiều giống dưa khác. Nhược điểm duy nhất của giống này là dài ngày, từ 55-60 ngày, quả không to như các giống khác và chỉ thích hợp khi trồng vào mùa hè.

Anh chia sẻ, ngay từ khâu làm đất nên trộn giá thể theo tỷ lệ 40-50% đất, 20-30% hỗn hợp phân bò, gà, cá, dê, 30% xơ dừa, tro trấu và rắc ít vôi bột, ủ 15 ngày trước khi trồng để bảo đảm đất tươi, ẩm, giàu dinh dưỡng. Khi chăm sóc, anh bón thêm phân trùn quế theo liều lượng thích hợp, ngoài ra, để đuổi chim tới phá cây, anh treo nhiều chai nhựa, vỏ lon có màu sắc, túi nilon và bắt sâu bọ hằng ngày.

Vườn dưa lưới trở thành nơi uống cà phê, trà sách của gia đình anh Hòa trong suốt thời gian dịch bệnh hoành hành. Mỗi sáng, anh mang ly cà phê lên ngồi nơi góc vườn, quan sát những quả dưa, tưới tắm cho thân, lá trong niềm hân hoan chào ngày mới. Anh nói: “Chăm sóc cũng cực, nhưng khi bế từng quả dưa như những chú lợn con mang xuống nhà thưởng thức, hay biếu tặng người thân, bạn bè, cảm giác rất thú vị và hạnh phúc”.

Trong những ngày Đà Nẵng giãn cách vì Covid-19, rau củ tươi trở thành mặt hàng xa xỉ, đặc biệt các loại rau gia vị như hành lá, gừng, sả, ngò gai, húng, quế. Từ chuyện “trồng chơi, ăn thật”, không ít người dân nghiêm túc hơn với chuyện trồng rau, cố gắng tự tạo cho mình một mảng xanh trên sân thượng, trước sân, sau vườn hoặc tận dụng lô đất trống.

Có thể nói, thời gian qua, được ăn rau sạch nhà trồng trở thành niềm vui thú của nhiều gia đình, như cách chị Hồ Thảo Chuyên (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) kể về cảm xúc khi ăn bát canh cải được vun trồng từ khu vườn của mẹ: “Chén canh cải này từ mảnh vườn cỏn con tôi cùng mẹ xới đất, vun trồng từ những ngày đầu tiên, từ bàn tay và những lời rót mật của mẹ, đã bắt đầu mang lại tươi xanh. Để khu vườn cỏn con rộng chừng 40m2, với gần 30 loại rau củ lên xanh tốt là quá trình làm đất, vun luống, bắt sâu, tưới nước, chăm bẵm mỗi ngày. Tôi thích nhất vẫn là ăn rau mà không sợ thuốc, không phải ngâm nước muối quá nhiều, quá lâu làm rau dập nát, mất ngon”.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.