Tương tác trực tuyến

.

Đầu năm học này, khi tất cả mới chỉ khởi động ở việc lập zalo lớp, thông báo, thắc mắc các hoạt động chuẩn bị cho việc dạy - học sắp tới thì tôi bị một phen hơi choáng khi tận mắt chứng kiến phụ huynh… mắng vốn công khai cô giáo chủ nhiệm ngay trên nhóm lớp! Những lời lẽ “tôi mệt mỏi với cô”, “tôi thấy cách hành xử của cô kỳ cục…” kéo dài suốt vài giờ đồng hồ chat qua chat lại.

Rồi dạo gần đây thông tin trên mạng đăng tải thường xuyên các video về những “va chạm” giữa học sinh/sinh viên với giáo viên/giảng viên. Cứ vài ngày lại nghe râm ran vài tình huống bi hài phát sinh trong các buổi học trực tuyến như chuyện sinh viên bị mời rời khỏi lớp khi không nghe rõ giảng viên nói gì vì trời mưa to; giảng viên quát tháo trên sóng bị sinh viên quay lại tung lên mạng; sinh viên vừa học vừa “làm bậy”…

Các vấn đề này đôi bên đã phân minh và cơ bản được giải quyết xong xuôi, nhưng khép lại một vài sự vụ như thế cũng chưa phải là hết mà càng cho thấy những ồn ào tương tự sẽ còn tiếp diễn muôn hình vạn trạng trong môi trường học trực tuyến, bởi có một thực tế là chúng ta dường như chỉ đầu tư kỹ - thuật mà chưa chú trọng trang bị kỹ - năng.

Nào sắm soạn máy tính, điện thoại, đường truyền, phần mềm, phần cứng, nào phương pháp giáo án điện tử, cách “làm chủ” công nghệ…, trong khi kỹ năng ứng xử, quy chuẩn tương tác trên môi trường mạng giữa người dạy và người học, giữa giáo viên và phụ huynh thì không thấy mấy. Nội quy, quy định đối với giáo viên, phụ huynh, học sinh trường nào cũng có, thậm chí có hơi nhiều như yêu cầu về thời gian vào lớp, trang phục, giày dép, tóc tai, đến việc trang điểm rất chi tiết.

Một số quy định phù hợp với điều kiện học trực tiếp hơn là trực tuyến vẫn được nhắc lại nhiều lần, trong khi những yêu cầu về tương tác trực tuyến đang rất bức thiết lại chưa có quy chuẩn mà chỉ dừng ở thỏa thuận riêng nên phát sinh mỗi người mỗi kiểu để có cái so bì, chấp nhặt nhau.

Cả tôi và các con đều đang học trực tuyến nên tôi không lạ gì các chiêu trò của người học trên nền tảng này để né bài vở. “Míc hỏng”, “cam hư”, loa rè để nhờ thầy cô nhắc lại câu hỏi (vì có chú ý đâu mà nghe!) hoặc để khỏi phải lộ diện, trả lời…, nhưng biết thế nào là thật, giả khi mỗi người ngồi một nơi rất khó kiểm soát.

Thầy, cô giáo thì mỗi người mỗi khả năng ứng xử trên mạng, độ linh hoạt và chuyên nghiệp trong xử lý các tình huống sư phạm phát sinh cũng tùy người. Chưa kể ý thức và cách trao đổi qua mạng của phụ huynh lại đủ kiểu nên thực sự đang rất cần một “cầu nối” đại loại như bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng mà nhà trường và ngành giáo dục phải thêm vào một cách cụ thể trong nội quy của mình để đôi bên “vin” vào đỡ mất lòng nhau.

Tò mò thăm dò một số người quen làm giáo viên về vấn đề này, họ cho biết chỉ được tập huấn cách sử dụng công nghệ, còn kỹ năng ứng xử trên môi trường dạy - học trực tuyến thì chưa. Để thích ứng với hoàn cảnh dạy kiểu mới, họ phải tự dặn mình và các đồng nghiệp tự nhắc nhau cẩn thận, cẩn trọng trong mọi tình huống, chuẩn mực hết mức để đỡ bị “bóc phốt” trên mạng như mấy sự vụ đáng buồn đã xảy ra.

Việc học trực tuyến dù bị cho là tạm thời thì không thể phủ nhận đây vẫn đang là giải pháp chính yếu ở nhiều địa phương. Khó thể nói trước sẽ còn học trực tuyến bao lâu, nhưng có một điều chắc chắn là khi nào dịch bệnh còn căng thẳng thì học trực tuyến vẫn là cứu cánh. Một nền tảng ứng xử phục vụ việc học trực tuyến đang là vấn đề nóng để việc học đi lên, đồng thời cũng phải bảo đảm truyền thống “tôn sư trọng đạo” vốn là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam.

CHÍCH BÔNG

;
;
.
.
.
.
.