THẾ GIỚI ĐỒ CŨ

Đồ "secondhand": Xu hướng thời trang mới

.

Xu hướng sử dụng quần áo "secondhand" đang được nhiều người trẻ Đà Nẵng yêu mến không chỉ bởi giá thành mềm, đáp ứng phong cách đa dạng mà còn giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Giới trẻ Đà Nẵng săn lùng đồ lạnh secondhand khi thời tiết se lạnh. Ảnh: N.B
Giới trẻ Đà Nẵng săn lùng đồ lạnh secondhand khi thời tiết se lạnh. Ảnh: N.B

Nhắc đến quần áo secondhand, hay còn được biết đến với những cái tên thân thuộc như đồ bành, đồ si, hàng thùng…, người ta thường nghĩ về sự đổ đống khổng lồ của “núi quần áo” rẻ bèo mà người mua phải ngồi xới tung để nhặt lựa. Tuy nhiên, hiện nay, quần áo secondhand đã được “nâng cấp” về chất lượng sản phẩm, và đang là xu hướng thời trang mới, được giới trẻ yêu thích bởi sự độc đáo, đa dạng và tươi trẻ.

Đa dạng phong cách

Một tối giữa tuần, tiệm “Vin Bối - Secondhand siêu rẻ” (đường Hải Phòng) rôm rả khách tìm lựa đầm len, ghile len, khoác len, blaze, áo lông cừu, áo măng tô kaki… Các sản phẩm secondhand ở đây mang phong cách thời trang nữ Hàn Quốc đang cập nhật xu hướng và rất phù hợp với thời tiết se lạnh.

Chị Nguyễn Thị Hoài Như (SN 1995, trú quận Hải Châu) cho biết, chị là khách quen của các tiệm secondhand, nhất là những nơi chuyên bán quần áo ấm. “Đồ len hay áo khoác nếu mua mới thường giá thành rất cao nên tôi tìm mua hàng secondhand, không chỉ bảo đảm tiêu chí rẻ mà còn đẹp, nhiều sản phẩm còn khó tìm thấy trên thị trường. Vậy là mùa đông năm nào tôi cũng có đồ “mới” diện với chi phí thấp…”, chị Như hồ hởi.

Dạo một vòng quanh thành phố, không khó nhận ra các cửa hàng đồ secondhand được bài trí khá bắt mắt, ấn tượng. Mỗi nơi đều theo đuổi phong cách thời trang riêng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, kích cỡ phù hợp với mọi đối tượng, từ tiểu thư đến cá tính, từ sang trọng, quyến rũ đến trẻ trung, năng động…

Nếu “Vin Bối - Secondhand siêu rẻ” hướng đến sự nữ tính thì “Bò Vintage” (đường Dũng Sĩ Thanh Khê (quận Thanh Khê) và đường Hồ Biểu Chánh (quận Hải Châu) lại đậm chất đường phố năng động với các sản phẩm chủ đạo, gồm: tee (áo thun cơ bản ít họa tiết hoặc trơn), quần nhung, sơ mi nhung, quần jeans…

Theo báo cáo năm 2021 của Thredup, một trang rao bán đồ cũ nổi tiếng tại Mỹ, kết hợp với công ty nghiên cứu thị trường GlobalData, giá trị của thị trường thời trang secondhand sẽ tiếp tục tăng đến 77 tỷ USD vào năm 2025. Vào năm 2020, số liệu cho thấy có 33 triệu người dùng lần đầu tiên mua quần áo cũ. Và theo khảo sát, 76% những người này dự định tiếp tục mua đồ cũ trong vòng 5 năm tới.

Nguyễn Trường Tú (SN 1998, trú quận Thanh Khê), chủ tiệm “Bò Vintage”, cho hay, tiệm hướng đến khách hàng là sinh viên, học sinh nên giá thành khá mềm, từ 10.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng mỗi sản phẩm. Vốn yêu thích thời trang, Tú ấp ủ dự định kinh doanh quần áo. Thế nhưng, sự lựa chọn dấn thân vào ngành quần áo secondhand là bởi… vốn ít.

“Tôi học đại học được một năm thì xin nghỉ vì cảm thấy không phù hợp. Sau quãng thời gian làm thêm nhiều việc, năm 2018, tôi quyết định khởi nghiệp. Gom góp tiền tiết kiệm cùng khoản tiền ba mẹ cho mua xe máy, số vốn khi đó chỉ vỏn vẹn 60 triệu đồng. Được người quen giới thiệu, tôi mày mò vào Sài Gòn tìm nguồn hàng bành”, Tú chia sẻ.

Thời gian đầu khởi nghiệp, Tú không có nhiều kinh nghiệm nên từng âm vốn nhưng đến nay, “Bò Vintage” đã được đông đảo bạn trẻ biết đến. Từ cơ sở đơn giản ban đầu, tiệm đã được đầu tư trưng bày, tăng sản phẩm, mở rộng cơ sở thứ hai.

Thời trang “thân thiện môi trường”

Nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh, nếu không chú ý đến cái tên “Bành Housee”, ít ai nghĩ cửa hàng đang kinh doanh quần áo cũ, bởi cách thiết kế độc đáo, ấn tượng với nhiều góc “chill” rất thơ chụp ảnh. Sản phẩm được bày bán ở đây cũng cá tính, đặc biệt với phong cách vintage, cổ điển. Đây là một trong những điều những người sáng lập “Bành Housee” chú trọng đầu tư trong định hướng kinh doanh với mong muốn thay đổi quan điểm về quần áo secondhand.

Với Nguyễn Lê Vi Trinh (SN 1994, trú quận Cẩm Lê), đồng sáng lập “Bành Housee”, kinh doanh quần áo secondhand không chỉ vì niềm đam mê với đồ bành, hay khao khát lan tỏa sự tự do, thể hiện cá tính độc nhất của mỗi người mà còn bởi sự quan tâm đến vấn đề môi trường.

“Tôi yêu thích thời trang nhưng cũng biết ngành công nghiệp thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường nhất thế giới. Vì vậy, tôi hy vọng, với “Bành Housee”, tôi có thể góp sức nhỏ bảo vệ môi trường, để mỗi bạn nữ đều có thể xúng xính quần áo đẹp nhưng vẫn góp phần giảm thiểu rác thải từ quần áo cũ”, Trinh bày tỏ.

Trinh hóm hỉnh: “Quần áo secondhand giống như tình đầu, là duy nhất, và nếu bạn không ngỏ lời thì sẽ không gặp lại lần nữa. Bởi vì mỗi món đồ hầu như đều là “độc nhất vô nhị”, đôi khi vì chần chừ suy nghĩ mà bạn vuột mất cơ hội sở hữu. Cũng vì sự độc đáo đó, chỉ cần khéo phối một chút, bạn sẽ có những bộ trang phục bao gồm đầy đủ các bộ phận, phụ kiện độc lạ, không lo đụng hàng…”. Vì vậy, “Bành Housee” thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ cách phối đồ với mong muốn các bạn trẻ có thêm nhiều gợi ý hay để làm mới trang phục sẵn có.

Có thể nói, sự thay đổi trong cách thức kinh doanh quần áo secondhand cũng như quan điểm mua sắm mới đã đưa đồ secondhand trở thành xu hướng thời trang hợp thời.

Theo Wikipedia, quần áo SIDA là tên gọi của một số mặt hàng quần áo cũ được bày bán ở thị trường Việt Nam, bắt đầu xuất hiện từ những năm cuối thập niên 1980. Nguồn gốc của những mặt hàng này là các thùng quần áo cũ do Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (viết tắt tiếng Anh là SIDA) của Thụy Điển viện trợ.

NAM BÌNH

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích