VĂN HỌC DÂN GIAN QUẢNG NAM - ĐÀ NẴNG

Góc nhìn của người yêu xứ Quảng

.

“Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say/ Thương nhau chưa đặng mấy ngày/ Đã mang câu ơn trọng nghĩa dày bạn ơi!”. Một bài ca dao độc đáo như vậy cũng đủ chất chứa biết bao giá trị tinh thần của người dân xứ Quảng. Sự thú vị này đã thôi thúc tôi, một người xa quê, tìm đến bộ sách Văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn (nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ).

Sách gồm 2.078 trang in, chia thành từng miền, cũng là không gian nghiên cứu: miền đồng bằng, miền biển, miền núi. Một dung lượng lớn kiến thức như vậy tưởng chừng mang lại cảm giác chán nản cho người đọc. Nhưng cuốn sách thực sự thú vị về cách sử dụng ngôn từ, lúc thì nhẹ nhàng, sâu lắng, thấm đượm chất thơ; lúc thì hào hùng ngợi ca vẻ đẹp của đất Quảng.

Qua mỗi chuyên luận, tôi hiểu thêm về lịch sử hình thành một vùng đất và đặc biệt là văn hóa ứng xử của người dân xứ Quảng. Bên cạnh đó, tác giả còn có góc nhìn đa chiều về những tác phẩm văn học dân gian, vừa mang tính chuyên sâu về đặc trưng thể loại, vừa mang tính gợi mở, tạo đòn bẩy để độc giả tự tìm tòi, khám phá nội hàm tác phẩm.

30 năm đi điền dã và biên soạn

Có lẽ, đặc sắc nhất của bộ sách chính là “các tác phẩm dân gian” quá phong phú của xứ Quảng. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp cận bộ sách văn học dân gian của một địa phương có số lượng tác phẩm nhiều như vậy, bao gồm truyện cổ dân gian (211 truyện), ca dao (1.305 bài), dân ca (499 bài). Ngoài ra, còn có rất nhiều tục ngữ, câu đố, đồng dao, vè.

Nhìn số liệu thống kê, cùng với hành trình hơn 30 năm đi điền giả và biên soạn, tu chỉnh, thực hiện một công việc được ví như “đãi cát tìm vàng”, sống hòa mình vào cuộc sống của nhân dân, đủ để thấy rõ sự quyết tâm, tận lực, tận tình của người viết sách. Nếu không có tình yêu, khát khao gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp cổ truyền cho quê hương, chắc hẳn không thể làm được.

Bộ sách Văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn (nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ) là những trang bút ký thấm đẫm chất thơ.
Bộ sách Văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn (nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ) là những trang bút ký thấm đẫm chất thơ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn từng lý giải, hiện nay, không thể tổ chức đi điền dã như ông đã làm trong hơn 10 năm đi khắp miền đất Quảng. Xã hội nông thôn Việt Nam đã thay đổi, không còn những người cao tuổi bảo lưu vốn văn hóa dân gian như cuối thập niên 70 và suốt thập niên 80 của thế kỷ trước. Ngày ấy, chính các hợp tác xã nông nghiệp đã nuôi và cho ông ở lại trong nhà của đồng bào, cùng chịu kham khổ với bà con, mới có thể sưu tầm, ghi chép được vốn văn nghệ, văn học dân gian. Ngày nay, không thể sống trong nhà bà con nông dân như vậy nữa.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn đã khá khôi hài khi bảo rằng, sở dĩ ông có thể lặn lội khắp miền quê xứ Quảng hơn 10 năm vì ông... bị vợ bỏ. Một người có gia đình không thể sống và làm việc lặn lội “đãi cát tìm vàng” như ông. Ngẫm lại, sự bộc bạch ấy rất có lý. Cho nên, phải thấy rằng bộ sách được ra đời từ quá nhiều cơ duyên ngoại cảnh và nhất là nhờ nỗ lực trí tuệ, tâm huyết của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn.

Những trang bút ký thấm đẫm chất thơ

Sự trân trọng, nâng niu những giá trị tinh thần của tác giả bộ sách còn được thể hiện qua những bài viết trên đường điền dã. Một xứ Quảng hùng vĩ với cảnh sắc non sông. Một xứ Quảng rất riêng qua giọng nói và tính cách ngay thẳng đến quá mức với hoa sưa rực vàng sắc nắng. Một xứ Quảng chất chứa biết bao kỷ niệm của người con xa quê. Tất cả được ký tạc qua từng con chữ với tình yêu và sự kiêu hãnh của người cầm bút.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng nói: “Chúng ta đã được đọc bộ sách 4 tập Văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng của Nguyễn Văn Bổn với trên 2.000 trang in, và cảm thấy thú vị khi dõi theo các phần Phụ lục “Viết trên đường điền dã”. Thực chất, đó là những tiểu luận về văn hóa - văn nghệ dân gian đất Quảng, dưới góc nhìn đương đại; đó là những tiểu luận  - hồi ức được thể hiện như là những trang bút ký thấm đẫm chất thơ”.

Là một nhà thơ nổi tiếng từ thập niên 60 của thế kỷ trước, Tần Hoài Dạ Vũ (Nguyễn Văn Bổn), bằng trí tuệ và kinh nghiệm sống của mình, đã “ghi nhận được những sự kiện lịch sử - xã hội vốn vẫn sống động, tươi mới trong lòng dân gian, và anh thấu hiểu, cảm nhận rồi viết lại bằng cả trái tim yêu quê hương, đất nước của mình, với giọng văn vừa khúc triết vừa đầy chất thơ và cả bằng sự hiểu biết thấm đẫm thực tiễn...” (Bùi Văn Tiếng: Một đời nâng niu văn học dân gian đất Quảng, in trong “Tri âm đời gọi”, Nxb Hội Nhà văn, 2018, tr. 334).

Mới đây, trong một bài viết đăng trên Tạp chí Non Nước của Hội Nhà văn Đà Nẵng, nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong, giảng viên Văn học của Đại học Khoa học Huế, cho rằng: “Không phải chỉ với 8 tập thơ và 3 tập ký, mà còn những công trình nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn - nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ đã trở thành một trong những người có công lớn trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa xứ Quảng, xứng đáng được coi là con người mang đậm phẩm chất văn hóa Quảng Nam - con người của bản lĩnh văn hóa hành động, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng nỗ lực dấn thân” (Phạm Phú Phong: Thơ Tần Hoài Dạ Vũ - ở góc nhìn thăm thẳm: đẹp và buồn, Tạp chí Non Nước, số 280, tháng 6-2021, tr.89).

Xét cho cùng, ý nghĩa thực sự của văn học là nhân đạo hóa con người. Xin mượn lời của nhà văn Đoàn Minh Phượng rằng “Và khi tro bụi rơi về/ Trong thinh lặng đó cận kề quê hương” để khép lại những suy nghĩ về những giá trị nhân văn mà bộ sách Văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng” của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn đã mang lại.

TRƯƠNG THỊ KIM NGÂN

;
;
.
.
.
.
.