Về từ viết tắt SICOVINA

.

* Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ trước năm 1975 có tên là SICOVINA Hòa Thọ. Vậy SICOVINA viết tắt của những từ nào và có ý nghĩa ra sao? Ở Đà Nẵng hiện có một doanh nghiệp có trang web được đặt tên sicovina thì có cùng ý nghĩa như thế không? (nguyenmyuyen2701... @ gmail.com)

- Trước năm 1975, Nhà máy Dệt Hòa Thọ trực thuộc Công ty Kỹ nghệ Bông vải Việt Nam, viết tắt là SICOVINA - Hòa Thọ. SICOVINA là viết tắt của cụm từ tiếng Pháp Société d’Industrie Cotonnière du Vietnam (Công ty Công nghiệp Bông Việt Nam).

Phân xưởng kéo sợi của Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ. Ảnh: V.T.L
Phân xưởng kéo sợi của Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ. Ảnh: V.T.L

Cuốn “Hiện tình kinh tế Việt Nam - Quyển I” của tác giả Nguyễn Huy (NXB Lửa Thiêng, 1972, Sài Gòn) cho biết lúc bấy giờ, Công ty Kỹ nghệ Bông vải Việt Nam có 3 nhà máy: SICOVINA - Phong Phú (Thủ Đức), SICOVINA - Khánh Hội (Sài Gòn) và SICOVINA - Hòa Thọ (Đà Nẵng). Ngành công nghiệp bông vải là ngành đứng đầu và phát triển nhanh nhất trong kỹ nghệ tơ sợi.

Theo lịch sử hình thành và phát triển của Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ, doanh nghiệp được thành lập từ năm 1962, tiền thân có tên là Nhà máy Dệt Hòa Thọ (SICOVINA) thuộc Công ty Kỹ nghệ Bông vải Việt Nam. Năm 1975, khi thành phố Đà Nẵng được giải phóng, Nhà máy Dệt Hòa Thọ được chính quyền tiếp quản và đi vào hoạt động trở lại vào ngày 21-4-1975. Sau đó, năm 2006, qua 3 lần đổi tên (vào các năm 1993, 1997, 2005), doanh nghiệp chuyển thành Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ theo Quyết định số 3252/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp, và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 1-2-2007.

Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ tập trung sản xuất quy mô lớn với 2 lĩnh vực chính: (1) Sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các loại sản phẩm may mặc, các loại sợi; (2) Nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị thiết yếu dùng để kéo sợi và sản xuất hàng may mặc. Không chỉ là một hệ thống cung ứng Sợi - May hàng đầu Việt Nam, doanh nghiệp còn giữ vai trò nòng cốt, trong các hoạt động của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), tích cực đóng góp to lớn vào ngành dệt may Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.

Cuốn “Lịch sử phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn thành phố Đà Nẵng (1929-2009)” do Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng biên soạn có đoạn: “Về kinh tế, vào đầu năm 1960, Ngô Đình Diệm khởi công xây dựng và chính thức khánh thành Nhà máy dệt SICOVINA Hòa Thọ. Đội ngũ công nhân, lao động Đà Nẵng đông hơn trước, chỉ tính riêng công nhân dệt SICOVINA Hòa Thọ đã lên đến 900 người. Đến năm 1970, Nhà máy dệt SICOVINA Hòa Thọ không phát triển, cũng vẫn gồm 3 ngành chính: ngành sợi, ngành dệt và ngành kỹ thuật. Nguyên liệu chủ yếu là sợi bông. Nhà máy sản xuất vải mộc (bán thành phẩm), không có khâu tẩy nhuộm. Vải sản xuất ra được đưa vào Sài Gòn tẩy nhuộm và tiêu thụ. Nhà máy không có kế hoạch sản xuất và hoạch toán kinh tế riêng, mà chỉ làm theo kế hoạch và sự điều phối của Công ty Bông vải sợi Việt Nam (SICOVINA)”.

Doanh nghiệp ở Đà Nẵng có trang web được đặt tên sicovina là Công ty CP Giám định Thái Dương, logo có chữ SICO. Theo giải thích của công ty, SICO là viết tắt của The Sun Inspection J.S Company (Công ty CP Giám định Thái Dương); SICOVINA là chữ viết tắt của SICO + VINA (Việt Nam), có nghĩa là SICOVINA ở đây không liên quan gì với SICOVINA trước năm 1975!

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.