Câu chuyện sau một bức tranh

.

“Trận Tầm Vu” là một trong số những tác phẩm hội họa hiếm hoi ghi lại hiện thực cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) của quân và dân Nam Bộ hiện được trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội). Trong tác phẩm bột màu này, tác giả ghi lại một khoảnh khắc của trận Tầm Vu - một trận đánh nổi tiếng ở Nam Bộ thời kỳ đó.

Bức tranh “Trận Tầm Vu” của họa sĩ Nguyễn Hiêm được trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội).
Bức tranh “Trận Tầm Vu” của họa sĩ Nguyễn Hiêm được trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội).

Vài chục năm trước, khi tham gia nghiên cứu đề tài văn học nghệ thuật kháng chiến 1945-1954, tôi biết đến tên tuổi của họa sĩ Nguyễn Hiêm với tác phẩm “Trận Tầm Vu”, sáng tác năm 1948, đoạt giải Nhất triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1958. Sau đó, tình cờ xem trọn chương trình Tạp chí Văn nghệ sáng Chủ nhật 23-5-2009 trên kênh HTV7 (Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh), tôi biết thêm về họa sĩ người Nam Bộ này.

Nội dung chương trình có chi tiết đáng chú ý: Trong những cuộc hành quân chiến đấu thời kháng chiến, bên cạnh hành trang người lính, họa sĩ Nguyễn Hiêm còn mang theo một ống bằng thép, trong đó đựng các tác phẩm tranh của mình. Nhờ thế, ông còn giữ lại được khá nhiều tranh. Đặc biệt, bức tranh về chiến thắng trận Tầm Vu được ông vẽ ngay tại chiến hào và hoàn thành nó ngay sau trận đánh. Một lần, đến giờ đơn vị hành quân nhưng ông vắng mặt.

Vì sự việc đó, ông bị kỷ luật. Nhưng lý do của “án kỷ luật” này lại rất đặc biệt: Mặc dù biết mình sẽ trễ giờ hành quân nhưng ông vẫn quyết chèo xuồng đến một làng nọ, nơi ông gửi lại cho bà con một số tranh vẽ của mình. Ông sợ rằng, khi bà con rời làng để tránh giặc sẽ đốt các tài liệu có liên quan, trong đó có các bức tranh của mình. Vì vậy, ông quyết tâm đến đó cho bằng được để lấy tranh về. Nhờ thế mà ngày nay, nhiều bức tranh của ông còn được lưu giữ nguyên vẹn, trong đó có “Trận Tầm Vu”.

Câu chuyện thú vị cùng sự quý trọng cái tâm của họa sĩ đối với tác phẩm nghệ thuật khiến tôi cố tìm vào bảo tàng để mục sở thị một lần nữa tác phẩm chiến thắng Tầm Vu mà suýt nữa thì bị thất lạc của họa sĩ Nguyễn Hiêm. Theo giới thiệu của bảo tàng và tham khảo tư liệu đăng tải trên các trang mạng, tôi biết thêm về họa sĩ và tác phẩm.

“Trận Tầm Vu” là một trong số những tác phẩm hội họa hiếm hoi ghi lại hiện thực cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) của quân và dân Nam Bộ hiện được trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội). Trong tác phẩm bột màu này, tác giả ghi lại một khoảnh khắc của trận Tầm Vu - một trận đánh nổi tiếng ở Nam Bộ thời kỳ đó. Với bố cục chặt chẽ, tác giả diễn tả hình ảnh bộ đội và du kích chạy băng cánh đồng tiêu diệt một đoàn quân địch có xe tăng, pháo đi càn. Tác giả tập trung đặc tả hình ảnh một chiến sĩ mình ở trần, mặc quần đùi, tay cầm mã tấu, cùng đoàn quân xông lên giết giặc. Cả bức tranh là hình ảnh sống động thông qua các tư thế chạy của bộ đội và khung cảnh đồng lúa cũng như khói lửa trong trận đánh.

Câu chuyện về số phận của bức tranh cho ta một cảm xúc về tình yêu của nghệ sĩ với đứa con tinh thần của mình và quý trọng cái tâm của nghệ sĩ đối với hội họa. Cách xử lý tình huống trong điều kiện phải gấp rút chống càn trong chiến tranh của Nguyễn Hiêm quả là có phần hơi… nghệ sĩ, và cũng chắc là khó có thể lặp lại tình huống thứ hai trong đời ông - và với nhiều văn nghệ sĩ khác. Bởi lẽ, sau này, khi chiến tranh kết thúc, nhiều nhà văn, nhiều tác giả hội họa, nhiếp ảnh, quay phim thường vẫn tiếc nuối vì nhiều tác phẩm của họ đã bị cháy, bị thất lạc trong chiến tranh. Và người thiệt thòi không chỉ là các tác giả, mà cả những người đọc, người xem trong chúng ta hôm nay.

Họa sĩ Nguyễn Hiêm sinh năm 1917, mất năm 1976. Ông quê ở Châu Đốc, An Giang, từng học và tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Sài Gòn - Gia Định. Ông tham gia cách mạng từ năm 23 tuổi và được kết nạp Đảng năm 1948. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954, tuy là người lính nhưng ông vẫn gắn bó với hội họa, có nhiều tác phẩm ghi lại cuộc sống và chiến đấu của quân, dân Nam Bộ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác tại Phòng Văn nghệ Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị đến năm 1975, sau đó về làm việc tại Quân khu 7. Hội viên Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1957. Ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2000.

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.