VÌ CUỘC SỐNG XANH

Không dùng túi nilon - chúng ta sẽ có cách

.

Tình cờ thấy trên facebook của chị Mai Thị Hương Lan (Huấn luyện viên Yoga, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) xuất hiện clip chia sẻ cách đi chợ không dùng túi nilon với dòng trạng thái: “Vui lắm nha! Lan đi chợ toàn được người bán tự động giảm giá hoặc thêm đồ. Còn có 2-3 cô bán hàng năn nỉ “bữa mô cô đem cho con cái giỏ nhựa nghe, mới tinh, cô để miết ở nhà không dùng tới” khi thấy cái giỏ nhựa đi chợ của mình dùng hơn 10 năm te tua vẫn chưa thay”… tôi tò mò, nhấn nút xem clip.

Clip ngắn chỉ hơn 2 phút nhưng chị Lan đã chia sẻ đầy đủ việc làm sao đi chợ không cần dùng đến túi nilon, cách sắp xếp rau củ quả như thế nào sau mỗi lần đi chợ. Clip bắt đầu với một chiếc giỏ nhựa và một chiếc túi vải đựng đầy thịt, cá, rau củ quả… chị Lan mới đi chợ về. Nhưng trong hai túi ấy, khi sắp soạn ra kệ thì không thấy một túi nilon nào bởi thịt cá đã được chị Lan đựng hết trong một chiếc túi nilon sử dụng nhiều lần; các thực phẩm khác như dưa cà muối, đậu khuôn đựng trong hộp nhựa, còn rau củ quả chị Lan để trực tiếp vào giỏ và vào túi vải, tất cả vật dụng đều được chị chuẩn bị sẵn trước khi đi chợ. Chị Lan cho biết: “Đối với việc đi chợ, tôi thường có thói quen mang theo giỏ nhựa, túi vải. Tôi cũng luôn dự tính hôm nay mua gì để chuẩn bị đồ đựng thực phẩm phù hợp, nhờ vậy tôi không phải nhận bất cứ một bao nilon nào từ các tiểu thương”.

Khi ra ngoài mua thức ăn chị Lan cũng luôn chuẩn bị sẵn các hộp thủy tinh hoặc hộp nhựa để đựng thức ăn. Trong cốp xe máy của chị Lan cũng thường để sẵn một vài hộp nhựa hoặc túi nhựa phòng khi đang đi ngoài đường cần mua thứ gì đó thì có ngay đồ đựng. Hoặc giả sử nếu quên mang theo hộp đựng thì trước khi mua chị Lan luôn đặt câu hỏi: Món đồ đó có thực sự cần thiết ngay lúc này không? Mình có kịp về nhà để lấy đồ đựng không?... Sau khi đã đặt và trả lời hết các câu hỏi đó nhưng vẫn bắt buộc mua thì khi về nhà chị Lan sẽ tận dụng những chiếc túi nilon đó bằng cách giặt sạch, phơi khô và dồn lại gửi cho người cần.

Chị Lan chia sẻ thêm một mẹo để hạn chế dùng túi nilon khi đi mua hàng hóa ở các cửa hàng thực phẩm, siêu thị, đó là: rau củ quả chị sẽ đựng vào những túi vải, cá thịt chị tách phần cá và túi nilon bọc cá cho vào hộp nhựa đựng chung thực phẩm tươi sống, đồng thời gửi lại hộp xốp cho nhân viên siêu thị tái sử dụng. “Những siêu thị đó đã quá quen với việc làm của tôi nên họ rất hợp tác”, chị Lan cho hay. Chị Hương Lan là một trong những người tiên phong tại Đà Nẵng trong việc nói không với túi nilon. Cách đây hơn 17 năm khi đang là sinh viên, chị Lan đã tham gia rất nhiều dự án, nhiều nhóm tình nguyện bảo vệ môi trường. Ở đó, chị Lan được tập huấn, thực hành và biết thêm các kiến thức về tuổi thọ của rác thải, trong đó có những sản phẩm làm từ nhựa. Kể từ đó chị Lan quyết tâm hạn chế tối đa nhất việc sử dụng đồ nhựa và túi nilon trong sinh hoạt hằng ngày.

Những năm gần đây, tại Đà Nẵng, phong trào nói không với túi nilon lan tỏa mạnh mẽ. Nhận thức của người dân về rác thải nhựa ngày càng tăng lên và một khi nhận thức thay đổi sẽ dẫn đến thái độ và hành động tích cực.

Ví như, trong một buổi sáng đầu tuần bận rộn, nếu chọn sự tiện lợi thì mặc nhiên chúng ta không do dự khi mua một hộp xôi đựng trong hộp xốp hay gọi một ly trà sữa đựng trong ly nhựa. Nhưng nếu suy nghĩ rằng chúng ta cần có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình thì dù vội chúng ta vẫn đắn đo, cân nhắc xem mình có nên mua nó hay không? Như vậy, chọn bảo vệ hay chọn thờ ơ với rác thải nhựa, với môi trường là do chính mình. Và thay đổi được thói quen không dùng túi nilon, không dùng đồ nhựa dùng một lần hay không, chỉ cần chúng ta muốn, chắc chắn chúng ta sẽ có cách.

THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích