Đà Nẵng cuối tuần

Đề xuất giải pháp thu hút đầu tư trong nước và quốc tế hậu Covid-19

05:59, 11/12/2021 (GMT+7)

Đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguồn lực quan trọng tạo sự đột phá, đóng góp và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong hai năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng Covid-19, thu hút đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn. Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để đẩy mạnh thu hút đầu tư hậu Covid-19?

Công nhân chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp bên trong Khu Công nghiệp Thủy sản Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.Ảnh: TRẦN THẮNG
Công nhân chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp bên trong Khu Công nghiệp Thủy sản Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Ảnh: TRẦN THẮNG

Báo cáo số 326/BC-UBND ngày 20-11-2020 của UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Đà Nẵng thu hút 163 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trong nước 76.130 tỷ đồng. Dòng vốn đầu tư trong nước chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như bất động sản - du lịch, giáo dục, y tế… Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, thành phố thu hút được 530 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới là 1.045,4 triệu USD; 60 dự án mới tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 144,5 triệu USD; có 605 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng giá trị là 211,8 triệu USD. Tỷ lệ vốn giải ngân ước đạt từ 51-53%/tổng vốn đăng ký.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn đăng ký đạt 1.862 triệu USD, chiếm 48,02%; lĩnh vực bất động sản, bất động sản - du lịch vốn đăng ký gần 1.292,28 triệu USD, chiếm 33,45%; còn lại một số lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, công nghệ thông tin và các dịch vụ khác. Các quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào Đà Nẵng là Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Mỹ.

Thúc đẩy hội nhập quốc tế, phát triển thương hiệu Đà Nẵng

Trong giai đoạn 2016-2020, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước đóng góp bình quân 7,844% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp bình quân 9,4% vào tốc độ tăng trưởng GRDP thành phố Đà Nẵng. Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành, đầu tư ngoài nhà nước chiếm bình quân 55,4% và đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm bình quân 9,7%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 118.180 tỷ đồng; trong đó, từ khu vực công thương nghiệp ngoài kinh tế quốc doanh chiếm 23.197 tỷ đồng (19,62%), khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp 21.921 tỷ đồng (18,54%). Doanh nghiệp ngoài Nhà nước đã tạo ra hơn 910.000 việc làm, chiếm 73,5% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giải quyết hơn 190.000 việc làm, chiếm 15,37%. Năng suất lao động xã hội khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài cao hơn gấp 2 lần so với khu vực ngoài nhà nước.

Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 của Đà Nẵng tăng bình quân 3%/năm. Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đóng góp đáng kể trong tăng trưởng xuất khẩu, tổng giá trị xuất khẩu khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm bình quân 53,07% tổng giá trị xuất khẩu của thành phố Đà Nẵng, cao hơn kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước, đã tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng tăng tỷ lệ hàng công nghiệp điện tử và các mặt hàng công nghệ cao.

Đầu tư trong nước và đầu tư quốc tế đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, làm tăng năng lực sản xuất kinh doanh, đã tạo ra một số ngành quan trọng để sản xuất các sản phẩm mới như: điện tử, mô-tơ điện, xe máy, phụ tùng ô-tô… Đến năm 2020, tỷ trọng kinh tế ngoài nhà nước đạt 55,9%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 9,9%. Đầu tư trong nước và đầu tư quốc tế đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến; mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; từ đó thúc đẩy hội nhập quốc tế và phát triển thương hiệu thành phố, thiết lập các mối quan hệ hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực với các địa phương, thành phố khác ở trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, trong hai năm 2020-2021, tình hình Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư trong nước và xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các thị trường trọng điểm thu hút đầu tư, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu giảm 40% do gián đoạn chuỗi cung ứng. Vì vậy, thu hút đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn, gây cản trở việc khai thác các nguồn lực và tận dụng các tiềm năng, lợi thế so sánh vốn có của Đà Nẵng.

Các giải pháp thu hút đầu tư

Thời gian qua thành phố đã linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhiều chính sách đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp doanh nghiệp hạn chế ảnh hưởng do dịch bệnh và phục hồi sản xuất kinh doanh. Ngày 26-10,UBND thành phố đã phê duyệt Quyết định số 3395/QĐ-UBND ban hành "Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030", theo đó tập trung đánh giá tình hình thu hút đầu tư; phân tích thế mạnh và cơ hội cũng như tồn tại và thách thức của thành phố. Đồng thời nghiên cứu quan điểm, mục tiêu, định hướng của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đối với thành phố để làm cơ sở đề ra quan điểm, mục tiêu, định hướng, kế hoạch, giải pháp thu hút đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và đầu tư quốc tế hậu Covid-19, qua nghiên cứu lý luận, đề xuất thành phố tiếp tục quan tâm các giải pháp sau:

Một là, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch chung; quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết làm cơ sở xác định địa điểm các dự án cần kêu gọi đầu tư. Chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ thông tin đón dòng vốn dịch chuyển. Tiếp tục rà soát sử dụng quỹ đất đầu tư không hiệu quả, còn trống tại các khu công nghiệp hiện có. Đầu tư phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng logistics phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hai là, rà soát điều chỉnh, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng cơ chế khuyến khích để tăng sự liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước; tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hợp tác, chuyển giao công nghệ và đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ cho người lao động tham gia vào các dự án đầu tư. Thực hiện điều chỉnh ngành, nghề thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên các dự án đầu tư bảo đảm hệ sinh thái, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng dịch chuyển của dòng vốn đầu tư hiện nay trên thế giới.

Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường trật tự kỷ cương quản lý hành chính trong thu hút đầu tư và trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư trong nước và quốc tế. Tiếp tục rà soát, rút ngắn quy trình thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, kiểm tra việc thu hút đầu tư và triển khai thực hiện dự án đầu tư trong nước và quốc tế..

Bốn là, chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực, thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và nước ngoài đến làm việc tại Đà Nẵng. Tổ chức các chương trình, hoạt động kết nối cung - cầu về nguồn nhân lực giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo theo từng lĩnh vực. Nhân rộng mô hình hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài khi tuyển dụng lao động cho các dự án đầu tư.

Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong thu hút đầu tư. Cần khắc phục tình trạng các nhà đầu tư năng lực tài chính thấp vẫn đầu tư giữ đất rồi chuyển nhượng đầu tư, khắc phục tình trạng chuyển giá, đầu tư chui, đầu tư núp bóng. Đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tình trạng lỗ giả, lãi thật. Phòng ngừa, giải quyết nhanh chóng và có hiệu quả các tranh chấp giữa các bên có liên quan đến đầu tư nước ngoài.

Sáu là, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư và đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư. Đà Nẵng cần đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đồng thời tăng cường tiếp xúc cấp cao với các tập đoàn, các doanh nghiệp ở các nước có nền kinh tế phát triển, các hiệp hội doanh nghiệp, các ngân hàng lớn của các quốc gia khu vực châu Âu, châu Á, Nam Mỹ... đang có chính sách chuyển dịch dòng vốn đầu tư đến các quốc gia có tính hấp dẫn và an toàn hậu Covid 19. Bảy là, đẩy mạnh công tác truyền thông với thông điệp “Đà Nẵng là điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn” thông qua các phương tiện truyền thông, các diễn đàn đầu tư, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế; kết hợp xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch trong các sự kiện nhằm tận dụng tối đa nguồn lực đồng thời nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng.

Việc triển khai thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp trên đây sẽ góp phần nâng cao vị thế của thành phố Đà Nẵng, tạo động lực để thành phố trở thành trung tâm kết nối, lan tỏa và thúc đẩy tăng trưởng của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên hậu Covid-19.

TS. LÊ BẢO - ThS. PHẠM THỊ BÍCH HIỀN

-----------------------------
TS. Lê Bảo: Khoa Kinh tế - Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng; ThS. Phạm Thị Bích Hiền: Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng
 
.